Trung Quốc thả 21 ngư dân Lý Sơn - Trở về trong niềm vui và nước mắt

Trung Quốc thả 21 ngư dân Lý Sơn - Trở về trong niềm vui và nước mắt

Sau 50 ngày đêm bị phía Trung Quốc giam giữ tại Hoàng Sa, rạng sáng 22-4, 21 ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã trở về nhà trong niềm vui đẫm nước mắt khi gặp lại người thân.

Ngư dân Trần Hiền đoàn tụ cùng gia đình sau những ngày bị giam tại đảo Phú Lâm.

Ngư dân Trần Hiền đoàn tụ cùng gia đình sau những ngày bị giam tại đảo Phú Lâm.

Tin 21 ngư dân Lý Sơn chuẩn bị trở về nhà từ Hoàng Sa, người dân cả hòn đảo này gần như thức trắng để đón đợi. Biết tàu cá QNg 66074 TS - một trong hai chiếc tàu cá bị Trung Quốc bắt giữ trái phép ngày 3-3 sẽ cập cảng Lý Sơn vào khoảng 1 đến 2 giờ sáng 22-4 nhưng ngay từ tối 21-4, hàng trăm người dân, gồm vợ con, cha mẹ và bà con chòm xóm của các ngư phủ đã có mặt tại cảng cá để chờ đón người thân. Khi chiếc tàu cá QNg 66074 TS chở 21 ngư dân xuất hiện, niềm vui như vỡ òa.

Thuyền trưởng Trần Hiền thất thểu trên tàu bước xuống, giọng còn mệt mỏi, cho biết: “Chiều 3-3, trong lúc đang hành nghề thì phát hiện tàu kiểm ngư 306 màu trắng của Trung Quốc từ xa. Biết chuyện chẳng lành nên tui cho tàu chạy hết ga nhưng không thoát”.

Trước khi bắt tàu cá QNg-66074TS cùng 11 ngư dân, sáng 3-3, cũng chính tàu kiểm ngư 306 của Trung Quốc đã bắt tàu cá QNg-66101TS của ông Lê Vinh (46 tuổi, cũng ở xã An Vĩnh) làm chủ phương tiện và ông Bùi Thu (46 tuổi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 10 ngư dân khi đang hành nghề lặn ở vùng biển Hoàng Sa. “Ban đầu, phía Trung Quốc yêu cầu ngư dân hốt hết số cá đã khai thác được chừng 3 tấn qua tàu kiểm ngư 306 thì sẽ thả tàu cá nhưng khi mới chuyển được một nửa số cá bất ngờ lại đổi ý, bắt đưa tàu và ngư dân về đảo Phú Lâm”.

Thuyền trưởng Bùi Thu cho biết: “Sau khi Trung Quốc đưa chúng tôi về đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa), họ nhốt cả 21 anh em vào trong một căn phòng, rộng chừng 40m², thiếu thốn đủ bề. Khẩu phần ăn lúc đầu được 3 bữa/ngày, sau cắt xuống còn 2 bữa nhưng mỗi người chỉ vài lưng bát cơm. Thương nhất là số thanh niên, chúng đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng ăn uống quá thiếu thốn như vậy nên sức khỏe giảm nhanh”.

Thuyền trưởng Trần Hiền tỏ ra vững vàng: “Rất đói khổ, thiếu thốn nhưng anh em luôn động viên nhau giữ vững tinh thần và luôn hy vọng vào sự can thiệp của Chính phủ ta để chúng tôi sớm trở về nhà đoàn tụ với gia đình”.

Niềm tin vào sự can thiệp của Chính phủ Việt Nam để phía Trung Quốc sớm thả số ngư dân bị bắt đã trở thành hiện thực. Ngay sau khi hay tin 21 ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ bất hợp pháp, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm kiên quyết phản đối và đòi phía Trung Quốc thả vô điều kiện. Cuối cùng, phía Trung Quốc cũng phải thả số ngư dân Việt Nam mà họ bắt giữ bất hợp pháp.

Suốt gần 2 tháng qua, nhiều đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương đã về Lý Sơn để thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình các ngư dân để họ khắc phục một phần khó khăn khi chồng con bị giam giữ. Các ngư dân đã bày tỏ lòng biết ơn về sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền và bà con nhân dân cả nước về sự cưu mang đó. Đối với thuyền trưởng Trần Hiền, niềm vui của anh như được nhân lên khi vợ anh đã sinh một cháu bé đúng ngày anh Hiền bị bắt. Vậy là sau 50 ngày xa cách, anh Hiền mới thấy mặt con! Tuy được đoàn tụ với gia đình nhưng phần lớn các ngư dân này đang gặp khó khăn do suốt gần 2 tháng qua họ không đánh cá được, đó là chưa kể số tài sản trên tàu đã bị phía Trung Quốc lấy sạch.

Hai tàu cá bị bắt nhưng Trung Quốc chỉ thả 1 tàu, còn tàu QNg 66101 TS hiện vẫn bị giam giữ. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết huyện sẽ tiếp tục giúp đỡ cho gia đình số ngư dân này sớm ổn định cuộc sống, đồng thời sẽ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tiếp tục đòi phía Trung Quốc thả nốt chiếc tàu còn lại.

Hà Nhiên - Hà Minh

Tin cùng chuyên mục