Chưa khai thác thế mạnh di sản

Thăng trầm chuyện bảo tồn

Thời gian gần đây, vấn đề bảo tồn di sản văn hóa nói chung và quản lý di tích nói riêng trên địa đàn TPHCM rất được quan tâm. Di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, bị xâm hại lấn chiếm cũng là vấn đề nóng. Từ thực tế đó, mới đây Sở VH-TT-DL TPHCM đã tổ chức tọa đàm về quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TP...

Thăng trầm chuyện bảo tồn

Vấn đề bảo tồn di sản vốn đã được quan tâm gần đây lại càng được dư luận quan tâm hơn sau hàng loạt những vụ xâm hại di tích nghiêm trọng, từ hỏa hoạn thiêu rụi chùa Hội Sơn (TPHCM), trong vòng 1 tháng đã có đến 3 ngôi chùa ở Sóc Trăng bị cháy đến làm mới di tích quốc gia chùa Trăm Gian ở Hà Nội hay vụ đình cổ Ngu Nhuế ở Hưng Yên bị san phẳng không thương tiếc. Hàng loạt những vụ xâm hại di tích đã xảy ra từ sự thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm và cả sự vô cảm của con người.

“Tình trạng di tích bị xuống cấp, bị xâm hại mà báo chí phản ánh thời gian qua là có nhưng đến giờ tại TPHCM chưa phát hiện tình trạng tôn tạo di tích kiểu… làm mới. Có được điều này là do lãnh đạo TP và nhiều sở ngành đã dành sự quan tâm nhất định đến di sản văn hóa”, Sở VH-TT-DL TPHCM đã cho biết như vậy.

Đồng tình với ý kiến này, PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ cho rằng, TP tuy quan tâm nhiều đến việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản nhưng vẫn chưa khai thác thế mạnh thật sự của di sản nói chung và bảo tàng nói riêng. Về di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ mà TP đang thực hiện khảo sát, ông Hoàng nói, việc quy hoạch tổng thể di tích này là cần thiết, trước mắt cần xây dựng bản đồ vị trí các gò ở khu vực Giồng Cá Vồ.

Theo ông Hoàng, “nếu đầu tư đúng mức và căn cơ, tôi nghĩ, di chỉ Giồng Cá Vồ đủ điều kiện trở thành một di tích quốc gia đặc biệt. Việc tu bổ di tích này được giao cho địa phương (UBND huyện Cần Giờ) liệu có hợp lý chưa?”. Ông nói thêm, cùng với Giồng Cá Vồ, di tích lịch sử cách mạng chiến khu Rừng Sác cũng là địa chỉ rất cần sự quan tâm, đầu tư đúng mức của TP.

Giới trẻ hiểu gì về di tích?

“Di tích, di sản văn hóa giữ vai trò quan trọng trong đời sống, góp phần giáo dục truyền thống cho giới trẻ, thanh niên, học sinh. Nên chăng chúng ta khảo sát xem giới trẻ hiện nay biết gì, hiểu gì về bảo tàng, về di tích lịch sử ở TP. Một điều nữa, việc kết hợp du lịch với di sản (bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa…) cần được đầu tư nhiều hơn”, ông Lê Duy Khánh, Phó giám đốc cơ quan đại diện Bộ VH-TT-DL tại TPHCM nêu ý kiến.

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, bà Lê Tú Cẩm nhận định: “Chống xâm hại di tích là một cuộc chiến lâu dài và gay go. Điển hình như vụ xâm hại di tích chùa Phụng Sơn là câu chuyện đã có từ cả chục năm nay, đến giờ vẫn còn mãi loay hoay và chưa biết bao giờ sẽ kết thúc. Từ trước đến giờ, chưa có cá nhân, đơn vị nào vi phạm Luật Di sản văn hóa bị xử lý theo pháp luật thế nên cuộc chiến để bảo tồn di sản sẽ còn là câu chuyện dài và đầy cam go. Hiện tôi quan tâm nhất đến 3 vấn đề của di sản TP, đó là dự án Bảo tàng tổng hợp TP ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển”.

Nhiều di tích ở TPHCM được Bộ VH-TT-DL đầu tư trong chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên, một quy hoạch tổng thể, có định hướng và có chiều sâu về các di tích này thì vẫn chưa có. Vì vậy, trước mắt nên có khảo sát và quy hoạch tổng thể về di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và cả nguồn nhân lực cho ngành này.

Minh An

Tin cùng chuyên mục