Cảm hứng sáng tác trong cảm hứng công dân
Sau ngày đất nước thống nhất, vào ngày 28-3-1976, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) trong đội hình của 2 Tổng đội (gồm Thành đoàn và Kinh tế mới) đồng loạt ra quân đến vùng nông thôn ngoại thành thành phố, hay những nơi núi rừng đầy gian khổ để khai hoang phục hóa đất đai, làm thủy lợi, xây dựng nhà ở cùng các công trình phục vụ đồng bào từ thành phố lên định cư tại các vùng kinh tế mới.
Chính trong giai đoạn này, hàng vạn thanh niên nam nữ đủ mọi thành phần từ sinh viên học sinh, công nhân lao động, binh lính chế độ cũ… đã sôi nổi hăng hái tham gia lực lượng TNXP để đóng góp xây dựng đất nước. Dấu chân của họ trải rộng từ Đồng bằng sông Cửu Long lên Tây Nguyên. Đặc biệt, vào năm 1978, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, những chàng trai cô gái trong Lực lượng TNXP TPHCM cùng thanh niên khắp cả nước nhanh chóng có mặt trên tuyến lửa, cáng thương tải đạn, phục vụ chiến đấu và chiến đấu một cách anh dũng.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, những chàng trai cô gái ấy trở về thành phố, mỗi người một công việc khác nhau. Trong số đó, có không ít người lựa chọn gắn cuộc đời mình với trang viết. Có thể nói, họ chính là những người đã trải qua những năm tháng khó khăn kể từ khi thành phố được hoàn toàn giải phóng cho đến những năm tháng khó khăn chung của đất nước khi bước vào thời kỳ đổi mới. Họ “kề vai sát cánh” cùng thành phố và trưởng thành hơn từ chính những gian khó kia.
Lúc bấy giờ, lực lượng viết văn trẻ của TPHCM được hình thành từ 3 nguồn chính: lực lượng TNXP với Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Cao Vũ Huy Miên, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Nam Thiên, Phạm Trường Phục…; từ chiến trường Tây Nam trở về như Lê Minh Quốc, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Thành Nhân…; hay những người viết tại chỗ như Lê Thị Kim, Trương Nam Hương, Lại Văn Long, Thanh Nguyên, Lý Lan, Lưu Thị Lương, Hồ Thi Ca, Phạm Thị Ngọc Liên… Tất cả đã tạo nên một thế hệ đầy tài năng sau ngày đất nước thống nhất, mà đến bây giờ vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Bởi chỉ ở TPHCM mới hình thành lực lượng sáng tác mới đa dạng như thế. Chính lực lượng này bổ sung cho đội ngũ sáng tác trẻ tại TPHCM, góp phần làm nên diện mạo của văn đàn tại TPHCM.
Đặc biệt, khi nhắc đến giai đoạn này, không thể không nhắc đến tác phẩm Ngọc trong đá của nhà văn Nguyễn Đông Thức, được ra đời nhân kỷ niệm 10 xây dựng và trưởng thành của TNXP (năm 1987). Có thể nói, Ngọc trong đá đã kịp thời phản ánh và khắc họa chân dung một thế hệ trẻ của TPHCM đầy hoài bão, lãng mạn cùng không ít va vấp, tổn thương nhưng vẫn tràn ngập niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Vì lẽ đó, tác phẩm không chỉ có ý nghĩa về mặt văn chương mà còn mang ý nghĩa về mặt văn học sử.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, đối với thế hệ cầm bút sau năm 1975, cảm hứng sáng tác thời kỳ đó chủ yếu là cảm hứng công dân. Đó là thế hệ gắn với sứ mệnh “xây dựng lại đất nước sau chiến tranh”, lại ở độ tuổi còn rất trẻ nên đầy nhiệt huyết và ăm ắp hoài bão. Những cây bút trẻ lúc đó gồm nhiều thành phần như TNXP, bộ đội, công nhân, nhà khoa học, nhà giáo, nhà báo… nhưng đều có chung một lý tưởng sống, một sự say mê với văn chương. “Văn chương lúc đó nhằm bộc bạch tâm tình, nói lên khát vọng của tuổi trẻ từ các công nông trường xây dựng, từ chiến trường Tây Nam khắc nghiệt, từ các nhà máy, từ bục giảng ở các vùng sâu vùng xa… chứ chúng tôi không nghĩ gì đến việc trở thành nhà văn hay nhà thơ”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.
Những bệ đỡ văn chương
Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng, một trong những lý do giúp những người lính hay lực lượng TNXP trở về hòa nhập rất nhanh và dễ dàng vào đời sống văn chương của TPHCM, bởi vì lúc bấy giờ rất nhiều tờ báo như Văn nghệ, Văn nghệ TPHCM (tiền thân là Văn nghệ giải phóng), Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Tạp chí Văn nghệ quân đội… đều ưu ái dành đất để đăng tải truyện ngắn, thơ… Có những tờ báo như Sài Gòn Giải Phóng đến hôm nay vẫn giữ chuyên mục sáng tác định kỳ hàng tuần để đăng tải tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ. Đây có thể xem là bệ đỡ nâng bước, giúp những tài năng văn chương có cơ hội giới thiệu trước độc giả và tỏa sáng.
Bên cạnh đó, sự hoạt động sôi nổi của các câu lạc bộ sáng tác văn học như Câu lạc bộ sáng tác văn học của Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, Câu lạc bộ sáng tác văn học của Cung Văn hóa Lao động TPHCM… đã ít nhiều tạo nên sinh khí cho đời sống văn chương của thành phố lúc bấy giờ. Nhà thơ Lê Minh Quốc nhớ lại: “Mỗi sáng thứ năm hàng tuần, những người viết trẻ tập trung tại tòa soạn Tuần báo Văn nghệ TPHCM (lúc đó trụ sở đặt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, trước khi chuyển về số 81 đường Trần Quốc Thảo, quận 3) háo hức chờ xem mình có bài đăng trên đó hay không. Một niềm vui không nhỏ nữa là có cơ hội ngồi với ban biên tập như những người anh em thân thiết, cùng trao đổi bài vở với nhau. Hồi đó, ông Chim Trắng (Hồ Văn Ba) là Tổng Biên tập. Ông không chỉ yêu thơ mà còn rất thương các cây bút trẻ, hay dành thời gian trao đổi về văn chương với anh em trẻ một cách thân tình và cởi mở. Không khí lúc đó rất thân tình và chúng tôi luôn cảm thấy may mắn có được điều đó từ thế hệ đi trước”.
Còn trong ký ức của nhà thơ Lê Thị Kim, một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn TPHCM khi hội được thành lập vào năm 1981, là những buổi gặp gỡ giữa một nhóm bạn có tên là Nhóm Nhà Lá, trong đó có những tên tuổi như Đoàn Vị Thượng, Bùi Chí Vinh... Lúc đó Lê Thị Kim đang làm việc ở Phân viện Khoa học Việt Nam - TPHCM (thuộc Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). “Quan trọng nhất là tình yêu thương nhau của giới văn nghệ sĩ lúc đó. Thế hệ đàn anh rất yêu quý đàn em chúng tôi, các anh Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền lúc nào cũng hỏi thăm, động viên chúng tôi: Mấy đứa ráng viết đi, cứ gửi tới đây, tụi anh sẽ đọc”. Tôi thấy hạnh phúc và tự hào khi được sống trong giai đoạn ấy, mọi người sống với nhau rất chân thật, rất nghĩa tình. Cảm hứng sáng tác của chúng tôi được nuôi dưỡng sau những cuộc gặp gỡ như vậy”, nhà thơ Lê Thị Kim chia sẻ.
Có lẽ, nhờ được dìu dắt, nâng đỡ bởi thế hệ những nhà văn đi trước, nên về sau nhiều tác giả thuộc thế hệ vàng như Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức, Lê Minh Quốc, Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Liên Châu… cũng có sự “đáp đền tiếp nối” như vậy đối với thế hệ đàn em. Đặc biệt, những năm 1990-2000 ở TPHCM nở rộ sân chơi văn chương từ các tuần san, tờ báo cũng như bút nhóm dành cho giới trẻ như Nữ sinh, Phượng Hồng, Bạn Ngọc, Bút nhóm Vòm Me Xanh (Báo Mực Tím), Gia đình Áo Trắng (Tập san Áo Trắng), Hội bút Hương Đầu Mùa (Báo Hoa Học Trò)… Nhờ những bệ đỡ đó, cộng thêm môi trường báo chí năng động đã góp phần giúp dòng chảy văn chương TPHCM được tiếp nối một cách liền mạch và rực rỡ không kém với những tên tuổi nổi bật như Phan Triều Hải, Phan Thị Vàng Anh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy, Nguyễn Thị Thanh Bình…
Vào năm 1994, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần 4, quy tụ các cây bút trẻ và tài năng của cả miền Nam và miền Bắc. Theo chia sẻ của nhà thơ Lê Minh Quốc, đoàn TPHCM lúc đó khá hùng hậu với những tên tuổi như Nguyễn Thái Dương, Đoàn Vị Thượng, Lý Lan, Trần Hữu Dũng, Huỳnh Như Phương, Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc, Nguyễn Nhật Ánh, Trương Nam Hương, Phạm Sỹ Sáu, Lại Văn Long, Hồ Thi Ca, Phạm Thị Ngọc Liên, Trầm Hương… Đặc biệt, ở Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc năm đó, nhà văn Lý Lan được mời vào Đoàn Chủ tịch, bên cạnh những nhà văn lão thành của Hà Nội.