Trại sáng tác mỹ thuật 2013 - Những xúc cảm tươi mới

Trại sáng tác mỹ thuật do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trong tháng 7-2013 với sự tham dự của 16 họa sĩ đến từ miền Trung, Tây Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh đã thành công. Nhiều sáng tác mới được hình thành, tạo nên một cái nhìn đa dạng về phong cách, các trường phái hội họa.
Trại sáng tác mỹ thuật 2013 - Những xúc cảm tươi mới

Trại sáng tác mỹ thuật do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trong tháng 7-2013 với sự tham dự của 16 họa sĩ đến từ miền Trung, Tây Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh đã thành công. Nhiều sáng tác mới được hình thành, tạo nên một cái nhìn đa dạng về phong cách, các trường phái hội họa.

        Sân chơi đầy cảm hứng

Cái được lớn nhất từ trại sáng tác là mỗi họa sĩ đã tìm được những cảm hứng sáng tạo rất riêng từ một sân chơi chung, gắn kết và lan tỏa được cảm hứng từ những cái hay của đồng nghiệp, tạo nên sự phong phú đa sắc cho chính tác phẩm của mình. Mỗi tác giả hoàn thành 3 tác phẩm và các tác phẩm đều được hội đồng nghệ thuật chọn và Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ mua. Cao tuổi nhất là họa sĩ Hồ Hữu Thủ. Tác phẩm Thiếu nữ của ông vẫn là một cách nhìn phiêu diêu huyền ảo, bồng bềnh trong cõi thực và cõi mơ. Còn tranh Thiếu nữ của họa sĩ Nguyễn Lâm ẩn hiện từ những mảng màu xanh, xám trắng. Họa sĩ Suối Hoa vẫn tung tẩy với những cô gái của sân khấu chèo và các thiếu nữ vừa dân dã, duyên dáng, trong mùa trẩy hội. Tranh của chị thể hiện được cái say, chất men như lên đồng của người nghệ sĩ về những năm tháng đã qua, lại vừa có nhịp điệu của cuộc sống đương đại. Họa sĩ Tạ Kim Dung thì rực rỡ với tác phẩm Phiên chợ vùng cao. Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Được trẻ trung với những mái nhà xô lệch đủ màu.

Trẻ nhất của trại sáng tác, họa sĩ Lê Nguyên Chinh tìm cảm hứng từ nghệ thuật tuồng truyền thống. Tranh anh không có những gam màu nóng và rực rỡ, tương phản như mặt nạ tuồng mà màu sắc chủ đạo là vàng sậm, thoang thoảng nỗi buồn của những hình bóng người nghệ sĩ khuất lấp sau những cánh gà. Nguyên Chinh đã chạm đến sự thăng hoa, nỗi cô quạnh của đời người và đời sống trầm buồn, heo hút của sân khấu truyền thống hôm nay.

Đến từ Khánh Hòa, họa sĩ Trần Mạnh Đức chịu ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc tháp Chàm cổ, anh thích bút pháp bán trừu tượng và tạo ấn tượng về hình khối, với những nét vẽ như chạm khắc. Tác phẩm Hồn Việt của anh với những nét vẽ rồng, thể hiện rất rõ cảm xúc về tâm thức Việt, về cội nguồn và cốt cách văn hóa Việt. Bức Làng Chàm là một tác phẩm đẹp và công phu.

Họa sĩ Hoàng Minh Hằng lâu nay gần như chỉ thích vẽ hoa và thiên về tranh lụa, lần này cũng khá dạt dào với những cảm xúc mạnh về biển, về sóng bằng chất liệu sơn dầu.

Tác phẩm Làng Chài (tranh sơn dầu) của họa sĩ Trần Mạnh Đức tại trại sáng tác.

Tác phẩm Làng Chài (tranh sơn dầu) của họa sĩ Trần Mạnh Đức tại trại sáng tác.

        Đậm chất dân sinh

Họa sĩ Dương Sen đến với trại sáng tác cùng với dự định chuẩn bị một triển lãm riêng về đồng bằng sông Cửu Long. Dự trại lần này, anh sáng tác 2 tác phẩm chủ đề . Chính nét tạo hình mộc mạc tạo nên độ tinh tế của Dương Sen. Những con cá trong nền trầm nâu của màu đất lúc ẩn, lúc hiện thể hiện sức sống của một vùng đất phương Nam trù phú nhưng khốc liệt. Sông nước Nam bộ trong tranh của Dương Sen không trải dài bằng một màu xanh ngút mắt. Ở đó là một cõi nhân sinh của một vùng đất, của những đời người đơn độc, âm ỉ, lắng đọng…

Họa sĩ Đạm Thủy, quê ở Bến Tre, lại bừng bừng một sức sống. Tranh của Thủy là một giấc mơ lãng mạn với những hình ảnh thiếu nữ nằm trên đóa sen, thấp thoáng đâu đó những đàn trâu như bay dưới nền trời mây, non nước. Bút pháp nhẹ nhàng nhưng rất ấn tượng. Thủy tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, tuổi thơ của tôi vất vả như bao đứa trẻ ở thôn quê. Tôi yêu và thương lắm những người phụ nữ miền quê tôi. Tôi muốn vẽ giấc mơ của tôi và của những người phụ nữ nghèo ở quê. Những giấc mơ của tôi đôi khi mang tính siêu thực”.

        Những ký ức về chiến tranh

Vẫn còn đau đáu với những cảm xúc từ thời chiến tranh phải kể đến 2 họa sĩ Nguyễn Hoàng và Lê Minh Châu. Từng là người lính tình nguyện trên đất Lào, họa sĩ Lê Minh Châu đã làm sống dậy một quá khứ hào hùng với 2 tác phẩm: Vượt sôngCánh đồng Chum. Tác phẩm Vượt sông óng ánh trong sắc màu xanh, trắng của những cột sóng nước từ những trái bom nổ dội, bồng bềnh trên sông là những chiến sĩ cảm tử. Cánh đồng Chum ở Xiêng Khoảng lại là một khoảnh khắc tĩnh lặng trong chiến tranh. Những chiếc Chum cổ trên cách đồng Xiêng Khoảng, bên những gương mặt hồn nhiên của lính trẻ trong phút giây lặng tiếng súng. Một góc nhìn và cảm xúc đẹp. Kỹ lưỡng, hiện thực và chân phương là bức tranh về những người lính trong một buổi ra quân của họa sĩ Nguyễn Hoàng với tình cảm nồng hậu giữa hậu phương và tiền tuyến. Nguyễn Hoàng còn thể hiện những cảm xúc tươi mới qua 2 tác phẩm Hòa thanh và Âm nhạc với những hòa sắc rực rỡ.

Có lẽ, đã khá lâu rồi các họa sĩ mới có dịp cùng sống, cùng chia sẻ và sáng tác. Từ không khí ấy, nhiều họa sĩ tham gia trại sáng tác lần này đều có những cảm hứng đặc biệt. Mỗi người mỗi vẻ, họ tìm được sự thú vị, cái hay, cái đẹp qua chính những tác phẩm của bạn bè và đồng nghiệp. Vì thế, những tác phẩm ra đời từ chuyến đi này đều là những cảm xúc tươi mới, những rung động và sự hòa điệu từ thiên nhiên, từ tình bạn thật đẹp…

VIỆT NGA

Tin cùng chuyên mục