Giáo sư Hoàng Châu Ký

Cây đại thụ tuồng đã ra đi

ảnh
Cây đại thụ tuồng đã ra đi

Từ TP Đà Nẵng, NSND Trần Đình Sanh báo tin: GS Hoàng Châu Ký (ảnh) đã qua đời. Tin buồn này đã nhanh chóng lan tỏa khắp ngành sân khấu cả nước, đặc biệt là ngành hát bội (tuồng) bởi GS Hoàng Châu Ký nguyên là Bí thư Đảng đoàn, Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Viện trưởng Viện Sân khấu đầu tiên.

Cây đại thụ tuồng đã ra đi ảnh 1

Mới cách đây mấy tháng, tôi đến thăm GS Hoàng Châu Ký ở nhà riêng của ông tại đường Trưng Nữ Vương - Đà Nẵng. Tuy không còn hoạt bát, nhưng thần sắc của ông vẫn tốt, vẫn nụ cười hiền của một nghệ sĩ suốt đời đi truyền bá nghệ thuật hát bội. Nhìn ông, tôi cứ nghĩ là ông sẽ còn sống được mươi năm nữa, nhưng ngờ đâu, ông lại ra đi trong giữa ngày giáp Tết Mậu Tý này.

Giáo sư Hoàng Châu Ký là nhà lão thành cách mạng và là một nhà nghiên cứu tuồng hàng đầu được cả nước biết tên, là người đầu tiên cho ra “Sơ thảo lịch sử tuồng”, ông cũng là người đầu tiên thành lập ban nghiên cứu tuồng, một trong những bộ phận nghiên cứu hình thành Viện Sân khấu sau này.

Ông sinh năm 1921, ở Quảng Nam - Đà Nẵng, tham gia cách mạng trước 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia công tác Đảng nhưng rất nhiệt tình với công tác văn nghệ, bởi ông biết hát tuồng nên sau này chuyển hẳn sang làm công tác văn nghệ chuyên nghiệp. Hoàng Châu Ký là thành viên Hội Văn nghệ Liên khu 5 từ thời kháng chiến chống Pháp. Tập kết ra Bắc, ông là người rất tâm huyết với kịch hát dân tộc, cũng là người đầu tiên đã viết nhiều tiểu luận có giá trị về sân khấu dân tộc. Ông đã sáng tác nhiều vở tuồng và tham gia cả công tác đạo diễn tuồng lịch sử như các vở “Thanh gươm chủ chiến”, “Nguyễn Duy Hiệu”, ‘Trần Quý Cáp”, “Quang Trung”...

GS Hoàng Châu Ký là một nhà nghiên cứu năng động nhiệt tình không bao giờ chịu ngồi trong “tháp ngà” để viết. Ngoài việc đi sưu tầm, phát hiện những di sản tuồng, những hạt nhân tuồng cổ ở cơ sở, ông còn rất quan tâm đến việc nói chuyện, giảng dạy, tuyên truyền cho nghệ thuật tuồng.

Đối với Quảng Nam - Đà Nẵng, ông là người đầu tiên đề xuất và nghiên cứu công phu về danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh, và tuồng xứ Quảng.

Qua bao nhiêu năm hoạt động tuồng, tôi thấy GS Hoàng Châu Ký có 3 lĩnh vực mà ông quan tâm nhất:

- Giới thiệu có quy mô và trân trọng các vở tuồng nổi tiếng mà lâu nay giới văn học chưa mấy quan tâm - Đây là một khâu hết sức quan trọng, mà chưa được các nhà xuất bản lưu ý. Do đó việc hệ thống hóa kịch bản tuồng cổ mà giáo sư Hoàng Châu Ký đã làm là vô cùng có ý nghĩa bởi nhờ có ông mà các thế hệ nghiên cứu sau mới có cơ sở tiếp nối. Song song với việc sưu tầm, giới thiệu tuồng cổ, giáo sư Hoàng Châu Ký còn cải biên, chỉnh lý được một số vở có giá trị như “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “Nghêu Sò Ốc Hến” (làm chung với Tống Phước Phổ), “Ngoại tổ dâng đầu”, “Đông Lộ Địch”...

GS Hoàng Châu Ký là người có sáng kiến và có công đầu trong việc tuyên truyền, diễn giải cho nhiều thế hệ khán giả cái hay, cái đẹp của tuồng. Ông cũng là người đi đầu trong cuộc vận động sưu tầm nghiên cứu về nhà hoạt động tuồng của người nghệ sĩ lỗi lạc ở Quảng Nam là Nguyễn Hiển Dĩnh, làm cơ sở cho Viện Sân khấu tiến hành được hai hội thảo khoa học về Nguyễn Hiển Dĩnh danh nhân văn hóa đất Quảng. Ông cũng là người khởi thảo công trình nghiên cứu lịch sử tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng và tuồng Cung đình Huế.

Cả ba lĩnh vực mà GS Hoàng Châu Ký quan tâm là nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn tuồng đều là các vấn đề hết sức cần thiết cho sự nghiệp của nghệ thuật tuồng, mà nếu không có ông, sẽ bị trống một mảng lớn.

Nói tới GS Hoàng Châu Ký, không thể không nhắc tới công lao đào tạo của ông. Ông là người hiệu trưởng đầu tiên của Trường Ca kịch dân tộc Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh). Những học trò của ông hiện nay có nhiều người đã trở thành NSND, NSƯT, thành những cán bộ nghiên cứu có khả năng đang hoạt động khắp đất nước.

Sau khi rời khỏi ghế Viện trưởng Viện Sân khấu, vì tuổi cao, GS Hoàng Châu Ký trở về thành phố quê hương của mình - Đà Nẵng. Ở đây ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phục hồi và phát triển nghệ thuật tuồng đất Quảng và ông còn mở rộng diện hoạt động đến những địa phương xa như Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, TPHCM. Ở đâu cũng đón chào GS Hoàng Châu Ký với tất cả tấm lòng mến yêu, kính trọng, không chỉ vì ông là một lão thành cách mạng, một giáo sư, mà còn là một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu đầy tâm huyết với nghệ thuật dân tộc.

GS Hoàng Châu Ký không còn nữa, nhưng những công trình nghiên cứu, những tác phẩm nghệ thuật của ông sẽ sống mãi với thời gian. 

GS HOÀNG CHƯƠNG

 Thông tin liên quan:
- Giáo sư Hoàng Châu Ký, cây đại thụ của sân khấu tuồng đã ra đi

Tin cùng chuyên mục