Tranh Nguyễn Văn Cường - Hoài niệm làng quê

Theo đuổi đề tài làng quê, con trâu, phong cảnh nông thôn Bắc bộ hơn 25 năm qua, cho đến hiện tại, họa sĩ Nguyễn Văn Cường vẫn không mất đi cảm xúc sáng tác cho cuộc triển lãm Mùa gặt, với khoảng 60 tác phẩm đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, 97A Phó Đức Chính, quận 1, TPHCM.
Tranh Nguyễn Văn Cường - Hoài niệm làng quê

Theo đuổi đề tài làng quê, con trâu, phong cảnh nông thôn Bắc bộ hơn 25 năm qua, cho đến hiện tại, họa sĩ Nguyễn Văn Cường vẫn không mất đi cảm xúc sáng tác cho cuộc triển lãm Mùa gặt, với khoảng 60 tác phẩm đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, 97A Phó Đức Chính, quận 1, TPHCM.

Tác phẩm Mùa gặt, tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Văn Cường.
Tác phẩm Mùa gặt, tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Văn Cường.

1. Sống ở nông thôn Hà Tây từ bé, trước khi là thị dân Hà Nội, sự cảm nhận về cái đẹp yên bình, nét cổ kính của làng quê, bến nước, lũy tre, khu lò gạch hoang phế mọc đầy hoa dại, cảnh đường làng nhộn nhịp ngày mùa trong không gian trời xanh, mây trắng, nắng vàng… luôn sống trong tâm tưởng, ám ảnh người sáng tác. Chính vì vậy, những hoài niệm về cánh diều tuổi thơ, về những cậu bé chăn trâu nghịch ngợm bị bò đuổi được họa sĩ Nguyễn Văn Cường tái hiện trong thế giới sắc màu sơn dầu thật đẹp, trong veo.

Tình cảm yêu quê hương trỗi dậy mạnh mẽ trong những năm tháng đi bộ đội. Khi bắt đầu cầm cọ vẽ tranh, Nguyễn Văn Cường cho rằng nghệ thuật đã giúp anh lưu giữ cái đẹp trong cuộc sống, giữ được sự bình yên, tự tin và yêu thương trong tâm hồn. Những cảm nhận ấy có lúc đã đứng trước biết bao thử thách và càng dằng co gay gắt hơn trong nghĩ suy của nghệ sĩ vào thời điểm xã hội nông thôn đang dậy lên những làn sóng đô thị hóa làm đổi thay diện mạo cũ và truyền thống văn hóa làng. Trong cuộc triển lãm hiện tại, các tác phẩm Thả diều, Chỉ là giấc mơ, Mùa gặt… càng bộc lộ rõ nét quan niệm sáng tác của anh – sự hoài niệm về cái đẹp của làng quê, có nguy cơ đã và đang mất dần.  

2. Đối với họa sĩ, chất liệu còn là vấn đề trăn trở của người sáng tác. Từ tranh khắc gỗ đến tranh sơn dầu và song hành trong triển lãm lần này còn là sự thể nghiệm mạnh mẽ mảng tranh sơn mài cách tân của Nguyễn Văn Cường. Vì sao không tìm tòi thế mạnh nghệ thuật, kỹ thuật đồ họa, tận dụng vốn cổ tiềm tàng trong văn hóa dân gian và cả nghệ thuật sơn mài của cha ông?

Họa sĩ Nguyễn Văn Cường bày tỏ: “Tôi đã nghiên cứu, học tập nghệ thuật tranh Hàng Trống, tìm hiểu kỹ thuật in hiện đại của phương Tây và  đi tìm một thủ pháp sáng tác năng động hơn trong nghệ thuật sơn mài truyền thống dân tộc”. Sau nhiều thử nghiệm, anh tin tưởng cách vẽ và khắc nổi với kỹ thuật sơn mài tổng hợp là chất liệu mới, hạn chế được nhược điểm dễ cong vênh của tấm vóc sơn mài truyền thống qua những thử thách đổi thay của thời tiết.

Tất nhiên, sáng tác không cho phép nghệ sĩ lặp lại chính mình. Họa sĩ Nguyễn Văn Cường kiên trì với đề tài đã chọn nhưng luôn đi tìm hình thức mới, thủ pháp mới, thay đổi bố cục ngang, xéo, đổi mới chất liệu. Cho nên, những hình ảnh về cô gái nông dân, về con trâu, phong cảnh đồng quê, về “con mắt đa chiều”, “con mắt đa tình” trong tranh Nguyễn Văn Cường vẫn khuấy lên sự thú vị hiếm có. Nét chuyển dịch của hình ảnh, bố cục, độ nhòe huyền ảo trong tranh như những khuôn hình phim quay chậm, ít nhiều đã bộc lộ cách thể hiện mới mẻ, lạ mắt. Có lẽ vì vậy, bên cạnh cái đẹp hài hòa của màu sắc, thế giới trong tranh Nguyễn Văn Cường luôn tạo được sự vui tươi, dí dỏm,  ấm áp tình cảm và hấp dẫn người xem.

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục