Phản hồi loạt bài “Nỗi lo thủy điện miền Trung - Tây Nguyên” - Thận trọng quy hoạch, giảm tác động tiêu cực

Ngay sau khi đăng loạt bài “Nỗi lo thủy điện miền Trung - Tây Nguyên”, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia xung quanh việc giảm những tác hại do thủy điện đem lại. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.
Phản hồi loạt bài “Nỗi lo thủy điện miền Trung - Tây Nguyên” - Thận trọng quy hoạch, giảm tác động tiêu cực

LTS: Ngay sau khi đăng loạt bài “Nỗi lo thủy điện miền Trung - Tây Nguyên”, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia xung quanh việc giảm những tác hại do thủy điện đem lại. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.

  • Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu: Phát triển thủy điện bền vững

Phát triển thủy điện dù được ghép thêm từ bền vững cũng vẫn là một bài toán đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường - xã hội. Không thể xem thủy điện là nguồn năng lượng sạch và rẻ để phát triển với bất cứ giá nào, bất cứ ở đâu. Cộng đồng và người dân phải di dời do xây dựng thủy điện là những người phải chịu thiệt thòi nhất, chịu hy sinh nhiều nhất kể cả vật chất, tinh thần và văn hóa bản địa cho lợi ích của chung và của chính những nhà đầu tư (nhà nước hoặc tư nhân).

Vì vậy, để phát triển thủy điện một cách bền vững, nhất là hệ thống thủy điện bậc thang ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhà quản lý phải thận trọng để vừa đảm bảo lợi ích kinh tế vừa đảm bảo vấn đề dân sinh, môi trường vùng dự án. Nhằm không để sự cố, thảm họa thủy điện xảy ra, khi thiết kế và thi công công trình thủy điện cần xem xét đến yếu tố biến đổi khí hậu khi xác định cấp công trình, tính toán kỹ thuật công trình và duy trì và phục hồi rừng đầu nguồn; phải có kịch bản liên quan đến các sự cố đập, kể cả sự cố vỡ đập và các phương án phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại cho cộng đồng liên quan trong phạm vi ảnh hưởng của đập; công khai, minh bạch thông tin về phát triển thủy điện, về an toàn đập và các vấn đề liên quan cho cộng đồng, nhà khoa học và trên phương tiện thông tin đại chúng. Cuối cùng, tái định cư phải bảo đảm sinh kế lâu dài, giữ gìn bản sắc dân tộc, đời sống văn hóa của người dân và cộng đồng. Lợi ích từ nguồn điện cần dành một phần để tiếp tục nâng cao cuộc sống của cộng đồng và người dân bị di dời… bởi mục tiêu cuối cùng của phát triển là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của con người và phát triển phải vì con người.

  • Chuyên gia thủy lợi Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Cần quy hoạch cân bằng nước trên các lưu vực sông

Những nguy cơ tiềm ẩn về thủy điện trước đây đã cảnh báo nay ngày càng lộ rõ mặt trái của nó. Việc chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác phải đảm bảo những quy định rất nghiêm ngặt để khỏi ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường sống và xã hội ở các lưu vực sông liên quan. Trong khi đó, thủy điện Đắk Mi 4 lại xảy ra chuyện cắt nước cạn khô sông của Đắk Mi (thượng nguồn Vu Gia - PV) rồi đổ về sông Thu Bồn gây ra bao hệ lụy cho vùng hạ du. Trong quá trình quy hoạch, xây dựng thủy điện, người phê duyệt dự án không nghiêm túc nên dẫn đến tranh chấp nước giữa các địa phương với chủ đầu tư ở thủy điện Đắk Mi 4.

Cửa xả hồ thủy điện Đắk Mi 4 đóng kín, dòng Đắk Mi khô trơ đáy, trong khi phía trên hồ, nước vẫn đầy với cao trình trên 250m.

Cửa xả hồ thủy điện Đắk Mi 4 đóng kín, dòng Đắk Mi khô trơ đáy, trong khi phía trên hồ, nước vẫn đầy với cao trình trên 250m.

Đối với hệ thống thủy điện bậc thang ở miền Trung – Tây Nguyên phải hết sức thận trọng vì chỉ cần thủy điện ở thượng nguồn xả lũ đã có thể gây ảnh hưởng xấu, gây nguy hại đến những thủy điện ở phía dưới. Đó là chưa nói đến biến đổi khí hậu gây diễn biến khôn lường. Chúng ta chưa thể lường được và chưa có kịch bản nào đối với các công trình thủy điện phía thượng nguồn các con sông. Vì vậy phải bảo vệ rừng, công trình thủy điện phải gắn với chống lũ ở hạ du mà việc này Nhà nước phải đứng ra làm chứ không phải từ phía chủ đầu tư thủy điện.

  • Tiến sĩ Đoàn Tranh, Giảng viên Đại học Duy Tân, Đà Nẵng: Thủy điện tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và môi trường

Thông thường những chi phí phần chìm đối với một dự án thủy điện không được tính toán có liên quan nhiều đến các tác động tiêu cực về các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường mà nó gây ra. Về kinh tế, vì quá phụ thuộc vào thời tiết mà nhiều công trình thủy điện không thể phát huy hết công suất vào mùa hè; hay buộc phải xả nước thay vì phát điện để phục vụ cấp nước cho thủy lợi, đẩy mặn thâm nhập, gây tổn thất cho nhà đầu tư; thủy điện gây ra lũ lụt lớn phía hạ du vào mùa mưa, gây hạn hán và nhiễm mặn vùng hạ du vào mùa hè như thực tế đã diễn ra ở Đà Nẵng và Quảng Nam mấy năm qua. Thủy điện ngày càng gây ra nhiều tác động kép lớn hơn. Chỉ tính riêng 8 công trình thủy điện lớn (từ 50MW trở lên - PV) trên hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn làm ngập 10.000ha và 14.000 nhân khẩu bị di dời để thực hiện dự án. Về môi trường, thủy điện đã ngăn cản đường đi của các loài cá và làm mất đi sự đa dạng sinh học trên các dòng sông. Nhiều đơn vị thi công đã lạm dụng làm sạch lòng hồ để khai thác rừng trái phép; người dân phá rừng làm rẫy vì không có đất sản xuất. Nếu phát triển thủy điện chỉ nhằm mục tiêu kinh tế thì hiệu quả KT-XH của nó chỉ có tính ngắn hạn, về lâu dài sẽ chịu thiệt hại lớn hơn do những tác động tiêu cực từ thủy điện gây ra. Tuổi thọ của một nhà máy thủy điện có thể kéo dài 100 năm thì không lý gì chỉ quan tâm đến mục tiêu ngắn hạn của đầu tư thủy điện mà không quan tâm đến những lợi ích trong dài hạn.

Vì vậy, để phát triển thủy điện một cách bền vững, nhà quản lý khi phê duyệt thiết kế hồ chứa thủy điện phải đảm bảo dung tích phòng lũ; tăng cường sự giám sát của cộng đồng, của nhà quản lý từ khâu thi công cho đến vận hành; thực hiện chính sách minh bạch hóa thông tin về thủy điện. 

NGUYÊN KHÔI (ghi)

Nỗi lo thủy điện miền Trung - Tây Nguyên

- Bài 1: Sông khô, người khát

- Bài 2: Lênh đênh khu tái định cư

- Bài 3: Đảo lộn dân sinh và môi trường

Tin cùng chuyên mục