Giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế

Thượng tôn luật quốc tế
Giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế

Trong hai ngày 14 và 15-11 tại TP Nha Trang, Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 8 với chủ đề “Biển Đông, hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”.

Thượng tôn luật quốc tế

Tại hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới về biển Đông trình bày khoảng 30 tham luận về các lĩnh vực: quan hệ quốc tế, luật quốc tế, an ninh biển, hợp tác biển… Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết có 130 học giả và các đại biểu của các nước tham dự. Tính đến nay có hơn 200 bài tham luận liên quan đến các hội thảo biển Đông. Đây là kho tài liệu quý báu, sẽ được biên tập và in thành kỷ yếu để phát hành đến các chính phủ.

Chiến sĩ Hải quân tuần tra tại quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Ảnh: VIỆT DŨNG

Nội dung xuyên suốt của hội thảo lần này là các vấn đề an ninh, ổn định khu vực. Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, an ninh khu vực vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bởi chỉ từ tháng 7 đến nay, đã có 20 cuộc đụng độ nguy hiểm trên biển, gần khu vực quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Việc Tòa trọng tài tuyên bố kết quả Philippines thắng kiện Trung Quốc về các vấn đề liên quan trên biển là cơ sở pháp lý để các nước ASEAN giải quyết các bất đồng liên quan trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế và đàm phán đa phương. Cụ thể, trong năm nay, chúng ta đã chứng kiến một bài toán thử, một phép thử quan trọng đối với vai trò của luật pháp quốc tế và tinh thần thượng tôn pháp luật của các cộng đồng khu vực.

Trả lời về phản ứng của Việt Nam và ASEAN sau phán quyết này 12-7 của Tòa trọng tài trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc ở biển Đông cũng như những động thái mới nhất của hai nước, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng cho biết, kết quả vụ kiện này cho thấy vẫn còn có nhiều khác biệt trong việc diễn giải luật pháp, nhất là trong việc lồng ghép vào những tính toán địa chiến lược của các nước liên quan, nhất là các nước lớn.

Theo dõi tình hình biển Đông trong năm qua cũng không khó cho chúng ta nhận thấy rằng, bản thân các nước liên quan cũng có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về vai trò luật pháp quốc tế, có nhiều cách diễn giải khác nhau về phạm vi quyền, nghĩa vụ của một quốc gia, cũng như có nhiều cách nhìn khác nhau về tương lai cho tự do hàng hải, hàng không và khả năng phục hồi môi trường sinh thái, phát triển bền vững của khu vực.

“Trong những năm tới, các khác biệt này sẽ tiếp tục là cơ sở cho những bất đồng, tranh chấp, nhất là các cuộc chuyển giao quyền lực, hoặc tái cơ cấu quyền lực đã, đang và sẽ diễn ra trong khu vực liên quan đến thay đổi trong nội trị của nhiều nước. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng rằng các cuộc tranh chấp, bất đồng sẽ được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và chỉ có các cuộc đàm phán đa phương mới giải quyết dứt điểm vấn đề”, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng thông tin thêm.

Lo ngại “kiểm soát biển Đông”

Phát biểu tại hội thảo với tư cách là độc giả nước ngoài đầu tiên, TS Ulise Grannados, Điều phối viên về Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương (Viện Công nghệ Mexico), cho biết: Khu vực này đã được nghiên cứu khá lâu và ngày có nhiều người quan tâm, theo dõi. Trong các vấn đề nổi trội hiện nay, có việc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông khiến nhiều bên quan ngại.

TS Ulise Grannados chỉ ra rằng, tranh chấp trên biển Đông có 5 mô thức, đầu tiên là tranh chấp bắt nguồn từ thời đế quốc và nay là những tranh chấp liên quan đến các quy tắc, chuẩn mực về biển Đông, mà cụ thể là những biểu hiện của Trung Quốc thời gian qua.

Còn theo TS Francois Xavier Bonnet, Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (Pháp), năng lượng và cá là hai lĩnh vực kinh tế mà giới truyền thông và học giả thường đề cập đến để giải thích tranh chấp quần đảo Trường Sa ở biển Đông.

Tuy nhiên, người ta thường bỏ qua một khía cạnh quan trọng, trái ngược với nhận thức chung đó là: các vùng biển nước ở Trường Sa không nông mà khá sâu. Quần đảo Trường Sa hay vùng biển nguy hiểm được phân bố dọc hai trục chính hay tuyến đường bí mật mà các tàu ngầm, tàu truyền thống hay tàu hạt nhân đều có thể sử dụng đi lại.

“Việc bên nào kiểm soát hoàn toàn Trường Sa bằng hành động hiếu chiến sẽ là mối đe dọa tiềm tàng đối với khu vực rộng lớn ở châu Á”, TS Francois Xavier Bonnet nhấn mạnh.

Tiếp tục chủ đề này, ông Gregoly Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đã đem đến cho các học giả hàng loạt hình ảnh có được từ việc bồi đắp sai trái của Trung Quốc.

Theo ông Gregoly Poling, qua nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy, phía Trung Quốc không chỉ xây đảo nhân tạo mà có các động thái phong tỏa một số tuyến đường xung quanh một số đảo nhân tạo do nước này xây dựng. Không những thế, các tàu chiến của Trung Quốc đi lại trên các vùng biển gây ra nhiều nguy hại cho tự do hàng hải và môi trường biển Đông, đặc biệt là phá hủy rạn san hô biển, làm mất cân bằng sinh thái.

Theo ghi nhận của ông Gregoly Poling và các cộng sự, các nhà nghiên cứu khác, hiện Trung Quốc đã cho xây dựng, cải tạo khoảng 30 công trình trên các đảo do họ kiểm soát. Trên thực tế, một số đảo đã trở thành căn cứ hải quân, cụ thể là có máy bay chiến đấu ở đây và đường băng, radar.


VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục