20 năm phục dựng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Nhiều kịch tính và thú vị

Quyết tâm giành giải
20 năm phục dựng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Nhiều kịch tính và thú vị

Ông Vũ Đình Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) kiêm Trưởng ban Tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2009 cho biết, do lễ hội năm nay (diễn ra ngày 27-9 - mùng 9 tháng 8 Âm lịch) “rơi” đúng vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, lại được chuẩn bị tổ chức trang trọng nhân dịp 20 năm phục dựng (1989 - 2009) nên lượng khách ở khắp các nơi đều nô nức kéo về.

Chuẩn bị ô lọng cho lễ rước trâu ra xới chọi. Ảnh: MINH ĐIỀN

Chuẩn bị ô lọng cho lễ rước trâu ra xới chọi. Ảnh: MINH ĐIỀN

Quyết tâm giành giải

Đồ Sơn những ngày này không khí lễ hội nóng rực. Băng rôn, khẩu hiệu chói đỏ. Các quản trâu dắt trâu ra dắt vào, thanh la não bạt khua gõ ầm ĩ. Trong nhà, các cụ già ngồi nhai trầu bàn chuyện năm nay trâu nào nhiều cơ đoạt giải, làm sao để trâu làng mình, giáp mình giật ngôi vô địch.

Từ sáng tinh mơ 25-9, các giáp, các phường đã rộn ràng tổ chức lễ rước nước theo tín ngưỡng ở đền thờ thần Điểm Tước về đình của làng để cầu thần linh giúp giáp, làng mình năm nay có trâu vô địch.

Chúng tôi gặp chủ của “ông trâu” 28, ông Hoàng Gia Bổn, 50 tuổi, ở xóm 6, phường Ngọc Xuyên. Ông Bổn cho biết: “Sáng 26-9, giáp tôi sẽ tổ chức lễ rước trâu từ trại quản (nơi nuôi dưỡng) về đình làng để ra mắt thành hoàng làng và đây sẽ là lễ rước lớn nhất trong lịch sử 20 năm lễ hội chọi trâu được phục dựng ở Đồ Sơn”.

Chỉ vào hàng chục ô lọng, cờ phướn và kiệu bát cống đã dựng sẵn ở trong đền, ông Bổn nói sẽ có 100 trai tráng tham gia lễ rước cùng với hàng trăm người ở trong làng. Sau đó, trâu lại đưa về trại quản và làng sẽ tổ chức một bữa cỗ thật linh đình, rồi cùng thắp hương cầu khẩn thần làng giúp cho trâu mình thắng trận khi được tung ra sới chọi vào sáng 27-9.

Chỉ vào “ông trâu” 28, ông Bổn nói: “Đây là “ông trâu” tôi phải lặn lội sang tận Lào để mua về, nhọc nhằn chăn nuôi, tập dưỡng suốt 8 tháng trời”. Ông Bổn là người rất có kinh nghiệm trong việc nuôi trâu chọi. Trong suốt 15 năm gắn bó liên tục với lễ hội, ông đã vinh dự một lần giật giải nhất, 2 lần giải ba và 4 lần đoạt giải trâu hay. Trong khi có những người ròng rã cả 20 năm vẫn chưa từng đoạt được giải nào. Được biết, ông Bổn đã phải bỏ ra 63 triệu đồng để mua bằng được “ông trâu” số 28.

Để trâu có những miếng đánh độc đáo, mỗi tháng ông phải bỏ ra 1,2 triệu đồng cho người quản trâu. Kỹ thuật nuôi trâu, luyện trâu vô cùng công phu. Ngoài các thức ăn ngon bổ dưỡng như đậu xanh, gạo lức, cỏ thơm… thì còn phải cho ăn cả mật gấu, thậm chí cao hổ cốt. “Tôi đã đổ không biết bao nhiêu mật gấu cho ông trâu của mình rồi” - ông Bổn nói.

Tuy nhiên, 63 triệu đồng bỏ ra để mua một ông trâu vẫn chưa phải là cao nhất. Theo ông Hoàng Gia Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, năm nay còn có những chủ trâu đã lặn lội sang tận Thái Lan, Myanmar, thậm chí sang cả Malaysia để mua trâu chọi, với giá lên tới 120 triệu đồng/con, quyết tâm giật được giải.

Đi tìm huyền tích

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã tồn tại tự bao đời, cũng đã trải qua nhiều bước thăng trầm theo dòng lịch sử. Đến năm 1989, lễ hội được khôi phục và năm 2000 được chính thức công nhận là một trong 15 lễ hội lớn trong phạm vi cả nước.

Cũng như nhiều lễ hội dân gian, xuất xứ hội chọi trâu Đồ Sơn được mô tả bằng nhiều giai thoại. Nhưng giai thoại được nhiều người dân Đồ Sơn tin nhất kể rằng, xưa biển Đồ Sơn thường bị thủy quái quấy nhiễu. Để được yên ổn, dân làng lập đàn cúng bái cầu thần giúp đỡ. Hôm sau một thủy quái đầu rồng, mình trâu khổng lồ bị chết nổi lên. Ở trên cổ nó có một dấu chân chim.

Dân làng cho rằng chính thần đã giúp dân diệt họa, mới mua trâu về mổ nhằm lễ tạ và gọi thần là Điểm Tước. Từ đó, thần Điểm Tước cũng trở thành thành hoàng làng của Đồ Sơn và cứ hàng năm, người làng lại cho các cặp trâu đấu chọi nhau trước khi mổ thịt tế lễ.

Còn GS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL) cho rằng, có một nét chung trong tín ngưỡng thuở xa xưa của người Việt, đó là lễ thức cầu nước (cấp thủy) bởi phần lớn người dân Việt đều phải dựa vào nguồn sống chính là nông nghiệp. Ở đồng bằng, lễ cầu nước được thể hiện qua các nghi thức múc nước, lấy nước còn với cư dân ven biển, các nghi thức lại được thể hiện thông qua các trò chọi trâu, đua thuyền... mà hội chọi trâu Đồ Sơn là một điển hình.

Theo quan niệm, các trâu được chọn để chọi phải có được màu đen tuyền vì màu đen tượng trưng cho nước, vai và hông trâu phải có khoáy là những hình ảnh có liên quan đến bầu trời, sấm sét và tinh tú, sừng trâu cong là biểu tượng của trăng lưỡi liềm.

Sự lựa chọn trâu cũng đã biểu hiện nhận thức của dân ven biển về mối tương tác giữa mặt trăng và thủy triều liên quan đến sự ra vào của các con thuyền đánh cá và thuyền đi xa. Hình ảnh hai con trâu chọi nhau như phản ánh sự vận động của con nước.

Đã sẵn sàng cho lễ hội

Theo ban tổ chức lễ hội, năm nay là kỷ niệm 20 năm phục dựng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nên đã được chuẩn bị một cách công phu, kỹ lưỡng. Lễ hội năm nay cũng nhận được sự quan tâm của khá nhiều nhà tài trợ. 12.000 vé xem đã được tung ra và bán hết, chưa kể khoảng 3.000 vé mời. Do “sốt” vé, dân phe vé từ Hải Phòng kéo về khá đông. UBND quận Đồ Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải tích cực bắt các đối tượng buôn vé giả.

Trong vòng chung kết tổ chức vào sáng chủ nhật (27-9), sẽ có tổng cộng 16 “ông trâu” của các “giáp” thuộc 7 phường trên địa bàn quận Đồ Sơn (Hải Phòng) tham gia.

Ông Vũ Đình Hưng, Trưởng ban tổ chức, nói rằng, năm nay là lễ hội đặc biệt nên các mức giải đã được nâng lên cao hơn nhiều so với các năm trước. Trong đó, trâu đoạt giải nhất sẽ được thưởng 40 triệu đồng (năm trước chỉ có 25 triệu đồng), giải nhì 25 triệu đồng, 2 giải ba mỗi giải 15 triệu đồng. Ngoài ra, tất cả các giáp có trâu tham dự đều được tặng thưởng các mức tiền có giá trị, tổng cộng lên tới khoảng 118 triệu đồng.

Ngoài các giải thưởng theo thông lệ, năm nay có một sự kiện đặc biệt là Báo SGGP sẽ trao thêm giải và cờ tặng cho phường có nhiều trâu chọi đoạt giải nhất trong 20 năm qua.

Người nuôi trâu chọi vừa công phu vừa tốn kém. Nhưng lễ hội năm nào cũng diễn ra, vì theo ông Hoàng Đình Bổn thì “Để có một con trâu chọi phải bỏ ra một khoản đầu tư lớn. Nhưng chúng tôi vẫn miệt mài với lễ hội, với thú nuôi trâu chọi vì vừa là để giữ gìn di sản mà ông cha từ ngàn xưa để lại, vừa cũng làø tạo ra một lợi thế về du lịch, một nét riêng và hiếm có của Đồ Sơn”.

Văn Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục