Đào tạo nhân lực công nghệ vi mạch: Cần chất hơn lượng

Năm 2024, hàng loạt trường đại học (ĐH) bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch, bán dẫn nhằm giải bài toán “khát” nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khi đào tạo cần chú trọng đến chất lượng chứ không thể chạy theo số lượng, cần phải có chiến lược tầm quốc gia, ưu tiên đầu tư cho các trường trọng điểm, có thế mạnh và hợp tác với các doanh nghiệp.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) học thực hành tại Phòng thí nghiệm Vi mạch và hệ thống cao tần
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) học thực hành tại Phòng thí nghiệm Vi mạch và hệ thống cao tần

Nhiều trường tuyển sinh

Tính đến thời điểm này, có hàng chục ĐH và trường ĐH công bố thông tin tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch (CNVM) trong năm 2024. Cụ thể, tại khu vực phía Bắc, ĐH Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn. Đó là các ngành: Điện tử viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng điện, Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính, Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu, Vật liệu điện tử; Công nghệ vi điện tử và nano, với tổng số hơn 3.300 sinh viên. Các trường thành viên của ĐH Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội mỗi năm đào tạo 1.500 sinh viên có liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghiệp bán dẫn và dự kiến sẽ tăng số lượng đào tạo lên gấp đôi. Ngoài kỹ sư, cử nhân, các trường sẽ đào tạo cả sinh viên đã học những ngành liên quan trong vòng 6 tháng đến 1 năm để kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành này, chú trọng đào tạo thêm các chuyên gia phát minh sáng chế.

Tại khu vực phía Nam, 3 trường thành viên của ĐHQG TPHCM là Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng được phê duyệt mở nhóm ngành CNVM. ĐHQG TPHCM hiện đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp, gián tiếp đến CNVM và bán dẫn. Trong giai đoạn 2023-2030, ĐHQG TPHCM đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền CNVM Việt Nam và thế giới. Từ nay đến năm 2027, ĐHQG TPHCM dự tính sẽ tuyển sinh, đào tạo khoảng 1.000 nhân lực chuyên về CNVM và bán dẫn.

Trong khi đó, 3 trường thành viên của ĐH Đà Nẵng gồm Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn cũng chính thức tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, với tổng 200 chỉ tiêu. Ngoài ra, hiện có rất nhiều trường ĐH công lập lẫn ĐH tư thục cũng bắt đầu tuyển sinh ngành CNVM trong năm nay, như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ...

Cần đảm bảo chất lượng

Theo TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ KH-ĐT), Chính phủ đã giao Bộ TT-TT xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch. Trong số hơn 300 trường ĐH, cao đẳng, hiện chỉ có một số ít trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ những nhóm ngành nghề liên quan đến thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo lại thiếu phòng thí nghiệm, thiếu thực hành thực tế, thiếu liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực. Từ thực tế này, TS Võ Xuân Hoài cho rằng, cần phải có chiến lược dài hạn kèm với chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho CNVM. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, chỉ đáp ứng 20% nhu cầu thực tế, trong đó phân bổ tập trung nhiều nhất tại TPHCM (85%), Hà Nội (8%), Đà Nẵng (7%). So với nhu cầu thực tế, con số này vẫn còn rất khiêm tốn, nhất là đặt trong chiến lược phát triển ngành vi mạch của Việt Nam. Từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 55.000 nhân lực chất lượng cao cho CNVM. Do đó, trước tiên tập trung vào nhóm các trường ĐH có thế mạnh như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội... để đào tạo và cần quan tâm đến chất lượng đào tạo.

Ở góc độ cơ sở đào tạo, PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), nhìn nhận: Trong 4 khâu của chuỗi cung ứng (thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói và kiểm tra vi mạch, chế tạo thiết bị), có thể thấy Việt Nam chỉ có thể tham gia vào khâu thiết kế chip trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đây là khâu tạo ra nhiều giá trị gia tăng cao cho vi mạch. Nhiều tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng đến Việt Nam và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao với số lượng lớn, do đó Việt Nam phải phát triển CNVM bằng chính nội lực để làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử trong nước. Và muốn phát triển CNVM thì đầu tiên là phải đào tạo nhân lực, nhưng không thể chạy theo số lượng mà phải chú trọng đến chất lượng.

Theo PGS-TS Trần Mạnh Hà, Phó Giám đốc Phụ trách Khu Công nghệ phần mềm (ĐHQG TPHCM), hiện nay ĐHQG TPHCM đang xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư tiên tiến ngành CNVM. Mục tiêu đề ra đến năm 2027 là đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư CNVM. Cùng với đó, ĐHQG TPHCM đề xuất các hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ cũng như địa phương và liên kết với các tổ chức quốc tế, thu hút và mời gọi các chuyên gia quốc tế về giảng dạy.

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết, mới đây ĐHQG TPHCM đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Công nghệ Synopsys (Hoa Kỳ), ĐH Deakin (Australia) và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ, tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch. Thực tế cho thấy, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, cần giải quyết nhiều thách thức. Để vượt qua các thách thức, ĐHQG TPHCM cần phải tính toán, tận dụng và tranh thủ sự hỗ trợ từ các tập đoàn, doanh nghiệp có thế mạnh để hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế lĩnh vực thiết kế chip.

Tin cùng chuyên mục