TPHCM tiếp tục giúp ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển

Thông tin từ Sở Công thương TPHCM cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2017 tăng 7,9% so với năm 2016 và giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp tăng 7,52%, đóng góp 1,49 điểm phần trăm trong mức tăng chung 8,25% GRDP của TPHCM.


Để đạt được những kết quả trên, ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã được điều chỉnh ngày càng thiết thực và phù hợp với thực tiễn phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cụ thể, nhóm giải pháp về tuyên truyền, hỗ trợ thông tin đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp tiếp cận được chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước; có cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia.

Về phía doanh nghiệp cũng bắt đầu tiếp cận được với nhóm giải pháp về kết nối, hỗ trợ, giải quyết nhu cầu vốn, mặt bằng, đào tạo. Theo đó, chương trình kích cầu đầu tư về ưu đãi lãi vay đã bước đầu hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành truyền thống đầu tư đổi mới, phát triển công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Riêng các chương trình kết nối gồm nhiều hoạt động thiết thực, có sự liên kết và bổ trợ lẫn nhau đã góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNHT.

Về phía Sở Công thương TPHCM, đến nay đã cơ bản hoàn thành quy hoạch và xây dựng được phân khu CNHT trong Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2) và phân khu CNHT trong Khu công nghệ cao, hình thành cổng cơ sở dữ liệu về CNHT và thành lập Trung tâm Trưng bày sản phẩm CNHT làm nơi giao dịch và ngôi nhà chung của doanh nghiệp CNHT thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT đang vướng nhiều khó khăn như thiếu quỹ đất, chi phí thuê đất đầu tư nhà xưởng cao nên có xu hướng dịch chuyển sang đầu tư tại các tỉnh lân cận. Quy mô vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế nên không đáp ứng yêu cầu cải tiến trang thiết bị, dây chuyền sản xuất. Một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được quỹ đất công phù hợp với quy mô sản xuất công nghiệp nên chưa quyết định xây dựng dự án đầu tư mới…

Để nội lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp CNHT trong thời gian tới, Sở Công thương TP kiến nghị UBND TPHCM đề xuất Trung ương ban hành chính sách về giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng; hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài những ngành trong nước đang sản xuất (khuôn mẫu, cơ khí chính xác, nhựa polymer...) nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp CNHT trong nước tăng cường khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh; tổ chức khảo sát, đề xuất địa điểm mở rộng Trung tâm Trưng bày sản phẩm CNHT thành phố; hình thành các phân khu CNHT (hoặc cụm liên kết ngành CNHT) trong các khu công nghiệp với quy mô diện tích và giá thuê phù hợp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực CNHT.

Riêng vấn đề hỗ trợ vốn đầu tư, cần sửa đổi Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND về hạn mức vay, mức lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và CNHT để làm cơ sở tiếp tục triển khai, nhân rộng các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy CNHT TPHCM phát triển. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp cho vay đối với dự án của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không còn tài sản thế chấp, nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn về vốn của doanh nghiệp khi đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ.

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục