Sắc màu qua “chợ phiên Tây Bắc” của Nguyễn Xuân Khánh

Không phải sắc thắm của hoa đào, hoa mơ trắng ở vùng cao phía Bắc quyến rũ, mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Khánh bị cuốn hút bởi những sắc màu rực rỡ từ trang phục thổ cẩm của nét văn hóa các dân tộc H’Mông, Nùng, Dao…
Sắc màu qua “chợ phiên Tây Bắc” của Nguyễn Xuân Khánh

Không phải sắc thắm của hoa đào, hoa mơ trắng ở vùng cao phía Bắc quyến rũ, mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Khánh bị cuốn hút bởi những sắc màu rực rỡ từ trang phục thổ cẩm của nét văn hóa các dân tộc H’Mông, Nùng, Dao…

Năm 2005 và 2009, anh đến những phiên chợ tại các tỉnh Lào Cai và Hà Giang, nơi tụ họp đa số phụ nữ dân tộc thiểu số địa phương, và ghi lại những nét đẹp văn hóa qua trang phục truyền thống đầy bản sắc của các dân tộc nơi đây.

Tại phòng triển lãm Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (từ ngày 9 đến 19-9), với chủ đề Chợ phiên Tây Bắc sẽ có 40 bức ảnh màu được tác giả Nguyễn Xuân Khánh chụp theo dạng tài liệu, giới thiệu người xem khám phá nét đặc trưng độc đáo của văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số vùng cao phía Bắc. Người dân tộc vùng cao phía Bắc đi chợ không chỉ để mua bán trao đổi những vật dụng trong đời sống, mà trai gái đi chợ để gặp gỡ, hẹn hò… Những cô gái xuống chợ trong những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất, họ đi chợ mà như là đi hội, làm cho sắc xanh của núi rừng như được chấm phá, tô điểm bởi những sắc màu từ trang phục của họ từ nhiều nơi dồn đến tại chợ phiên, làm nên một ngày hội của sắc màu.

Hình ảnh trong triển lãm “Chợ phiên Tây Bắc” của Nguyễn Xuân Khánh.

Hình ảnh trong triển lãm “Chợ phiên Tây Bắc” của Nguyễn Xuân Khánh.

Chợ Bắc Hà, nơi tập trung nhiều người Mông Hoa nhất, trang phục đẹp rực rỡ toàn thân. Với gam màu xanh, dãy núi, triền đồi sương mù lãng đãng như làm nền cho chợ phiên Bắc Hà nổi bật lên với hàng trăm sạp tre nối tiếp nhau, tạo nên bức tranh đầy sắc màu bởi hàng hóa bày bán trên đó: mảnh thổ cẩm to làm chăn đắp, khăn trải bàn, những chiếc váy xòe rực rỡ màu được treo hàng loạt trên sào, những chiếc khăn đội đầu với đường chỉ thêu màu nổi bật đều trên từng thớ vải, mũi kim luồn chỉ màu tạo nên những hình họa tiết mà người thêu không cần vẽ mẫu sẵn. Rồi những chiếc thắt lưng đỏ tươi, hồng, vàng, xanh chàm… như kích thích, chào mời cả người mua và người bán. Các thiếu nữ dân tộc hồn nhiên chọn hàng, thử ướm váy, áo, thắt lưng, khăn… từ sạp này qua sạp khác. Nhóm thiếu nữ khác cũng trang phục rực rỡ, nổi bật thì chỉ đứng nhìn như chờ ai… đã hẹn từ những phiên chợ trước. Có những thiếu nữ má hồng rất xinh đẹp, hồn hậu cười tươi rói khi ống kính của du khách phương xa hướng vào họ.

Lần theo các tuyến sạp hàng trong chợ, ta bắt gặp và nhận ra ở đây còn có các món đồ trang sức cho phái nữ bằng chất liệu bạc, tất cả những gì tạo nên trang phục truyền thống cho phụ nữ các dân tộc như vòng tay, khuyên tai, kiềng đeo cổ, nhẫn, lược, kẹp tóc…

Không chỉ là nơi dành riêng cho phái nữ, chợ phiên Tây Bắc cũng là nơi hội hè chung của những người dân nơi đây, nơi mà ngày hội luôn được kết thúc bằng một bữa thịnh soạn với các đặc sản thịt lợn rừng, thắng cố và món rượu ngô uống trong bát…

Từ lâu hình ảnh chợ phiên các vùng cao đã thu hút du khách và nhiều tay máy đến từ các nơi. Nhưng cái hay cái mới của triển lãm “Chợ phiên Tây Bắc” là tác giả Nguyễn Xuân Khánh đã xâu chuỗi những hình ảnh thành một chủ đề, chuyển tải trung thực đến người xem hàng trăm sắc màu, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc ở Hà Giang, Lào Cai qua trang phục và hàng hóa - sản phẩm tự làm ra của người dân bản xứ, qua những phiên chợ, với góc nhìn phong phú và tinh tế.

AN DUNG 

 

Tin cùng chuyên mục