Họa sĩ Lim Khim Katy: Giá trị nghệ thuật của tranh Việt rất cao

Để mỹ thuật Việt Nam ra thế giới
Họa sĩ Lim Khim Katy: Giá trị nghệ thuật của tranh Việt rất cao

Lim Khim Katy là nữ họa sĩ trẻ nổi bật của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Với chuyên ngành sơn dầu, chị xuất hiện hơn 10 năm trở lại đây bằng các triển lãm cá nhân và các series tranh gây ấn tượng đặc biệt.

Tác phẩm Biển đen của Lim Khim Katy.

Tác phẩm Biển đen của Lim Khim Katy.

Để mỹ thuật Việt Nam ra thế giới

Làm sao để các tác phẩm mỹ thuật, nhất là tranh Việt ra với thế giới là câu hỏi quan tâm lâu nay của nhiều người không chỉ trong giới mỹ thuật. Rõ ràng, so với các quốc gia trong khu vực, nghệ sĩ Việt Nam không thua kém về sáng tạo, tuy nhiên, thị trường tranh Việt lại có vẻ khá trầm lắng. So với các bậc đàn anh, những người đã lâu năm kinh nghiệm đã khó, với những nghệ sĩ trẻ việc này càng khó gấp bội phần.

Lim Khim Katy tâm sự, một trong những điểm yếu của vấn đề là họa sĩ trong nước thiếu liên kết với các phòng tranh. Điều này trái ngược với các nước, bởi các phòng tranh là nơi được tổ chức khoa học, bài bản, có giám tuyển chuyên nghiệp và có nguồn khách hàng đông đảo, đa dạng. Chính các phòng tranh là một trong những cầu nối đầu tiên và quan trọng trong việc đưa họa sĩ trẻ đến với khách hàng. Điểm yếu thứ hai, theo chị là thiếu sự quảng bá, sự kết nối giữa nghệ sĩ và các phương tiện truyền thông cũng như vai trò khá mờ nhạt, thụ động của hội ngành nghề. Điều này phần nào khiến các nghệ sĩ trẻ, nhất là các họa sĩ trẻ TPHCM thiếu lửa sáng tạo.

Katy chia sẻ, có điều kiện tham gia nhiều cuộc triển lãm ở các nước, chị nhận thấy giá trị nghệ thuật của tranh Việt rất cao, có điều chúng ta chưa nhận ra được điều đó. Vì sao? “So với các nước bạn trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan…, Việt Nam cũng nằm trong nhóm đang phát triển. Điều này phần nào thể hiện trong nghệ thuật các nghệ sĩ vẫn giữ được cảm xúc nghệ thuật Á Đông, những nét đặc trưng văn hóa lịch sử rất riêng, nên nhiều nhà sưu tập thế giới rất thích”, Katy chia sẻ.

Nỗ lực không ngừng

Năm 2001, Katy tốt nghiệp Khoa Hội họa (Đại học Mỹ thuật TPHCM). Không tìm được việc làm, cô gái trẻ phải làm nghề chép tranh kiếm sống. Hàng ngày mệt mỏi với cơm áo gạo tiền, nhưng lòng yêu nghề, máu sáng tác trong chị vẫn luôn cháy bỏng. Ngày chép tranh, tối về chị miệt mài bên giá vẽ. Tình cờ, có một khách hàng nước ngoài nhìn thấy tác phẩm của cô gái chép tranh và ngỏ ý mua. Năm 2004, cơ hội đến với Katy khi một nhà sưu tập người Thái Lan sau khi xem vài tác phẩm của chị đã đề nghị chị giới thiệu riêng một triển lãm tại phòng tranh ở Bangkok (Thái Lan). Katy cho biết thêm, các nhà sưu tập, các phòng tranh nước ngoài theo dõi tác giả của họ rất kỹ, rất sát sao. “Họ còn biết tôi lập gia đình lúc nào, sinh con năm nào và chuyển nhà đi đâu… Tôi xúc động khi biết điều này. Hơn tất cả tôi muốn nói ở đây là họ làm nghề rất chuyên nghiệp” - Katy tâm sự.

Gần đây nhất, triển lãm chủ đề “Ăn và ngủ” của Katy tại TPHCM, khách thưởng lãm lại thêm phần ngạc nhiên về sức sáng tạo của chị. Chị vẽ những người đàn ông, đàn bà, những người thợ lao động, những người làm thuê làm mướn, những người nghèo vô danh, những thân phận lang thang, cơ nhỡ, không gia đình, phiêu dạt khắp nơi. Trong tranh của Katy, những người cùng cảnh ngộ, sinh hoạt thành từng tốp như để nương tựa, dựa dẫm, tìm kiếm nguồn an ủi lẫn nhau. Họ cùng đứng - ngồi - ăn - ngủ, các hành vi của nhân vật đôi khi lặp lại hệt như nhau như để khẳng định một sự hiện hữu, tồn tại nhất định nào đó. Những khuôn mặt căng thẳng, chờ đợi, những đôi mắt lo âu, khắc khoải về tương lai.

“Các tác phẩm của Lim Khim Katy là sự pha trộn bất thường, khó nắm bắt, của nhiều phong cách hội họa, từ hiện thực, biểu hiện đến siêu thực, phát triển trong mối quan hệ kín đáo và có chừng mực giữa nghệ thuật hàn lâm và pop-art, giữa thực tại nhạy cảm và đời sống nội tâm của con người. Là một họa sĩ có nhãn lực và trực giác nhạy bén, lại có biệt tài điều khiển nét bút thật đậm, chắc, khi quánh ngọt, khi xù xì, gân guốc - Lim Khim Katy đặc biệt hay ở những nét phá ngang trên ranh giới hình và nền, làm rung rinh ảo giác về không gian. Bằng những yếu tố sáng tạo mới và riêng biệt - Katy đã có lý do để tự khẳng định cho riêng mình một hình thái hội họa đẹp, giàu tính cá nhân. Hơn thế, đó còn là một hình thái được sinh ra từ sự thật nhân bản và từ lòng thương yêu con người” - nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận xét. “Hãy luôn nỗ lực và nỗ lực, chủ động tìm kiếm cơ hội cho mình chứ không thụ động chờ đợi, cơ hội và thành công sẽ đến” - Katy nhắn nhủ.

Lim Khim Katy sinh năm 1978, là người dân tộc Khmer, quê quán An Giang. Cha cô là người Campuchia - một nghệ nhân sống bằng nghề chép tranh, mẹ người Việt. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM, Khoa Hội họa, cô từng đoạt nhiều giải thưởng và tham dự nhiều cuộc triển lãm...Tranh của Lim Khim Katy nằm trong bộ sưu tập của một số nhà sưu tập nước ngoài. Hiện cô là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật TPHCM nhiệm kỳ 2010 - 2015.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục