Trại David, mặt trận không tiếng súng

Trại David, mặt trận không tiếng súng

Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, từ tháng 1-1973 cho đến những ngày cuối tháng 4-1975, tại một khu đất thuộc sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay (có tên gọi là trại David) hai đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ lâm thời Cách mạng miền Nam Việt Nam trong thành phần Đoàn đại biểu quân sự bốn bên (đối phương gồm Mỹ và chính quyền Sài Gòn) đã bám trụ giữa lòng địch 823 ngày đêm, kiên cường mở những mũi nhọn tiến công buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn chấp hành nghiêm chỉnh các điều khoản của Hiệp định Paris, góp phần xứng đáng vào tiến trình xác lập hòa bình, thống nhất đất nước.

Trại David, mặt trận không tiếng súng ảnh 1

Từ trái qua: Đại tá Võ Đông Giang, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quân sự CHMNVN) trong một lần họp báo tại trại David (ảnh từ phim).

“Trại David” – sự kiện lịch sử này đã qua đi hơn 30 năm. Bằng ngôn ngữ màn ảnh, bộ phim tài liệu Trại David, mặt trận không tiếng súng (kịch bản: Lê Mạnh Thi, đạo diễn: Mai Bằng – Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu sản xuất) đã làm sống lại sự kiện lịch sử không thể nào quên ấy trong Biên niên sử vàng về những năm tháng chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Làm một bộ phim người thật việc thật về những gì đã lùi xa vào quá khứ đã khá lâu như vậy, hiển nhiên cái khó đầu tiên nhóm tác giả vấp phải chính là vấn đề tư liệu và nhân chứng. Ai chẳng nghĩ rằng hoạt động của hai đoàn đại biểu quân sự ta ngay tại trại David, tiếp tới là những cuộc trao trả tù binh của hai bên; những cuộc “đấu trí, đấu tài” trực diện giữa ta và đối phương; sinh hoạt căng thẳng của cán bộ, chiến sĩ ta giữa hậu phương của kẻ thù… hẳn sẽ còn lưu lại trong nhiều tấm ảnh, nhiều mét phim. Thực sự không phải như vậy. Theo quy định của cả hai phía, máy ảnh, máy quay phim đã bị hạn chế tối đa trong việc ghi hình. Còn theo năm tháng, những chứng nhân của “trại David” đã già yếu đi; nhiều chứng nhân cũng đã qua đời vì tuổi cao, bệnh trọng.

Cái khó thứ hai, hoạt động ngoại giao trên “mặt trận không tiếng súng” này khá phong phú, đa dạng mà cũng nhiều tầng, nhiều lớp… Phản ánh những gì và như thế nào đây hoạt động ấy trong suốt 823 ngày đêm gồm các thời kỳ: Ban Liên lạc quân sự bốn bên và Ban Liên lạc quân sự hai bên; thời kỳ trước cuộc tổng tiến công tháng 4-1975?

Có thể nói nhóm tác giả đã khá dày công ngược Bắc xuôi Nam, lục tìm trong các kho lưu trữ; nhiều lần tìm gặp, trò chuyện với các nhân chứng đủ mọi chức vụ, mọi thành phần. Trên cơ sở ấy và bằng phương pháp đối chiếu, so sánh tiến tới những khái quát, tổng hợp, cuối cùng nhóm tác giả đã tìm ra cái “tứ” khá vững vàng, chắc chắn, đầy đủ sức thuyết phục cho bộ phim. Đó là bản chất tiến công quyết liệt, không khoan nhượng của những người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận ngoại giao. Đó là sự phối hợp hữu cơ, thống nhất của mũi nhọn tấn công không tiếng súng cùng với mũi nhọn tiến công trên các chiến trường. Đó còn là phẩm chất sáng ngời của anh bộ đội Cụ Hồ kiên cường, dũng cảm; tiền tài cùng những cám dỗ vật chất khác không thể làm lung lay, dù các anh sống giữa chốn phồn hoa đô hội Sài Gòn trong một khoảng thời gian dài.

Phim hàm súc, cô đọng, ý tứ rành rõ. Người và việc trên phim gây nỗi xúc cảm trong lòng người xem và chính từ xuất phát điểm này chuyển tải được những gì rất chính yếu, rất bản chất chung quanh hoạt động của sự kiện “Trại David”.

Mong sao bộ phim tài liệu Trại David, mặt trận không tiếng súng giàu lượng thông tin này mau chóng đến được với người xem để chúng ta một lần nữa khắc ghi vào lòng chiến công của “những nhà ngoại giao mặc áo lính” trong một thời điểm không thể quên của lịch sử. 

TÔ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục