Hát theo cách hát dân ca

Hát theo cách hát dân ca

Nhân ngày 19-5 sinh nhật Bác Hồ kính yêu, trang VHVN báo SGGP trích giới thiệu bài viết của Nghệ sĩ ưu tú - ca sĩ Tân Nhân - một nghệ sĩ miền Nam nhiều năm trên đất Bắc, một ca sĩ tài năng - về những kỷ niệm với Bác Hồ kính yêu, để thông qua đây giúp bạn đọc hiểu hơn về tình cảm của Bác với văn nghệ sĩ , đặc biệt là văn nghệ sĩ miền Nam.

Hát theo cách hát dân ca ảnh 1

“Bác Hồ cha của chúng con, hồn của muôn hồn”.(Thơ Tố Hữu)

Ngày ấy, tôi ở Đoàn văn công nhân dân trung ương. Lớp diễn viên chúng tôi thường có vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên sau khi tiếp quản thủ đô, văn công lập nhiều thành tích được khen ngợi. Một hôm chúng tôi được mời vào Phủ Chủ tịch.

Tôi nhớ hôm đó có mặt các chị hát hay tên tuổi: chị Lệ Thi, Châu Loan, Ngọc Dậu... Khi Bác Hồ xuất hiện, chúng tôi mừng rỡ ùa tới vây quanh. Bác hỏi từng người... các chị cảm động quá nên khóc cứ lây lan nhau... Bác Hồ cho chúng tôi xem phim, khi ra về cho kẹo. Tôi được ngồi gần Bác, thấy thỉnh thoảng Bác lại ho khan... tôi lấy làm áy náy lắm, có lúc không đừng được tôi ghé gần hỏi : “Bác ơi! Bác ốm rồi!”. Bác bấm nhẹ tay tôi ra hiệu đừng làm mất tập trung mọi người. Thế là sau này tôi nhớ lại là ngày từ Việt Bắc về Hà Nội, Bác  đã lao tâm khổ tứ  bao nhiêu đểâ đưa cuộc kháng chiến đi tới thành công. Bác luôn giấu đi những khó chịu đau đớn của mình.

Bác chẳng có gì bao nhiêu, cuộc sống của Bác như một ẩn sĩ giữa thiên nhiên. Trong nhà, một tấm giường không nệm, một ghế mây ngả mình đọc sách, báo; một tủ áo có mấy bộ kaki bạc màu, cổ áo đã sờn. Ra cầu thang thì có tiếng chuông reo khi đẩy cửa. Xuống dưới là ao cá mà thường ngày Bác ra ném mồi cho ăn.

Chúng tôi thỉnh thoảng cũng được Bác cho ăn cơm. Bếp là chung cho Bác và anh Phạm Văn Đồng (còn gọi là anh Tô). Chỉ ba món như mọi gia đình bình thường ở miền Trung: một đĩa cá kho, một bát canh rau và một món rau luộc, có đôi khi có cà, dưa muối chấm mắm. Bác được một cốc nhỏ quả gì đó cuối bữa. Ra về bao giờ Bác cũng cho chúng tôi hoặc kẹo, hoặc hoa.

Gần Bác chúng tôi thấy gần gũi, ấm áp. Bác hỏi về cuộc sống diễn viên, tính tình từng người. Dạo ấy chị Khánh Vân gặp chuyện không vui, anh T. chồng chị ốm yếu, quan hệ vợ chồng  căng thẳng liên tục, cuối cùng họ quyết định chia tay. Bác nghe xong dặn dò: qua cầu thì dễ mà làm lại lần sau thì phải thận trọng. Tôi đã chuyển lời dặn của Bác cho K.V. Tiếc thay mọi chuyện đã trục trặc, đổ vỡ như Bác tiên đoán. Khiến chị một con chim sơn ca nổi tiếng của miền Nam, tài sắc vẹn toàn đã sống những năm tháng cuối đời không may mắn.

Nghe chúng tôi khoe là T.Q vừa mới mua được xe đạp (hồi đó có xe đạp là oai lắm), Bác cũng reo mừng theo chúng tôi.

Có một mùa hè, thấy chúng tôi quá xanh gầy, Bác hỏi tại sao. Chúng tôi thưa là chúng cháu phải đi diễn nhiều nơi, có khi cả đêm lẫn ngày. Bác đề nghị Bộ Văn hóa cho diễn viên được nghỉ mùa hè. Chúng tôi rất biết ơn Bác, ngoài việc cứu nước khỏi nô lệ lầm than là quá lớn lao, lại còn tình thương yêu chăm sóc như người cha, người ông thân thiết. Chúng tôi chỉ biết làm việc và sống cho tốt để đền ơn Người.

Kỳ đi dự Đại hội Thanh niên – sinh viên thế giới  ở Vierne – Phần Lan, các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Phần Lan, có người làm chức vụ rất lớn thế mà tới canh cho chúng tôi ngủ.
Quá cảm động trước tình yêu giai cấp vô sản, tôi ra phố mua một quả cầu trong có núi, cây và tuyết gửi về anh Vũ Kỳ với lời đề: “Cầu mong Bác khỏe vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, người nghèo thắng lợi để trên địa cầu không còn bất công và áp bức”. Quả cầu nhỏ của một diễn viên miền Nam bình thường được để trên bàn làm việc của Bác. Thật đáng sung sướng biết bao!

Mỗi lần đi biểu diễn trong hoặc ngoài nước lâu ngày, thường Bác cho gọi chúng tôi lên Phủ Chủ tịch thăm. Chúng tôi đua nhau kể chuyện này kia, thường cũng có ý báo cáo thành tích cho Bác vui. Bác tỏ ra hài lòng, đưa ra các lời khen và sau đó là lời dạy cụ thể. Về đoàn ngẫm nghĩ càng thấy Bác vô cùng sáng suốt. Tôi được Bộ Văn hóa cho đi tu nghiệp ba năm ở Bulgaria – xứ sở của ca hát và hoa hồng. Tôi báo cáo với Bác, thoạt đầu Bác hỏi: “Cứ theo cách hát dân tộc mà hát không được ư?”.

Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhà nước ta do nhìn xa thấy rộng mời một số chuyên gia nước ngoài vào dạy cho diễn viên chúng tôi. Thoạt đầu là bà Lý Hoa Anh – chuyên gia Trung Quốc, đoàn văn công Tổng cục Chính trị phụ trách tổ chức. Lớp có tới trên trăm người, tập trung ở Lý Nam Đế, học tập, sinh hoạt và biểu diễn theo phong cách quân đội.

Sau bà Lý là các chuyên gia thanh nhạc của Liên Xô. Bà Krassova – giáo sư Nghệ sĩ nhân dân Badritge và tiếp theo là các chuyên gia Triều Tiên Thôi Đông Lân...

Do đang say mê với phương pháp ca hát mới nên tôi hứng khởi trình bày cái hay của nó. Phương pháp này khiến cho người hát dùng sức ít mà tiếng vang xa, kéo dài tuổi thọ nghề ca sĩ... Và cuối cùng kết luận: “Chắc chắn mình cũng sẽ học được cách điều khiển âm thanh như họ, không thể để thua...”. Có lẽ cũng vui vì tinh thần hăng hái của tôi, Bác cười: “Ừ! Thế thì đi học để mà tiến bộ”.

Về sau khi tôi đã được tu nghiệp về, Bác mất rồi. Nhiều khi tôi cảm thấy luyến tiếc vì mình đã mất một cơ hội ngoài sức mơ ước của một ca sĩ bình thường là không được biểu diễn trước Bác Hồ của chúng ta!...

Nghệ sĩ ưu tú-ca sĩ Tân Nhân

Tin cùng chuyên mục