Nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh:

“Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”

“Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”

Có nhà thơ từng ví đất nước Việt Nam thon thả như giọt đàn bầu, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cũng đã phổ nhạc và bài hát “Đất nước” trở nên nổi tiếng qua nhiều thời kỳ. Chính hình ảnh gợi cảm này đã khiến chúng tôi như lặng đi khi lắng nghe tiết mục độc tấu đàn bầu của một nghệ sĩ trẻ trong một buổi giao lưu văn hóa Việt Nam ở nước bạn Campuchia: nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen.

“Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha” ảnh 1
Nghệ sĩ Hoàng Anh trong một chương trình giao lưu văn hóa tại Singapore.

Hoàng Anh là con trai độc nhất của NSƯT Phạm Mạnh Hùng và ca sĩ Minh Vượng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống gắn liền với âm nhạc dân tộc (ông nội Hoàng Anh là NSƯT Phạm Văn Phức, nghệ nhân đàn cò của Đoàn chèo Nam Hà ngày xưa), Hoàng Anh sớm tiếp cận với âm nhạc. Anh tâm sự: “Có lẽ nhạc dân tộc đã ngấm vào máu thịt của tôi, đã tạo nên hình hài tôi ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ”. 5 tuổi, Hoàng Anh đã được cha mẹ cho học đàn piano.

Hẳn bố mẹ Hoàng Anh đã muốn con mình rẽ sang một con đường khác trong lĩnh vực âm nhạc. Nhưng có lẽ bản năng từ cội nguồn níu kéo, sau 7 năm học piano, khi thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật ở Hà Nội, Hoàng Anh lại chọn khoa nhạc cụ dân tộc để gắn bó và chọn cây đàn bầu để bầu bạn. Bước chuyển mình của Hoàng Anh có thể xem là đơn giản song cũng có thể nói đó là định mệnh. Trong nhà có đầy đủ các loại nhạc cụ dân tộc: đàn kìm, đàn tranh, đàn nhị, đàn đá, sáo trúc, đàn bầu…, cậu bé Hoàng Anh lúc ấy mới hơn 10 tuổi, một bữa nọ đã vô tình chạm vào cây đàn chỉ có duy nhất 1 dây. Một nốt nhạc ngân vang khiến cho cậu bé giật mình cảm thấy một sức hút rất kỳ lạ. Hoàng Anh bắt đầu chọn đàn bầu từ đó…

- PV:
“Đàn bầu ai gảy nấy nghe. Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”, câu ca này dường như ám chỉ đây là một loại nhạc cụ dễ khiến con người ta trở nên ủy mị, yếu đuối, thế mà là một đấng nam nhi Hoàng Anh lại chọn đàn bầu…

- Nghệ sĩ Hoàng Anh:
Ông bà mình ngày xưa khuyên con gái chớ nên nghe đàn bầu vì sợ tiếng đàn réo rắt, buồn bã dễ vận vào đời người phụ nữ. Nhưng cũng có một câu ca khác “Đàn bầu ai gảy nấy nghe. Học xong 3 tháng đi tây tức thì”, ý nói học đàn bầu rất đơn giản, chỉ cần qua 3 tháng là người học đã có thể đàn được. Thực ra theo Hoàng Anh, giai điệu đàn bầu không ủy mị và không làm nên số phận của con người. Có lẽ, đàn bầu là loại nhạc cụ biểu diễn phụ thuộc vào cảm xúc của người nghệ sĩ nhiều nhất. Nếu lúc biểu diễn, tâm trạng của người nghệ sĩ buồn thì tiếng đàn sẽ trở nên nỉ non, ai oán, nhưng nếu tâm trạng vui thì tiếng đàn cũng sẽ trong sáng, tươi vui. Còn câu nói chỉ cần học 3 tháng là đàn được dùng ám chỉ sự hiểu biết nông cạn của dân ngoại đạo. Họ nhìn vào cây đàn thấy có duy nhất 1 dây và nghĩ rằng học đàn bầu rất dễ. Thực ra để đàn hay không hề dễ chút nào…

- 15 tuổi, lần đầu tiên Hoàng Anh bước lên sân khấu biểu diễn...

- Hoàng Anh nhớ bản nhạc gảy bữa đó là “Lên ngàn”, một bản nhạc Hoàng Anh đã chơi rất nhuần nhuyễn. Nhưng Hoàng Anh vẫn run bởi vì CLB Quân đội rất rộng, khán giả rất đông và những người biểu diễn đêm ấy toàn các bậc cha chú của mình như NSND Quang Thọ, ca sĩ Quang Huy… Bây giờ thì Hoàng Anh đã quá quen với ánh đèn sân khấu, khi ngồi vào đàn là dồn mọi cảm xúc vào âm nhạc, nhưng cái cảm giác lần đầu ấy không bao giờ Hoàng Anh quên.

- Sinh ra trong gia đình truyền thống, tiếp cận sân khấu biểu diễn sớm, ra trường lập tức được nhận về một đoàn nghệ thuật lớn và giữ vị trí solist, liên tục xuất hiện trong các chương trình lớn, thường xuyên ra nước ngoài biểu diễn… Hoàng Anh có cho là mình may mắn?

- Hoàng Anh nghĩ là mình thực sự may mắn. Sinh ra trong một gia đình truyền thống, sự nghiệp của Hoàng Anh cứ vậy phát triển hết sức tự nhiên. Trong khi đó, bạn bè của Hoàng Anh rất nhiều người đã chuyển nghề. Trong khoa nhạc cụ dân tộc thì đàn bầu là bộ môn ít người học nhất bởi lẽ đàn bầu chỉ có thể độc tấu và trong dàn nhạc dân tộc cũng chỉ cần 1 nghệ sĩ là đủ. Trong cả nước số đoàn nghệ thuật dân tộc chỉ đếm được trên đầu ngón tay, vì thế sinh viên khoa đàn bầu ra trường rất khó tìm được chỗ đứng. Mà học thì phải bỏ ra tới 15 năm, bằng người khác học tới 3 bằng đại học…

- Hoàng Anh có nghĩ rằng đến một lúc nào đó Hoàng Anh sẽ từ giã cây đàn bầu?

- Không đâu. Mẹ Hoàng Anh đã mấy lần nói rằng: con nên chuyển nghề đi, làm nghệ thuật nhất là nghệ thuật dân tộc không bao giờ đủ sống, nuôi mình đã khó đừng nói nuôi cả gia đình. Nhưng mẹ nói thế thôi, chứ Hoàng Anh biết dù trải qua bao thời kỳ khó khăn, cả gia đình Hoàng Anh đâu có ai nghĩ tới chuyện bỏ nghề. Được làm nghề mình yêu thích thì dù khó khăn vẫn có thể chịu đựng và cảm thấy thoải mái.

- Có một bài hát quen thuộc: “Lắng tai nghe đàn bầu, thánh thót trong đêm thâu. Tiếng đàn bầu của ta cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha…” (Tiếng đàn bầu), phải chăng vì vậy mà đàn bầu gắn liền với hình ảnh quê hương Việt Nam?

- Đúng vậy. Hoàng Anh nhớ mỗi lần ra nước ngoài biểu diễn, khách nước ngoài rất thích nghe và tìm hiểu về đàn bầu. Không chỉ âm thanh, kiểu dáng độc đáo mà ý nghĩa của nó cũng khiến người nghe cảm thấy lay động. Hoàng Anh cảm thấy rất tự hào vì là một nghệ sĩ đàn bầu của Việt Nam. 

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục