Hoàn thành tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột - Diên Hựu trước ngày 30-6-2013

* Giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân Đường Lâm
Hoàn thành tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột - Diên Hựu trước ngày 30-6-2013

* Giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân Đường Lâm

(SGGPO).- Sau khi nghe ý kiến tham luận của các nhà khoa học tại hội thảo ngày 15-5 và tiếp thu kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về Dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích chùa Một Cột - Diên Hựu, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo chùa.

Ông Bình cho biết, việc tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Một Cột – Diên Hựu gồm 2 hạng mục chính là Diên Hựu và Một Cột sẽ được tính toán rất thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự phối hợp với các cơ quan chức năng, xin ý kiến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chuyên môn để đi đến phương án tu bổ tối ưu trên cơ sở giữ nguyên trạng của di tích nhưng phải phát huy được giá trị văn hóa lâu bền. Đồng thời, trong đợt tu bổ này cũng sẽ loại bỏ những gì xây dựng không đúng làm ảnh hưởng đến kiến trúc, mỹ quan của ngôi chùa. Sớm hoàn thiện dự án trùng tu, tôn tạo, tu bổ trước ngày 30-6-2013.

Một chi tiết xuống cấp ở chủa Một Cột - Diên Hựu

Một chi tiết xuống cấp ở chủa Một Cột - Diên Hựu

Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, việc tu bổ chùa Một Cột là hết sức quan trọng cho nên phương án đưa ra phải cân nhắc kỹ càng, sao cho không ảnh hưởng đến tiến độ. Theo đó, việc tu bổ nên thực hiện theo hướng, hỏng đâu sửa đấy, nếu hỏng nhiều quá nên hạ giải để làm lại cho tốt nhưng phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc khoa học.

Cũng theo ông Trần Lâm Biền, trong khu vực chùa Một Cột nên tính đến phương án xây am hóa vàng mã và nhà vệ sinh cho sạch đẹp. Ngoài ra, nên chuyển khu bán hàng dịch vụ ra hẳn bên ngoài để đảm bảo không khí nghiêm trang của nơi thờ tự.

* Liên quan đến vụ việc ở làng cổ Đường Lâm, trong chiều 15-5, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây đã có cuộc đối thoại trực tiếp với các hộ dân ký vào đơn xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia để nắm bắt rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của người dân ở làng cổ Đường Lâm.

Tại đây, Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết, lá đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia của một số người dân Sơn Tây có gần 50 chữ ký. Cán bộ Ban quản lý đã đến từng nhà xác định, trong đó có 23 hộ xác nhận chữ ký, 9 chữ ký không xác định được, 3 hộ có đơn nhưng không nhận mình ký. 23 hộ có chữ ký đã được mời ra để đối thoại với đại diện lãnh đạo các cấp có thẩm quyền đã phần nào khẳng định chính quyền các cấp luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm sao cho hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội khẳng định, người dân Đường Lâm mới là chủ thể đích thực của di sản, còn Nhà nước chỉ quản lý về mặt hành chính, giúp người dân ứng xử với di sản theo pháp luật. Đường Lâm là ngôi làng đầu tiên ở nước ta được công nhận là Di tích quốc gia, mà đã là Di tích quốc gia thì phải được điều chỉnh bằng Luật Di sản văn hóa. Việc thực hiện luật không chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước mà bản thân người dân cũng cần thực hiện. Với chức năng quản Nhà nước về di sản trên địa bàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  thành phố Hà Nội sẽ tham mưu với UBND thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từng bước giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, sẽ sớm có quy hoạch làng cổ và cấp đất giãn dân, ra quy định xây dựng nhà để giúp bà con cải thiện chỗ ở. Ban quản lý di tích cũng đang xây dựng mẫu nhà truyền thống để làm cơ sở cho người dân xây dựng mới hay cải tạo nhà cũ.

TRẦN BÌNH - MAI AN

>> Tượng phật Chùa Một Cột sẽ không còn phải “đội nón, mặc áo mưa”

>> Chùa Một Cột - Diên Hựu xuống cấp: Trụ trì đòi hạ giải

>> Tu bổ chùa Một Cột - Diên Hựu, còn phải chờ... hội thảo

>> Nhiều người dân làng Đường Lâm xin trả lại danh hiệu làng cổ - Chuyện cực chẳng đã

>> Hôm nay, chính quyền đối thoại với người dân Đường Lâm

Tin cùng chuyên mục