Đề nghị loại khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Ngày 12-4, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã có ý kiến chính thức nhận xét, phản biện báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được quy hoạch xây dựng phía thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai. VRN đề nghị các bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương khẩn trương rà soát lại quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai và loại bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch vì 2 dự án này không đảm bảo các nguyên tắc pháp luật, chủ trương và gây tác động sâu rộng đối với môi trường và xã hội.

Ngày 12-4, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã có ý kiến chính thức nhận xét, phản biện báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được quy hoạch xây dựng phía thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai. VRN đề nghị các bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương khẩn trương rà soát lại quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai và loại bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch vì 2 dự án này không đảm bảo các nguyên tắc pháp luật, chủ trương và gây tác động sâu rộng đối với môi trường và xã hội.

Trong quá trình xem xét, phân tích đối với bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM cả lần 1 và lần 2) này, các nhà khoa học VRN cho rằng, 2 dự án này đã vi phạm Luật Đa dạng sinh học. Theo Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12, trong Điều 7 đã ghi rõ những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có việc “xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh”. Theo đó, 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không phải là công trình phục vụ mục đích quốc phòng an ninh, nên việc xây dựng 2 dự án trên đã vi phạm Điều 7 Luật Đa dạng sinh học.

Tổ chức VRN cho rằng, trong ĐTM lần 2 của 2 dự án thủy điện trên đã không có bản đồ thể hiện tọa độ các điểm lấy mẫu.

Nhóm thực hiện ĐTM đã không thể hiện tuyến khảo sát, số lượng thu mẫu, thời gian điều tra và phương pháp phân tích. Ngoài ra, trong báo cáo cũng không xác định được khi một hay nhiều loài cá thể bị tác động sẽ dẫn đến sự tác động hay suy giảm những loài khác. Việc xây dựng hồ chứa lớn và đập thủy điện sẽ trực tiếp chia cắt con đường di cư của những cá thể nguy cấp và tác động nghiêm trọng này sẽ không thể nào phục hồi và đảo ngược được. Đây là một trong những nguy cơ mất mát lớn liên quan đến tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Cát Tiên, địa danh đang được UNESCO xem xét công nhận là “di sản thiên nhiên thế giới”.

Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề mà giới khoa học còn nghi ngại như, tính đa dạng sinh học sẽ bị ảnh hưởng và mất vĩnh viễn mà không phục hồi được; vấn đề tính toán về thủy văn, đặc biệt là ảnh hưởng về dòng chảy của dòng chính sông Đồng Nai phía hạ lưu; vấn đề ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội của dự án; vấn đề về tính khả thi của các giải pháp ứng phó với hàng loạt sự cố…

Đặc biệt, các nhà khoa học VRN hết sức quan ngại về khả năng rò rỉ chất độc hóa học trong lòng đất vào nguồn nước. Trong thời kỳ chiến tranh, vùng đất trên lưu vực sông Đồng Nai là một trong những nơi bị rải chất khai quang và các chất độc hóa học khác. Các độc chất này lưu lại rất lâu trong đất. Khi hình thành các hồ chứa, mực nước ngầm trong khu vực sẽ dâng cao và có nhiều khả năng làm hòa tan các độc chất hóa học, hay sự phá rừng làm lòng hồ sẽ phóng thích các hóa chất được lưu giữ gây ô nhiễm nguồn nước và có thể gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe cho người dân vùng hạ lưu.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục