Văn hóa phản biện

Vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra cuộc giao lưu, trao đổi xung quanh tác phẩm Ngàn năm áo mũ của tác giả Trần Quang Đức. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học về trang phục, thói quen ăn mặc trong xã hội Việt Nam hơn ngàn năm qua. Tác giả đã tập trung phân tích từ các kiểu trang phục cung đình, quan lại và một số trang phục người dân, binh lính…

Điều đáng nói là cuộc giao lưu đã diễn ra đậm chất văn hóa tranh luận, phản biện. Với khách mời thuộc nhiều thành phần, từ các nhà nghiên cứu lâu năm, các bạn trẻ học sinh sinh viên, những thanh niên đang đi làm… Tác giả đón nhận những câu hỏi rất đa dạng, từ những câu hỏi mang đậm kiến thức đến những câu hỏi ngô nghê, thậm chí có trường hợp người hỏi còn lấy kiến thức trong tiểu thuyết, sách hư cấu ra để bắt bẻ. Tác giả với vốn kiến thức đầy đặn đã giải đáp từng thắc mắc, phân tích từng câu hỏi, thậm chí với những câu hỏi lấy kiến thức từ văn chương, tác giả còn chỉ rõ nhà văn lấy chi tiết đó ở đâu ra và đã hiểu sai kiến thức thật sự như thế nào. Thậm chí, có nhiều vấn đề mà do hạn chế của tư liệu lịch sử, tác giả hiện tại cũng không thể trả lời nhưng được nêu ra để tạo thông tin mở cho những công trình nghiên cứu sau này. Chính nhờ cách trao đổi thảo luận mang đậm chất phản biện, minh bạch và có thông tin đầy đủ mà dù có lúc không khí nóng lên do những tranh luận mâu thuẫn nhưng kết quả hầu như tất cả đều thỏa mãn với thông tin nhận được.

Nhắc đến cuộc giao lưu trên vì thực tế hiện nay những cuộc giao lưu mang đậm chất phản biện, tranh luận một cách có văn hóa như thế khá hiếm hoi. Không nói đâu xa, các cuộc giao lưu, giới thiệu cuốn sách du ký của một tác giả trẻ vừa qua dù có sự tham gia dẫn chương trình của một giáo sư, người tham dự đều là các bạn trẻ có học nhưng lại chứng tỏ văn hóa phản biện vẫn đang rất thiếu thốn. Có lúc, người hỏi đặt những câu hỏi lan man, không liên quan đến sách do chỉ nghe người khác nói lại, cũng có khi câu hỏi mang nặng tính khiêu khích, dè bỉu hơn là tranh luận. Về phần tác giả thay vì trả lời những câu hỏi nghiêm túc thì lại thể hiện sự bực tức, giận dữ, thậm chí có khi còn từ chối trả lời do “không thích”, “không có trách nhiệm trả lời”… Các cuộc giao lưu sau đó không khí còn tồi tệ hơn khi chính bản thân những người tham gia đã ngăn cản một cuộc tranh luận công khai và minh bạch khi người hỏi vừa đặt câu hỏi thì những người khác nhốn nháo la hét, ngăn chặn người hỏi.

Việc thiếu văn hóa phản biện đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh diễn đàn điện tử, mạng xã hội giúp cá nhân có thể giao lưu mạnh mẽ với cộng đồng. Chúng ta có thể thấy những cuộc tranh luận về ý nghĩa của việc chàng trai không tay chân Nick Vujicic đến Việt Nam bị biến thành những cuộc cãi vã, miệt thị nhau về những vấn đề không liên quan như kinh phí (do tư nhân tự làm), đến đông người tham dự (lòng ái mộ)… Việc thiếu đi văn hóa phản biện không chỉ gây ảnh hưởng trong nước mà còn làm xấu đi hình ảnh người Việt trong mắt người nước ngoài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu dần đi văn hóa phản biện trong cuộc sống, một nguyên nhân hay được nhắc đến là trường học. Nền học thuật “đọc, chép” đã khiến xói mòn năng lực ứng xử và phản biện nơi giới trẻ. Việc thiếu đi nền tảng kiến thức cho phản biện, tranh luận đã biến những cuộc trao đổi cộng đồng trở nên xấu xí, gây nên những mâu thuẫn xã hội không đáng có.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục