Tính nhân văn của một chương trình học bổng

Năm 1998, từ 40 triệu đồng ủng hộ đầu tiên của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã phát triển nhanh chóng với sự hỗ trợ nhiệt tình của các cá nhân, đơn vị trong và ngoài ngành y. Liên tục trong 16 năm qua, quỹ đã trao gần 1.000 suất học bổng tổng giá trị gần 3 tỷ đồng cho sinh viên ngành y và các bác sĩ tình nguyện phục vụ tại các vùng sâu, vùng xa của Trường Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và lớp đào tạo nữ hộ sinh thôn bản của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ.
Tính nhân văn của một chương trình học bổng

Năm 1998, từ 40 triệu đồng ủng hộ đầu tiên của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã phát triển nhanh chóng với sự hỗ trợ nhiệt tình của các cá nhân, đơn vị trong và ngoài ngành y. Liên tục trong 16 năm qua, quỹ đã trao gần 1.000 suất học bổng tổng giá trị gần 3 tỷ đồng cho sinh viên ngành y và các bác sĩ tình nguyện phục vụ tại các vùng sâu, vùng xa của Trường Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và lớp đào tạo nữ hộ sinh thôn bản của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ.

Một tấm gương sáng về y đức

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã vĩnh biệt chúng ta lúc 11g20 ngày 4-8-1998, thọ 92 tuổi. Thật hiếm thấy một người bị tai biến mạch máu não mà kéo dài được tuổi thọ đến ngoài 90. Đó là nhờ sự quyết tâm và tính kiên trì cao độ trong việc rèn luyện cơ thể về cả ba mặt: tinh, khí, thần; việc sử dụng kết hợp thuốc nam, thuốc bắc với tân dược và việc sử dụng các phương pháp chữa bệnh không cần thuốc như xoa bóp, bấm huyệt…

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo có truyền thống yêu nước, luôn lấy lòng nhân nghĩa để xứ lý các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Khi ông 5 tuổi, mẹ ông qua đời vì bệnh tả, một năm sau, ông nội và bà nội ông cũng qua đời, để lại cho ông nỗi đau thương vô hạn. Nhưng chính cũng từ những sự việc trên, ông nuôi ý chí sau này lớn lên mình phải làm một việc gì đó để “cứu nhân độ thế”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2013 cho sinh viên ngành y

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2013 cho sinh viên ngành y

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông tham gia các hoạt động của giới trí thức Sài Gòn. Ông được cử trực tiếp đến gặp Cao ủy Pháp để trao kiến nghị có 200 chữ ký của các nhà trí thức ủng hộ Chính phủ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kêu gọi Chính phủ Pháp điều đình với Chính phủ kháng chiến để tránh đổ máu và chết chóc. Năm 1947, ông rời Sài Gòn lên chiến khu và được Chính phủ bổ nhiệm làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính kiêm Giám đốc Sở Y tế Nam bộ, về sau đổi tên là Sở Quân dân y Nam bộ.

Trong những năm gian khổ của cuộc chiến tranh chống Pháp, ông đã xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh các cơ sở y tế ở khắp các tỉnh Nam bộ. Mặc dù ở xa và rất ít nhận được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, ngành y tế Nam bộ dưới sự lãnh đạo của ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dân như việc tìm ra và phổ cập “toa thuốc căn bản” gồm 10 vị thuốc nam, dùng chữa các chứng bệnh thông thường; việc ứng dụng rộng rãi phương pháp chữa bệnh bằng Filatov - một sáng kiến của bác sĩ Nguyễn Thiện Thành; việc sản xuất thuốc thông thường và các loại vaccine phòng bệnh mùa, tả, thương hàn; việc đào tạo một đội ngũ cứu thương y tá, hộ sinh đáp ứng cho cuộc kháng chiến…

Cuối năm 1969, ông nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Y tế thay cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hy sinh ở chiến trường. Tháng 6-1970, ông bị tai biến mạch máu não trong khi đang làm việc. Ông không bi quan và đầu hàng bệnh tật. Với sự hiểu biết của bản thân, ông vạch ra một kế hoạch tập luyện và tự chữa bệnh lấy. Trong quá trình tự tập luyện ông đã đúc kết thành “Phương pháp Dưỡng sinh” và viết thành sách, mở lớp học để phổ cập cho mọi người và hiện nay phương pháp này đã được nhiều người, nhất là người cao tuổi áp dụng rất có hiệu quả.

Cuộc đời của ông rất đa dạng và hết sức phong phú. Ông đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, tất cả vì nhân dân.

Di nguyện cuối đời

Trong những ngày cuối đời ở bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng có ý nguyện đóng góp cho quỹ từ thiện Báo Sài Gòn Giải Phóng 40 triệu đồng, là số tiền dành dụm cả đời mình (tương đương 8 lượng vàng vào thời điểm đó) để gây quỹ học bổng giúp sinh viên ngành y. Thực hiện di nguyện của ông, một hội thảo về việc thành lập Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng được tổ chức ngay sau đó. Tính từ thời điểm bắt đầu hình thành (năm 1998) đến nay, quỹ học bổng đã đi được chặng hành trình 16 năm. Trong 16 năm không ngừng xây dựng và phát triển, quỹ đã chứng minh được sức lan tỏa, ý nghĩa xã hội lớn đối với cộng đồng. Theo con số thống kê của ban tổ chức, từ 40 triệu đồng khởi đầu của cố bác sĩ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng trao tặng, đến nay, số tiền do các mạnh thường quân đóng góp xây dựng quỹ đã lên hơn 4 tỷ đồng. Từ con số khiêm tốn 40 suất học bổng/năm (trị giá 1-2 triệu đồng/suất) trong những năm đầu hoạt động, nay đã tăng lên 100 suất/năm (trị giá 4-6 triệu đồng/suất). Đây quả là con số đầy ấn tượng.

PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2013 cho sinh viên ngành y

PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2013 cho sinh viên ngành y

Bao nhiêu năm qua, học bổng đã giúp đỡ trực tiếp, cụ thể và thiết thực cho các đối tượng khó khăn có thể hoàn tất việc học tập, rèn luyện, công tác. Với tiêu chí ban đầu là dành cho các sinh viên ngành y gặp khó khăn, hiếu học, sau được mở rộng thêm cho những người làm công tác y tế ở các vùng sâu vùng xa, những bác sĩ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn học chuyên sâu, học bổng này đã giúp trang trải một phần chi phí học tập và sinh hoạt để mọi người yên tâm học tập và công tác. Với một số người, học bổng còn giúp bản thân có điều kiện học thêm các lĩnh vực bổ trợ cho chuyên môn như ngoại ngữ, tin học… để từ đó có thể lĩnh hội kiến thức chuyên môn tốt hơn, thực hành và vận dụng kiến thức đó vào công việc cụ thể một cách thuận lợi, hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng cho rằng: “Chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ cao cả của những người thầy thuốc. Tuy nhiên, để có được những người thầy thuốc giỏi, ngoài nỗ lực bản thân của các thầy thuốc, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội trong việc tạo điều kiện học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm… cho họ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hàng năm chính là thể hiện một phần sự quan tâm của toàn xã hội, giúp sinh viên ngành y có thêm điều kiện để trở thành những thầy thuốc giỏi trong tương lai”.

Không chỉ có ý nghĩa về vật chất, quỹ học bổng đã có ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần, có tác dụng khuyến khích những người được nhận và cả những người chưa được nhận phải không ngừng phấn đấu trong học tập, công tác. Nhận học bổng của quỹ mang tên bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, chắc hẳn mỗi người tự thấy mình phải luôn rèn luyện về y đức, về trách nhiệm đối với cộng đồng nói chung và bệnh nhân nói riêng. Và, tự mỗi người chắc sẽ chú tâm tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp và sự cống hiến của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng nhiều hơn để tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu của bác sĩ để lại.

KIỀU PHAN (theo SGGP thứ bảy)

Tin cùng chuyên mục