Hệ lụy từ đua nhau mở ngành

Luật Giáo dục Đại học năm 2018 cho phép các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) được tự chủ mở ngành đào tạo (dựa trên những tiêu chí của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18-1-2022 của Bộ GD-ĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ - Thông tư 02).

Sinh viên ngành CNTT, Trường ĐH Hoa Sen trong giờ học thực hành
Sinh viên ngành CNTT, Trường ĐH Hoa Sen trong giờ học thực hành

Theo thống kê từ năm 2019 đến tháng 8-2023, có gần 1.200 ngành được mở. Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Bộ GD-ĐT trong tháng 3-2024 cho thấy hàng loạt sai phạm trong việc mở ngành ở nhiều trường.

Nhiều sai phạm

Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa công bố hàng loạt kết luận thanh tra về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo trình độ đại học, sau đại học ở nhiều trường ĐH. Tại Trường ĐH Hoa Sen, trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 12-2022, trường đã mở 15 ngành trình độ ĐH và 1 ngành thạc sĩ. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy nhiều ngành trình độ ĐH có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tại thời điểm mở ngành có 7/9 ngành trình độ ĐH có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) tự chủ mở ngành khi chưa đủ điều kiện tự chủ là chưa đúng quy định. Trong đó, đến ngày 9-9-2022, dù chưa đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, nhưng trên cơ sở văn bản của ĐH Quốc gia TPHCM giao, trường đã ban hành quyết định mở 3 ngành trình độ ĐH, 2 ngành trình độ thạc sĩ và 1 ngành trình độ tiến sĩ sử dụng dấu của trường.

Không chỉ các trường ĐH tại TPHCM mà các trường ở địa phương khác cũng có sai phạm tương tự. Điển hình như Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) có 7/16 ngành trình độ ĐH khi mở ngành có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở. Trong đó, có ngành khi thực hiện mở, trường đã khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ, dẫn đến không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh với số lượng rất thấp kể từ khi mở ngành. Từ đó dẫn đến trường có 11 ngành phải dừng tuyển sinh từ năm 2022 và 2 ngành dừng tuyển sinh từ năm 2023.

Không bám sát nhu cầu thực tế

Theo Thông tư 02, điều kiện để cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo là ngoài việc đảm bảo các tiêu chí về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất thì còn phải minh chứng về nhu cầu nhân lực của ngành dự kiến mở. Tuy nhiên, việc khảo sát, dự báo của các trường để mở ngành có vấn đề. Điều này dẫn đến việc có trường vừa mở ngành đã phải dừng tuyển sinh do không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh với số lượng rất thấp kể từ khi mở ngành.

Tại Trường ĐH Hoa Sen, trong 15 ngành được mở trong giai đoạn 2020-2022, thì có đến 6 ngành không tuyển sinh được từ năm 2021-2022, và đến năm 2023 có 4 ngành tạm dừng tuyển sinh. Nguyên nhân được đưa ra là trường đã thực hiện khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ, dẫn đến không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh với số lượng rất thấp kể từ khi mở ngành.

Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, có 9 ngành mở trong giai đoạn 2020-2022 nhưng có đến 7 ngành dừng tuyển sinh với lý do không dự báo sát nhu cầu xã hội dẫn đến không tuyển sinh được. Các ngành dừng tuyển sinh gồm: Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học, Giáo dục thể chất, Thiết kế thời trang, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng. Ngoài ra, trong tổng số 33 ngành trình độ ĐH, có đến 10 ngành chưa có trong danh mục thống kê ngành đào tạo trình độ ĐH. Trong 10 ngành có trong danh mục đào tạo thì có ngành giảng viên chủ trì có trình độ tiến sĩ nhưng không ghi ngành đào tạo.

Cũng với nguyên nhân khảo sát nhu cầu xã hội khi mở ngành không đầy đủ mà trong các năm 2022, 2023, nhiều trường ĐH phải dừng tuyển sinh vì không tuyển được sinh viên... Theo Thanh tra Bộ GD-ĐT, trong nhiều ngành dừng tuyển sinh trong năm 2023, có ngành chỉ mở được 1 đến 2 năm. Điều đáng nói là khi khảo sát nhu cầu của xã hội, các trường đưa ra hàng loạt công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ngành này, ngành kia trong 4, 5 năm tới, nhưng thực tế không có nhu cầu của người học. Thanh tra Bộ GD-ĐT đã từng xử phạt một số trường vì không duy trì đủ các điều kiện sau một thời gian mở ngành. Có trường phải chuyển sinh viên đã tuyển sang trường khác vì không có giáo trình, giảng viên không có trình độ tiến sĩ...

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, khi mở ngành mới, các trường phải xác định được đó có phải là những ngành phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội ở hiện tại và tương lai không. Điểm quan trọng nữa là trường phải có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng. Các trường phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển, để thí sinh lựa chọn...

Kiến nghị sửa quy định

Theo Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường, từ kết quả thanh tra phát hiện những thiếu sót, sai phạm của các trường ĐH khi thực hiện tự chủ mở ngành, Thanh tra bộ có kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Vụ Giáo dục Đại học sửa các quy định hiện hành. Cụ thể là tham mưu sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT theo hướng quy định rõ việc xác định ngành của giảng viên cơ hữu chủ trì tổ chức chương trình đào tạo khi mở ngành; hướng dẫn các trường ĐH xử lý theo quy định của pháp luật đối với các ngành dừng tuyển sinh hoặc tuyển sinh không được sau khi mở ngành.

Tin cùng chuyên mục