Tìm lại điệu hò Đồng Tháp

Tìm lại điệu hò Đồng Tháp

Là một trong những làn điệu dân ca đặc sắc của vùng sông nước Nam bộ, hò Đồng Tháp ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX và phát triển mạnh mẽ vào đầu thế kỷ XX. Hò Đồng Tháp nổi tiếng nhờ sự biểu cảm và lôi cuốn ở âm điệu buông lơi, khoan nhặt, trầm bổng và đặc biệt thể hiện một cách sâu lắng tâm tư tình cảm của con người. Từ những năm 50 của thế kỷ XX, do những biến động về lịch sử xã hội, điệu hò này dần bị mai một. Với tâm nguyện không để mất đi những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, từ nhiều năm qua, nhạc sĩ Cao Văn Lý (ảnh) đã dày công thực hiện dự án “Sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi điệu hò Đồng Tháp”.

Nỗi lòng người con xa xứ

Sinh ra trong một gia đình vốn là dân tài tử (cha ông là nghệ nhân Cao Văn Chuỗi, một nhạc công nhạc lễ, còn mẹ ông vốn là tài tử ca), giàu truyền thống cách mạng ở vùng quê nghèo thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Long Châu Sa (nay là Đồng Tháp). Từ nhỏ Cao Văn Lý đã bộc lộ năng khiếu về nghệ thuật. Năm 1948, tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương, ông được tổ chức phân công phục vụ ở lĩnh vực tuyên truyền văn nghệ, sau đó vào Đoàn văn công tỉnh Long Châu Sa (Đàn Chim Việt).

Tuy còn trẻ nhưng giọng hát, điệu hò của ông đã nổi bật trong Đàn Chim Việt, nhất là những bài hát về dân ca, lý hò vè. Ông bảo, có lẽ những bài bản tài tử của cha, những câu hò điệu lý của mẹ đã theo ông vào giấc ngủ từ những ngày thơ bé mà thấm vào máu ông lúc nào không hay. Năm 1954, cùng các chiến sĩ Đàn Chim Việt ông tập kết ra Bắc, theo học tại Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đến năm 1959, ông được cử đi đào tạo tại Học viện Âm nhạc quốc gia Tchaikovsky ở thủ đô Moskva, Liên Xô.

Những ngày học tập ở miền Bắc, có lần Cao Văn Lý tình cờ nghe nghệ sĩ Kim Nhị - một người bạn cùng quê cùng tập kết ra Bắc - cất giọng hò. Ông giật mình phát hiện, quê mình có một điệu hò rất độc, không giống với bất cứ điệu hò nào ở Nam bộ. Điệu hò vừa lạ vừa hay, tính địa phương đặc trưng mà không nơi nào có được. “Nói thiệt, khi nghe chị Kim Nhị ngân nga điệu hò Đồng Tháp, những đứa con xa xứ như chúng tôi lúc đó không ai kìm được xúc động. Nghe mà thấy nghèn nghẹn ở ngực, đứa nào đứa nấy mắt rưng rưng”. Đó là khoảng năm 1960.

Cũng từ lần đó mãi tới sau này, khi ông về nước làm việc tại Đài Phát thanh Giải Phóng (sau là Đài Tiếng nói Việt Nam) đến khi giảng dạy tại Nhạc viện TPHCM, ông chưa từng một lần được nghe lại điệu hò quê hương năm nào…

Thập niên cuối của thế kỷ XX, sân khấu cải lương đối mặt với nhiều thử thách nhưng lại có những sự kiện rất nổi bật mà công chúng đều biết đến. Đó là xuất hiện nhiều điệu lý mới đang thịnh hành trên sân khấu cải lương: Lý qua cầu, Lý Mỹ Hưng, Lý trăng soi, Lý Tư Phùng, Lý đêm trăng, Lý bông trang, Lý chim xanh… đã làm nền âm nhạc dân tộc và sân khấu cải lương thêm phong phú. Đầu tiên, những điệu lý này khởi phát từ Đài Tiếng nói Việt Nam trong các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền. Được công chúng đón nhận nhiệt tình, từ năm 1980, nhiều tác giả sau đó đã nhạy bén đưa vào vọng cổ, cải lương và cả dàn nhạc giao hưởng, thịnh hành mãi cho đến ngày nay. Người tạo dấu ấn này chính là nhạc sĩ Cao Văn Lý.

Hồi sinh hò Đồng Tháp

Nói về việc hồi sinh hò Đồng Tháp, nhạc sĩ Cao Văn Lý bảo đó là số phận của ông. Trong một lần tình cờ gặp gỡ những người đồng hương tại TPHCM, câu chuyện hò Đồng Tháp được khơi lại. Như chạm vào vùng ký ức thiêng liêng của riêng mình, nhạc sĩ Cao Văn Lý quyết tâm phải thực hiện bằng được dự án “Sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi điệu hò Đồng Tháp”. Thế là, ròng rã hơn ba năm trời, vợ chồng ông lặn lội đến tận từng xóm, ấp khắp 12 huyện thị của tỉnh Đồng Tháp; trần mình khắp vùng bưng biền Đồng Tháp Mười, về lại vùng căn cứ kháng chiến, tìm đến các nghệ nhân để ghi chép lại tất cả những thông tin liên quan về hò Đồng Tháp.

Ông chia sẻ: “Dự án chia làm ba phần rất cụ thể, trong đó khó khăn nhất chính là khâu sưu tầm. Bởi hầu hết những nghệ nhân biết về hò Đồng Tháp đã mất, còn lại thì cũng tuổi cao sức yếu cả rồi”.

Xuất hiện và giao thoa từ nhiều dòng văn hóa của người bản địa (các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer, Ấn, Hoa) lúc bấy giờ, hò Đồng Tháp có những đặc trưng riêng mà không điệu hò nào ở Nam bộ có được. Mỗi bài hò thường chia 3 phần hơi khá rõ: từ tầm trung đến thấp nhất, từ tầm cao đến tầm trung, tầm thấp nhất đến tầm cao… nối với nhau chặt chẽ. Đặc trưng nhất, hò Đồng Tháp chỉ hò một mình, không có hình thức đối đáp. Đó là tâm tình, là tự sự của con người về tình duyên, về số phận, những buồn vui cuộc đời.

Cũng có khi có bài hò để… phê phán, để lên án những cái ác, cái xấu. Phản ánh mọi mặt của đời sống nên nội dung của hò Đồng Tháp vô cùng phong phú. Đó là điệu hò của các mẹ, các chị tiếp tế lương thực nuôi nghĩa quân trong kháng chiến chống Pháp. Chị em ơi, nào bầu nào bí nào gạo nào khoai/ Lu mắm chị Hai bánh chay cô Bảy/ Chị em ta vững vàng tay lái/ Đem ra tận ải biên thùy/ Ta nuôi anh lính mộ có sá gì gian nan… Đó còn là lời tâm sự, lời động viên của người vợ gởi gắm đến chồng đang tập kết ở phương Bắc. Giọt lệ chia ly trĩu nặng lòng người chiến sĩ/ Buổi trùng phùng ta giữ kỹ trong tim/ Dù cho đá nổi mây chìm/ Đố ai ngăn được cánh chim về đàn (bài Giọt lệ chia ly); hay Gió thổi hiu hiu chín chiều ruột thắt/ Nhìn về phương Bắc nước mắt em chảy lưng tròng/ Đôi ta nên vợ nên chồng/ Vàng phai đá nát một lòng chờ nhau… Giữa mênh mông sông nước, những điệu hò cứ nhẹ nhàng, đằm thắm mà đi vào lòng người.

Thu âm những giọng hò mẫu, đến việc tổ chức thu âm các giọng hò mẫu để phân biệt đâu là hò Đồng Tháp; đâu là những điệu hò đã bị pha tạp, lai căng, hay nhầm lẫn với hò Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre... ông đều tận tâm và kiên nhẫn từng ngày. Tiếp đó, ông từng bước hoàn thiện quy tắc lòng bản ứng dụng, ấn hành tài liệu kèm đĩa CD rồi tổ chức giảng dạy rất bài bản cho trên 300 nghệ sĩ trẻ ở địa phương. Điểm nhấn khiến hò Đồng Tháp hồi sinh là một liên hoan quy mô diễn ra trong bốn đêm với sự tham gia của hàng trăm bạn trẻ đã làm nức lòng người dân Nam bộ nói chung, người Đồng Tháp nói riêng. Đây sẽ là những lớp kế thừa giúp lưu giữ và phát huy giá trị tích cực của hò Đồng Tháp sau này.

Nghe hò Đồng Tháp giữa Sài Gòn

Đêm chung kết liên hoan hò Đồng Tháp, cứ nhìn thấy niềm hân hoan, tâm trạng phấn khởi của những người dân địa phương, từ hàng ghế phía dưới, người nhạc sĩ chợt nghe cay cay nơi sống mũi: “Nó phải sống được trong lòng quần chúng thì mới thực sự được khôi phục, mới là văn học dân gian”. Vậy là tâm nguyện, là số mệnh cuộc đời ông nay đã trở thành hiện thực.

Ôi, xứ sở lạ lùng/ Từng bông hoa chiếc lá biết hóa anh hùng chống xâm lăng… Đồng Tháp năm xưa đồng chua nước mặn/ Đồng Tháp năm nay lúa nặng oằn bông/ Khổ công cùng đất chăm bồi/ Đưa phèn ra biển cuộc đời đổi thay… Ai về Đồng Tháp quê tôi/ Chiều nghe cúm núm trao lời yêu thương/ Cánh cò giăng lẫn trong sương/ Gió đồng quyện lấy mùi hương đồng bằng… Thật bất ngờ khi chúng tôi được nghe lại những điệu hò Đồng Tháp giữa một thành phố trẻ năng động. Ngạc nhiên và thích thú - cảm xúc thật khó tả này còn được chia sẻ với hàng trăm học sinh, sinh viên Trường THPT Trần Khai Nguyên, Đại học Sài Gòn, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM…

Các nghệ sĩ giới thiệu hò Đồng Tháp đến các bạn trẻ tại TPHCM.

Các nghệ sĩ giới thiệu hò Đồng Tháp đến các bạn trẻ tại TPHCM.

Chúng tôi hỏi, trước sự phát triển ồ ạt của những dòng nhạc mới, liệu ông có sợ những câu hò điệu lý sẽ bị lạc điệu? Vị nhạc sĩ lão thành rất lạc quan: “Hò Đồng Tháp được xếp vào danh mục bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Người ta thường nói, cái mới phủ nhận cái cũ nhưng chưa hẳn như vậy. Âm nhạc dân gian dù không ồn ào như phong trào nhạc mới, nhưng bản thân nó có sức sống riêng của nó. Có thể giới trẻ thành thị bây giờ ít hát dân ca, nhưng về lại các vùng nông thôn thì các điệu lý, hò, vè vẫn được hát trong tất cả các lễ hội, trong sinh hoạt hàng ngày. Từ một đứa trẻ lên 5 cho đến một cụ già 70 - 80 tuổi đều có thể hát lý. Cái hay của nó là gắn với công việc hàng ngày của người dân, họ có thể vừa đi cấy đi cày vừa hát, hay những đêm trăng, trẻ em vui chơi ở sân đình làng cũng đem điệu lý ra hát với nhau. Ai đã từng về Đồng Tháp Mười, ngồi xuồng ba lá ngao du sơn thủy, nghe người con gái tay khua nhẹ mái chèo, cất cao giọng hò mênh mang cả một vùng sông nước, mới thấy nhạc hiện đại không thể thay thế được. Với tôi, giá trị cuộc sống nằm trong những điều giản dị như vậy”.

78 tuổi đời, trên 60 năm gắn bó với nghệ thuật, với câu hò điệu lý quê hương nhưng ông vẫn chưa cho phép mình ngơi nghỉ. “Bây giờ, nếu có địa phương nào cần sưu tầm, nghiên cứu khôi phục các loại hình lý, hò, vè, tôi luôn tâm huyết và sẵn sàng hỗ trợ”, ông cười khẳng khái.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục