Tuyển thẳng thí sinh huyện nghèo vào ĐH-CĐ: Tuyển nhiều, học ít

Từ năm 2012, Bộ GD-ĐT thực hiện ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, thí sinh 22 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện biên giới và hải đảo của khu vực Tây Nam bộ và thí sinh là người dân tộc rất ít người theo Quyết định số 2123 (thí sinh các huyện nghèo).
Tuyển thẳng thí sinh huyện nghèo vào ĐH-CĐ: Tuyển nhiều, học ít

Từ năm 2012, Bộ GD-ĐT thực hiện ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, thí sinh 22 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện biên giới và hải đảo của khu vực Tây Nam bộ và thí sinh là người dân tộc rất ít người theo Quyết định số 2123 (thí sinh các huyện nghèo). Chủ trương này tạo được sự đồng thuận cao từ các địa phương lẫn các cơ sở đào tạo và số lượng thí sinh trúng tuyển vào các trường khá nhiều. Tuy nhiên, thực tế số thí sinh thực học so với trúng tuyển là quá thấp, thậm chí là 0%.

Cần có giải pháp căn cơ để thí sinh được ưu tiên tuyển thẳng không bỏ học giữa chừng.

Báo động

Kết thúc mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012, năm đầu tiên Bộ GD-ĐT triển khai cho các trường ĐH thực hiện xét tuyển thẳng thí sinh các huyện nghèo vào thẳng ĐH-CĐ và cả nước đã xét tuyển được 2.638 thí sinh vào học ĐH (2.435 thí sinh) và CĐ (203 thí sinh). Trong năm 2013 và 2014 số lượng thí sinh thuộc đối tượng trên trúng tuyển vào các trường cao hơn rất nhiều do bổ sung thêm đối tượng thuộc 22 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện biên giới và hải đảo của khu vực Tây Nam bộ và thí sinh là người dân tộc rất ít người theo Quyết định số 2123. Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển bỏ học đáng báo động.

Trong năm 2014, Trường ĐH Cần Thơ có hơn 2.000 thí sinh thuộc diện tuyển thẳng đăng ký và trúng tuyển, nhưng cuối cùng đến nay còn được 700 thí sinh. Qua khảo sát, chúng tôi được biết, chương trình mà thí sinh phải học là bổ sung kiến thức chương trình phổ thông. Trước thực tế này, nhà trường đưa ra 2 gợi ý để thí sinh lựa chọn: Nếu học ĐH thì các em phải đóng học phí 1,5 lần; thí sinh có quyền dự thi tuyển sinh năm 2015 vào ngành mà các em chọn thì học phí sẽ bằng hệ đại trà, nếu học ngành sư phạm sẽ được miễn học phí.

Theo thông tin mà chúng tôi khảo sát tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM, năm 2014, số thí sinh được tuyển thẳng có tất cả 859 thí sinh đăng ký và trúng tuyển nhưng đến nay chỉ có 59 thí sinh theo học. Trường ĐH Sài Gòn có 58 thí sinh trúng tuyển nhưng không có thí sinh nào theo học. Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM có 154 thí sinh trúng tuyển và có 10 thí sinh theo học. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có 73 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ có 3 thí sinh theo học. Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM có 111 thí sinh trúng tuyển nhưng có 18 thí sinh theo học. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trúng tuyển 242 thí sinh nhưng có 7 thí sinh theo học. Trường ĐH GTVT TPHCM có 26 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ có 1 thí sinh theo học. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 16 thí sinh trúng tuyển nhưng không có thí sinh nào theo học. Các trường như CĐ Lý Tự Trọng TPHCM, CĐ Kinh tế TPHCM, CĐ Y tế Bình Dương đều có thí sinh trúng tuyển nhưng không có thí sinh nào theo học. 

Mới làm nửa chừng 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau khi hiệu trưởng quyết định xét tuyển cho vào học, những thí sinh thuộc diện này phải được học bổ sung kiến thức một năm trước khi vào học chương trình chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.

Tại TPHCM, các trường đã thực hiện đúng quy định này và thí sinh đủ điều kiện đăng ký là các trường cho trúng tuyển. Tuy nhiên, các trường lại không thể dạy bổ sung kiến thức cho đối tượng này mà gửi thí sinh qua Trường Dự bị ĐH TPHCM để đào tạo bổ sung kiến thức và đánh giá. Bởi vì thực tế các trường không có đội ngũ để dạy kiến thức bổ sung cho các em do không có chương trình giảng dạy, không có tiêu chuẩn nào để đánh giá.  

Nhận số lượng thí sinh trúng tuyển từ các trường tại TPHCM để đào tạo bổ sung kiến thức, TS Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Dự bị ĐH TPHCM, chia sẻ: “Chúng tôi dạy chương trình giống như chương trình dự bị ĐH. Đó là những kiến thức chương trình THPT. Tuy nhiên, trong đó có miễn giảm một số môn không cần thiết theo yêu cầu của từng trường. Sau 1 năm, chúng tôi sẽ kiểm tra và kết quả đánh giá sẽ gửi về cho các trường ĐH, CĐ để họ quyết định. Về học phí, do không có quy định nên các em phải đóng học phí theo hướng dẫn của Nghị định 49 của Chính phủ. Còn việc các trường ĐH, CĐ có hỗ trợ học phí cho các em hay không thì chúng tôi không rõ”. Trong khi đó, đối với thí sinh hệ cử tuyển và dự bị ĐH thì học phí do địa phương chi trả.

Như vậy, ngoài việc chưa có sự phối hợp với các địa phương trong việc khảo sát, dự báo nhân lực cho từng ngành nghề thì điểm mấu chốt là bài toán học phí cho thí sinh thuộc đối tượng này vẫn chưa tính đến. Thực tế cho thấy, thí sinh thuộc huyện nghèo thì thu nhập không thể kham nổi mức học phí hiện nay ở nhiều trường, chưa nói đến phí sinh hoạt. Đơn cử tại Trường ĐH Cần Thơ, những thí sinh tuyển thẳng tại khu vực Tây Nam bộ phải đóng học phí cao gấp 1,5 lần so với những thí sinh bình thường (đóng học phí theo Nghị định 49).

Chính sách đặc thù trong công tác tuyển sinh cho các địa phương là giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho  những vùng kinh tế khó khăn. Do đó, để đạt được mục tiêu, Bộ GD-ĐT cần phải có những giải pháp đồng bộ và triệt để chứ không phải cách làm nửa vời như hiện nay, người học chưa kịp vui mừng thì đã đối diện với nguy cơ bỏ học.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục