Đường nét của “thiên thai” và chợ quê…

Đường nét của “thiên thai” và chợ quê…

Trong hội họa nước ta, Nguyễn Gia Trí (sinh năm 1909 tại Hà Đông - mất năm 1993 tại TPHCM) từng là một huyền thoại sống suốt cuộc đời nghệ thuật hơn 60 năm “không mệt mỏi” của mình. Ngay từ khi là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (khóa VII 1931 - 1936) ông đã được khẳng định đứng đầu tứ hổ: “Nhất Trí / nhì Lân/ tam Vân/ tứ Cẩn”. Trước 1945, ông dấn thân xã hội, tung hoành trên báo chí, đặc biệt với các nhân vật biếm họa bất hủ Lý Toét và Xã Xệ. Ông được cho là nguyên mẫu của chàng nghệ sĩ lãng tử, lãng mạn, tân thời trong tiểu thuyết bán chạy Đẹp của Nhất Linh/Khái Hưng.

Từ Cách mạng tháng 8 đến khi qua đời, ông sống đạm bạc, ẩn dật ở vùng tạm chiếm, dưới chế độ cũ cũng như dưới chế độ mới, Nguyễn Gia Trí đều luôn được giới hâm mộ và chính quyền trọng vọng. Bức tranh đắt giá nhất mà nhà nước ta mua của một họa sĩ là bức Vườn xuân Trung Nam Bắc của ông (tương đương 100.000 USD). Xuyên qua dằng dặc những biến động thời cuộc ghê gớm nhất, hiếm có nghệ sĩ nào đạt được, gìn giữ được giá trị nghệ thuật của tác phẩm cũng như nhân cách người nghệ sĩ một cách an nhiên, tự nhiên như ông.

95 tác phẩm và phác thảo tư liệu của danh họa Nguyễn Gia Trí đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM từ nay đến hết tháng 12-2013.

Những tác phẩm nổi tiếng nhất bằng sơn mài “vàng son lộng lẫy” với các thiếu nữ áo dài “yểu điệu thướt tha” trong các vườn xuân “hồn bướm mơ tiên”, với đào, mai, sen, cúc… không biết ở thời nào, ở chốn thiên thai nào đã ăn sâu vào tiềm thức người thưởng ngoạn. Ông khai thác triệt để không gian hai chiều, bố cục dàn ngang hay dọc, khoan hòa với nhiều mảng trống rất Á Đông. Ở đó đường nét tấu lên bản nhạc thánh thót vắt vẻo mà day dứt gợi tình như lời/nhạc ca trù hay thơ song thất lục bát cổ. Với sự sùng kính cái đẹp và kỹ thuật sơn mài đã trở thành kinh điển họa sĩ tâm linh hóa và trang trí hóa chủ đề và nhân vật “thiếu nữ tân thời - cổ kính” của mình thành một biểu tượng cho tâm hồn Việt cả một thế hệ. Ông “…giao cảm trực tiếp với con người và thiên nhiên mình vẽ”, đề cao “linh tính”: “Người nghệ sĩ làm việc theo linh tính của mình chứ không theo lý luận… Phải biết bảo vệ linh tính. Không để ai đụng chạm đến linh tính”.

Tuy nhiên đó chỉ là 1D trong thế giới hội họa 3D kỳ lạ phong phú của bậc danh họa. Qua các tranh giấy và các “phác họa” ta có thể còn bị mê hoặc bởi hai mảng sáng tác khác: Những tác phẩm tả thực và trừu tượng.

“Nghệ thuật là đi tìm cái thực” và ông triết lý: “… xã hội và nghệ sĩ như cây với đất, hai thứ ấy nuôi sống lẫn nhau”; “Rất ít người có thể sống trong hiện tại. Thường thì người ta sống vì quá khứ hoặc vì tương lai. Người nghệ sĩ làm nghệ thuật, trong lúc làm, đó là họ đang sống hiện tại với cái nghĩa đúng nhất”.

Ngoài các tác phẩm trên báo chí, các tranh vẽ cảnh sinh hoạt đời thường của thị dân và người nhà quê, nhất là các bức “chợ quê” mô tả đời sống cộng đồng làng xã với nét bút tả chân nghiêm kiểu châu Âu hoặc cách điệu mộc mạc sảng khoái kiểu tranh dân gian, điêu khắc đình chùa cho thấy họa sĩ “lánh đời” gắn bó mật thiết, chí tình như thế nào với đời thực, người, việc thực. Tranh trừu tượng được họa sĩ thực hiện những năm 1960, có thể sớm hơn nữa, với các phác họa tìm ý, tìm tứ cho các bố cục có hình… Đồng thời ông cũng thực hiện một số bố cục trừu tượng sơn mài rất ào ạt, gân guốc đồ sộ, bút pháp như đối lập với các tranh “mùa xuân bất diệt” êm ả. Nếu nét ở các tranh nhân vật chủ đề là những giai điệu khoan thai, du dương không giấu giếm sự say mê của họa sĩ với nghệ thuật của Botticelli hay Matisse thì nét ở tranh trừu tượng lại gấp gáp, thô nhám tạo bố cục và nhịp điệu không xa lạ với ngôn ngữ trừu tượng của các họa sĩ “cùng thời” phương Tây như Hartung, Pollock… Ở đây ông sáng tác theo nguyên tắc biểu hiện: “Vẽ cho nhanh cho kịp cảm xúc của mình” (*).

Tại các phác họa và tranh giấy của Nguyễn Gia Trí, ta được thấy những chiều khác, những cội nguồn thẩm mỹ khác, những góc cảm nhận khác vượt ra ngoài chu vi những gì đã được mặc định về sự nghiệp của ông. Thế giới 3D của họa sĩ phong phú bề bộn, trải rộng thêm về cả hai hướng hiện thực tả chân và trừu tượng tinh thần hóa.

Xem những “tranh nhỏ” của một họa sĩ lớn có cái thú như được vào xưởng họa, cầm tay tác giả để cảm nhận thân gần, cụ thể hơn, sâu sắc hơn con người và tác phẩm vốn xa ta bởi khoảng cách của lòng ngưỡng mộ hoặc nghi ngại.

Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, người lưu giữ nhiều tác phẩm Nguyễn Gia Trí, viết chí lý về bậc thầy này: “Hội họa của Nguyễn Gia Trí như những pho tượng Phật trong chùa, luôn rực rỡ và sáng chói trong mọi không gian” (Hội họa Việt Nam đương đại, NXB Văn hóa Sài Gòn 2005).

* Các trích dẫn theo cuốn Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo Nguyễn Xuân Việt ghi, NXB Văn học 1998.

NGUYỄN QUÂN

Tin cùng chuyên mục