Cao và thấp

Cao và thấp ở đây không nói về vóc dáng ngoại hình mà về trình độ. Người ta có thể sống với nhau hạnh phúc kiểu “ví dầu chồng thấp vợ cao”, nhưng trình độ học vấn chênh lệch nhiều khi dễ gặp rối ren trong cuộc sống.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

1. Cũng khá lâu không gặp, ngày nọ có dịp lên TPHCM khám bệnh, tôi ghé thăm đứa cháu họ có một tiệm sửa xe ở quận Tân Bình để xem nó làm ăn ra sao. Lâm tiếp tôi trong bộ dạng mệt mỏi, khác hẳn với chàng trai trẻ trung vào cái ngày tôi dự đám cưới của nó cách nay hơn 2 năm. Hỏi ra mới biết vợ chồng nó đang có chuyện bất hòa.

Nhân lúc vắng khách, Lâm kéo tôi ra quán cà phê cạnh bên trút bầu tâm sự. Theo lời kể, Lâm quen Hạnh, cô vợ hiện nay, trong một dịp tình cờ khi cô đến nhờ sửa chiếc xe Dream vào một buổi tối trời mưa tầm tã. Tính tình vui vẻ, cộng với dáng dấp khá phong trần, Lâm đã gây ấn tượng với cô giáo dạy tiếng Anh tại một trường nổi tiếng trong thành phố. Sau thời gian yêu nhau, cả hai kết hôn và cũng lo liệu được một mái ấm nho nhỏ.

Sau những tháng ngày vui trong men tình, bất đồng bắt đầu nảy sinh. Xuất thân từ gia đình nghèo ở tỉnh, Lâm chỉ học đến lớp 10 thì phải nghỉ, lặn lội lên thành phố tìm kế mưu sinh. Nhờ siêng năng, sau khi học được nghề sửa xe, nó ra mở tiệm riêng, cuộc sống tương đối ổn định. Đối với Lâm như thế là đủ.

“Suốt ngày con còng lưng với cờ lê, mỏ lết, ốc vít, bơm xe… Buổi chiều, khi rỗi rảnh cùng anh em làm vài chai bia là cảm thấy sảng khoái rồi. Vậy mà vợ con than phiền là con phung phí thời gian, không chịu học tập để nâng cao trình độ. Chú nghĩ xem, có nghề nghiệp ổn định, cơ ngơi đàng hoàng, chăm chỉ làm ăn, không rượu chè bê tha, con học nữa để làm gì?”, Lâm chia sẻ.

CN4 mai am.jpg
Học cách hiểu và tôn trọng nhau để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Hóa ra, thằng cháu tôi tự hào về sự phấn đấu đi lên bằng sức lao động của đôi bàn tay, chứ không phải miệt mài ở nhà trường như những người khác. Thế nhưng, sự từng trải trên đường đời lăn lóc của Lâm không thể hòa nhịp với người vợ trí thức của nó. Lâm than với tôi: “Bạn bè cô ấy tới nhà, toàn nói chuyện đâu đâu. Con ngồi nghe cứ ngáp ngược, ngáp xuôi. Riết rồi, con cũng chán. Mỗi lần nhà có khách của cô ấy, con lại bỏ ra tiệm, cà phê cà pháo với bạn bè của mình”.

2. Câu chuyện của Lâm khiến tôi nhớ lại trường hợp của Hoàng, cháu vợ. Hai vợ chồng nó cũng lệch trình độ và đang trong tình trạng bất đồng.

Trải qua vài cuộc tình với những cô gái thị thành kiểu cách, Hoàng cảm thấy chán chường, nên hướng về “hoa đồng cỏ nội”. Trong lần dự đám cưới một người bạn ở vùng quê Bạc Liêu, Hoàng để ý đến Thoa - một thôn nữ e ấp. Anh chàng trổ tài ăn nói, làm quen. Những tiếng “dạ”, “vậy à?” của cô, cùng đôi mắt tròn xoe tỏ vẻ khâm phục chàng trai thành thị khiến Hoàng cảm thấy ấm áp.

Sau 3 tháng quen biết, Hoàng quyết định hỏi cưới Thoa. Gia đình bên vợ tôi và nhiều bạn bè Hoàng ngạc nhiên với quyết định này. Vợ tôi góp ý: “Con trình độ đại học, còn nó học chưa hết cấp 2 trường làng. Liệu có hợp nhau được không?”. Nhưng Hoàng tự tin: “Con đã chán mấy cô thành phố rồi dì à. Lúc nào cũng cãi cố, mè nheo. Theo con, vợ học vấn càng thấp càng dễ dạy, dễ nghe lời”.

Thế nhưng, Hoàng đã lầm. Những ngày đầu của cuộc hôn nhân, Thoa xem chồng như thần tượng, nhất nhất đều nghe lời. Mỗi chiều đi làm về, Hoàng có cơm nóng canh ngon, có người vợ chăm sóc tận tình. Có lần Hoàng còn khoe với vợ tôi: “Hạnh phúc là đây chứ ở đâu hả dì!”. Để giúp vợ mở mang kiến thức, Hoàng mua sách báo về cho Thoa đọc. Lúc đầu, cô cũng chịu khó mở ra để coi… hình, nhưng sau thì chán, dành thời gian rảnh xem phim bộ trên tivi. Hoàng thấy vậy, tự an ủi: “Để từ từ, mưa dầm thấm sâu mà”. Thế nhưng càng ngày, anh chàng càng cảm thấy cô đơn.

Có lần về quê, Hoàng tâm sự với tôi: “Mỗi khi có những chuyện gì ở cơ quan, con muốn nói với vợ để được chia sẻ nhưng Thoa có biết gì để mà sẻ chia”. Đến khi cả hai có con thì mọi chuyện càng tồi tệ hơn, Thoa hoàn toàn không tiếp thu những kiến thức dạy con theo khoa học. Khi được góp ý thì cô cãi lại “Má em vẫn làm vậy mà”. Và đến lúc này, những lời nói của chồng không còn là lời vàng ý ngọc nữa. Thoa thường hay cãi lại kiểu “ngang như cua”. Hoàng làm gì không vừa ý, cô lại làm ầm lên, đòi bồng con về với má.

***

Lệch nhau về trình độ học vấn không phải là hiếm trong cuộc sống vợ chồng hiện nay, thế nhưng để dung hòa là điều không phải dễ. Tâm sự với tôi, Lâm nói: “Có lúc con cũng muốn học hành, trau dồi kiến thức cho vui lòng vợ, nhưng trong cách khuyên nhủ của Hạnh có một cái gì đó làm con tự ái. Cô ấy thường hay đem chồng người này, người nọ ra so sánh khiến con đâm bực. Con nghĩ, họ có hơn mình về chữ nghĩa thật, nhưng đường đời trải nghiệm, thu nhập của họ chắc gì hơn một người ít học như con”.

Còn với Thoa, có lần về quê, cô tâm sự với vợ tôi rằng, Hoàng thuyết giáo những chuyện đâu đâu cô không sao hiểu được. Cô nghĩ chồng mình tài giỏi, đi làm đem tiền về cho vợ, còn mình quán xuyến việc nhà chu toàn, cần chi phải học hành thêm cái này cái nọ.

Hai trường hợp này cũng khá nan giải. Nhưng tôi nghĩ, nếu Hoàng không quá tự tin, thay vào đó vạch ra một lộ trình phù hợp, kiên nhẫn đưa vợ dần dần hội nhập vào không gian tri thức thì đâu đến nỗi. Còn Hạnh, nếu biết nhìn ra những điểm mạnh của chồng, dùng lời lẽ dịu ngọt để khích lệ, động viên, giúp anh phấn đấu vươn lên... thì cuộc sống vợ chồng đã bớt đi những bất hòa.

Tin cùng chuyên mục