Ngư dân miền Trung đầu tư tàu lớn vươn khơi xa

Đóng tàu lớn và tăng đội tàu
Ngư dân miền Trung đầu tư tàu lớn vươn khơi xa

Những năm gần đây, dù kinh tế khó khăn, nhưng ngư dân miền Trung vẫn tằn tiện chi tiêu để đầu tư tàu lớn vươn khơi xa, bám biển dài ngày. Chủ trương về đóng tàu vỏ sắt phục vụ ngư dân đã được Nhà nước triển khai. Khát vọng về những đội tàu lớn, hùng mạnh hiện diện trên biển ngày càng mãnh liệt đối với ngư dân miền Trung.

Đóng mới tàu thuyền tại Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn. Ảnh: Ngọc Thái

Đóng mới tàu thuyền tại Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn. Ảnh: Ngọc Thái

Đóng tàu lớn và tăng đội tàu

Hai chiếc tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Cư, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), được đóng mới với số tiền khoảng 5 tỷ đồng lừng lững nằm trên thanh đà sắp được hạ thủy. Để có thể đánh bắt dài ngày trên biển ở các vùng biển xa, ông Cư không chọn đóng tàu có công suất nhỏ như trước mà chuyển hướng bằng việc bỏ ra số tiền lớn để đóng tàu có công suất lên đến 430 CV. Theo ông Cư, đóng tàu công suất lớn sẽ làm ăn hiệu quả và giúp đảm bảo an toàn hơn khi hành nghề trên biển. Ông Phạm Như Quỳnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã tàu thuyền Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) xác nhận: “Hiện nay ngư dân Quảng Ngãi chủ yếu đóng tàu công suất lớn chứ không đóng tàu công suất nhỏ. Vì bây giờ ven bờ ít cá nên đóng tàu công suất lớn để khai thác khơi xa. Hàng năm, khoảng 50 chiếc tàu công suất lớn được đóng mới”. Nếu năm 2002, số lượng tàu thuyền của Quảng Ngãi khoảng 3.000 tàu với tổng công suất chỉ 129 ngàn CV, đến năm 2012, toàn tỉnh có 5.700 tàu thuyền, với tổng công suất trên 680 ngàn CV.

Tại Bình Định, ngư dân Nguyễn Văn Ái, chủ những chiếc tàu cá to nhất, nhì miền Trung ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (Phù Mỹ) là niềm mơ ước, nể phục của nhiều ngư dân. “Chiếc đóng năm vừa rồi có công suất 800CV và đang đánh bắt thủy sản tại vùng biển Trường Sa. Chiếc còn lại 900CV mới vừa cập với 10 hầm tàu đầy cá...” - ông Ái vui mừng nói. Có tàu đánh bắt, ắt phải có tàu cung ứng nhiên liệu.

Ông Trần Mạnh Tưởng, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết: Hiện nay, ngư dân Bình Định chủ yếu đóng tàu có công suất lớn chứ không còn đóng tàu công suất nhỏ nữa. Năm 2011, công ty chúng tôi đóng mới trên 120 chiếc tàu cho ngư dân Bình Định và các tỉnh miền Trung, trong đó chiếc có công suất nhỏ nhất là 200 CV. Từ đầu năm đến nay, công ty đã nhận hợp đồng đóng mới gần 150 chiếc tàu có công suất từ 200-650 CV và đã cho hạ thủy được 120 chiếc. Theo ông Trần Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Định có gần 300 tàu thuyền đóng mới và nâng cấp máy (công suất bình quân 400 CV/chiếc), thay thế dần các tàu có công suất nhỏ. Hiện nay, đội tàu thuyền khai thác hải sản của Bình Định thuộc loại hùng hậu của cả nước, với 7.791 chiếc, tổng công suất trên 670.000 CV, công suất bình quân 98,75 CV/chiếc. Trong đó, tàu khai thác, đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên 2.408 chiếc. So với năm 2005, số lượng tàu thuyền tăng gần gấp đôi, nhưng tổng công suất tăng đến gấp 6 lần.

Một tàu hậu cần được cho là “khủng” nhất miền Trung do ngư dân tự đóng mới được hạ thủy của anh Lê Văn Sang (ở quận Hải Châu, Đà Nẵng). Tàu có trị giá hơn 3 tỷ đồng, công suất gần 1.200CV, hoạt động ổn định trong điều kiện gió bão cấp 7-8. Dù mới hạ thủy nhưng trong chuyến biển đầu tiên trở về đất liền, ông Sang hồ hởi khoe thu mua được hơn 20 tấn hải sản, cung ứng gần 3.000 lít dầu và nhiều lương thực cho các tàu đánh bắt xa bờ. Ông Sang đang lên kế hoạch đóng thêm một tàu dịch vụ cỡ bự nữa.

Băn khoăn tàu sắt

Ngư dân Nguyễn Tấn Điệp ở xóm Cù Lao, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) vừa là thuyền trưởng, vừa làm chủ hai tàu câu mực ở Trường Sa, cả hai tàu đều có công suất 380CV. Năm 2011, khi nghe tin triển khai dự án đóng tàu sắt, ông Điệp rất hào hứng, vì tàu sắt là niềm ao ước lâu nay của ngư dân, rất an toàn khi hành nghề trên biển. Thế nhưng khi biết kinh phí đầu tư tàu sắt cao, tàu 400CV kinh phí đã lên đến 5 - 7 tỷ đồng, ông Điệp... hoảng vì không có tiền nên không đăng ký đóng nữa. Theo ông Điệp đóng tàu gỗ 700 - 800CV, chi phí trên dưới 3 tỷ đồng. Trong khi đó, tàu sắt chỉ 400CV, ngốn tiền quá lớn, tụi tui không dám làm dù rất muốn”, ông Điệp nói. Ông Trần Em, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết cũng đã có bốn ngư dân đăng ký tàu sắt đã không tiếp tục làm hồ sơ đóng tàu, nguyên nhân vẫn do không có kinh phí. Bởi theo chủ trương, ngư dân phải đảm bảo 50% số vốn trên tổng giá trị tàu mới vay được tiền. Điều ngư dân băn khoăn nữa, đóng tàu sắt khi hư hỏng khó tìm nơi sửa chữa, chi phí như bảo dưỡng, duy tu tàu cá vỏ sắt cao hơn so với tàu vỏ gỗ.

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi Phan Huy Hoàng, dự án hiện đại hóa tàu cá của Nhà nước, tỉnh sẽ đóng thí điểm 22 tàu sắt (công suất từ 400 - 800CV), kinh phí khoảng 174 tỷ đồng (tàu thấp nhất 4,9 tỷ đồng, cao nhất 10,5 tỷ đồng), sau đó sẽ được triển khai ra 28 tỉnh, thành ven biển. Hiện Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã được giao thiết kế, đóng tàu, tập huấn, chuyển giao công nghệ, vận hành cho ngư dân sử dụng. Riêng về vốn, tỉnh đang đề xuất hỗ trợ lãi suất vay cho ngư dân đóng mới tàu vỏ sắt với tỷ lệ 30% số vốn đóng tàu, chủ phương tiện phải bỏ ra, còn lại vay từ các ngân hàng với lãi suất tạm tính 16%/năm, thời hạn vay 10 năm.

Hà Minh - Ngọc Thái

Chi cục Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản Quảng Bình cho biết từ đầu năm đến nay ngư dân Quảng Bình đóng mới 28 tàu thuyền từ 420CV trở lên để đánh bắt thủy sản xa bờ, trị giá gần 100 tỷ đồng. Từ tháng 3-2009 đến nay, ngư dân Quảng Bình đã tự nguyện thành lập gần 260 tổ đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển, với hơn 1.600 phương tiện và gần 12.000 lao động tham gia. Các tổ đoàn kết hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và các thành viên cùng có lợi. Nhờ vậy, trong 5 tháng đầu năm nay, ngư dân Quảng Bình đánh bắt được trên 15.000 tấn hải sản, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

M.Phong

Tin cùng chuyên mục