Giáo sư Ngô Đức Thịnh: Cần vén màn bí ẩn của nghi lễ hầu đồng

Chương trình giới thiệu và biểu diễn hầu đồng trong 2 ngày 6 và 7-11 vừa qua tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace gần như “vỡ trận”. Trong khi khán trường đã đông nghịt, ngay cả những chỗ trống dọc đường lên xuống cũng đã kín người thì khán giả bên ngoài vẫn tiếp tục ùn ùn kéo đến. PV Báo SGGP đã trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam, xung quanh hiện tượng này.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh: Cần vén màn bí ẩn của nghi lễ hầu đồng

Chương trình giới thiệu và biểu diễn hầu đồng trong 2 ngày 6 và 7-11 vừa qua tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace gần như “vỡ trận”. Trong khi khán trường đã đông nghịt, ngay cả những chỗ trống dọc đường lên xuống cũng đã kín người thì khán giả bên ngoài vẫn tiếp tục ùn ùn kéo đến. PV Báo SGGP đã trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam, xung quanh hiện tượng này.

* PV: Đây là lần thứ 2 nghi lễ hầu đồng được chính thức giới thiệu tới đông đảo công chúng ngay tại Hà Nội. Đây có phải là dấu hiệu về việc dần đưa hầu đồng - hát văn ra công khai sau một thời gian bị hạn chế?

* GS NGÔ ĐỨC THỊNH: Lâu nay người ta cứ đồn thổi về hầu đồng, nói rằng nó ghê gớm lắm và che phủ nó bởi một bức màn huyền bí và đầy nghi hoặc. Song nhiều cuộc hội thảo khoa học đã khẳng định đây là một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thuần Việt, xuất phát từ tín ngưỡng thờ mẹ. Có một thực tế là những kiến thức về hầu đồng của người dân còn rất hạn chế. Ngay cả những người tự xưng là ông đồng, bà cốt thì có đến 9/10 người không hiểu rõ về tín ngưỡng họ đang theo đuổi. Ngay trong hai buổi trình diễn ấy, có người đến xem bởi tò mò, có người đến xem trong tâm thế của người dò xét, nhiều vị khách quốc tế, nhà nghiên cứu, quản lý… Song bỏ qua tất cả những lý do ấy, tất thảy đều bị cuốn theo sức hấp dẫn đến mê hoặc bởi âm nhạc và vũ điệu của hầu đồng, nghi lễ gắn liền với tín ngưỡng thờ đạo Mẫu tiêu biểu của người Việt.

Vì thế, chúng tôi càng thấy việc đưa nghi lễ hầu đồng ra giới thiệu với công chúng là một bước quan trọng để vén bức màn bí ẩn mà người ta đã dựng lên quanh nó. Đây cũng là cách để người xem được tiếp cận với loại hình này, đồng thời cũng dần đưa hoạt động hầu đồng - hát văn dần trở về với quỹ đạo vốn có của nó.

Một cảnh trong nghi lễ hầu đồng.

Một cảnh trong nghi lễ hầu đồng.

* Vậy điều này có thể hiểu là hầu đồng - hát văn hiện nay đang đi lệch quỹ đạo?

* Không hẳn vậy. Trong suốt hàng trăm năm tồn tại, nghi lễ hầu đồng đã bị diễn dạng ghê gớm, không còn giữ được quy chuẩn của thuở ban đầu. Di sản cũng như một đứa trẻ bị bỏ rơi lấm lem bùn đất, chỉ cần biết cách gột rửa hết đất cát, bụi bặm mà thời gian đã khoác lên mình nó thì đứa trẻ lại hồn nhiên, trong veo. Với hát văn - hầu đồng cũng vậy, nó dần bị thay đổi, biến dạng.

* Vậy theo ông việc “gột rửa”, đưa nghi lễ hầu đồng về đúng với bản chất nguyên thủy sẽ được thực hiện như thế nào?

* Không như nhiều nghi lễ khác, nói chung các thanh đồng không thể học mà thành mà thường phải là những người có căn có cốt. Nhưng bây giờ, bên cạnh những người được coi là “có căn” ấy còn tồn tại một lượng lớn người trẻ, có thời gian, tiền bạc và thích ra hầu đồng. Những người trong giới gọi họ là “đồng đú, đồng đua”. Phần lớn việc trục lợi, mang lại tiếng xấu cho hầu đồng xảy ra với bộ phận này.

Cách đây vài năm, thay vì việc để cho họ hoạt động một cách tự phát, không quản lý, Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã thành lập CLB bảo tồn chầu văn. Thành phần CLB có các thành đồng - chủ thể văn hóa, các nhà khoa học, nghiên cứu về hầu đồng và cả sự góp mặt của nhà quản lý. Thực tế cho thấy, thay vì tâm lý bị nghi ngờ dò xét mà giúp cho họ hiểu rõ hơn về tín ngưỡng họ đang theo đuổi sẽ hạn chế được nhiều mặt hiện nay đang bị cho là tiêu cực.

* Cụ thể ở đây là gì?

* Như hiện tượng đốt đồ mã chẳng hạn. Thông thường, các thành đồng thường có tâm lý thích chơi trội. Nếu chỉ vận động hoặc áp đặt những biện pháp quản lý hành chính đối với họ thì ít khi đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, nếu họ được nhận sự chỉ dẫn hoặc vận động từ chính những cựu đồng hay chủ đền thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều. Chúng ta cần dựa vào họ, tin cậy vào họ - những chủ thể văn hóa.

* Với tư cách là nhà nghiên cứu hàng đầu về đạo Mẫu ở Việt Nam, cách đây vài năm ông đã từng phát biểu rằng thời điểm đó chưa thích hợp để nghĩ đến việc xây dựng hồ sơ đề cử danh hiệu di sản cho nghi lễ chầu văn. Vậy giờ đã phải là thời điểm hợp lý chưa?

* Bạn bè thế giới, các chuyên gia của UNESCO cũng rất thích nghi lễ hầu đồng. Nhiều vị trong đó còn giục chúng ta sao không gửi hồ sơ nhanh đi. Nhưng vẫn còn nhiều tiếng nói thành kiến, định kiến với hầu đồng. Điều này một phần do mọi người chưa hiểu hết nguồn gốc của nghi lễ này mà thường nhìn nó với ánh mắt nghi ngờ, dò xét. Một phần khác do chính lỗi của một số người đã trục lợi từ hầu đồng. Quan điểm của tôi hiện thời điểm này cũng chưa nên làm hồ sơ vì ngay ở trong nước chúng ta vẫn chưa tạo được sự đồng thuận.

Hiện hồ sơ công nhận di sản quốc gia cho nghi lễ chầu văn cũng đã được hoàn tất và chuyển Bộ VH-TT-DL. Tới đây, Hội đồng di sản của bộ họp để xem xét công nhận nghi lễ chầu văn là di sản quốc gia, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ cho phép gửi hồ sơ tới UNESCO. Song theo tôi, công việc trước mắt là phải dần vén bức màn bí ẩn của hát văn - hầu đồng, xóa bỏ những nghi ngờ, gán ghép với mê tín dị đoan. 

VĨNH XUÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục