Tiến sĩ về ca trù đầu tiên ở Việt Nam

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Diện (SN 1970), Phó Giám đốc Thư viện Hán-Nôm, Viện Nghiên cứu Hán-Nôm vừa bảo vệ thành công luận án “Nguồn tư liệu Hán-Nôm với việc nghiên cứu ca trù” và trở thành tiến sĩ về ca trù đầu tiên ở Việt Nam.

Vận dụng các phương pháp: thống kê phân loại, nghiên cứu liên ngành, điều tra điền dã để tập hợp, khảo sát 49 cuốn sách và 70 văn bia Hán-Nôm về ca trù tại Viện Nghiên cứu Hán-Nôm; các tư liệu tại một số làng có nghề ca trù và đền thờ tổ là Lỗ Khê (Hà Nội), Phú Đô (Hà Nội), Phượng Cách (Hà Tây), TS Nguyễn Xuân Diện lần đầu tiên công bố văn bản đầy đủ bài hát thờ “Non mai” và 9 thể ca trù được dùng trong lễ tế tổ.

Anh đã tìm ra cứ liệu sớm nhất về ca trù là bài Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Lê Đức Mao sáng tác trước năm 1505 để khẳng định vào thế kỷ XV đã có sinh hoạt ca trù ở làng xã Việt Nam. Anh cũng lần đầu đưa ra con số 99 thể cách ca trù (trong đó có 66 làn điệu hát và 33 thể cách kết hợp hát, múa, diễn, nghi lễ) và việc sử dụng trong những không gian sinh hoạt khác nhau (hát thờ, hát thi, tế tiên sư, hát chơi); cung cấp những hiểu biết khá cụ thể về đàn đáy, phách và âm luật ca trù...

Đ.Q.T.H.

Tin cùng chuyên mục