Đầu tư tương xứng mới có tác phẩm đích thực

Đầu tư tương xứng mới có tác phẩm đích thực

Họa sĩ - Nhà giáo nhân dân Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM:

Giới mỹ thuật TPHCM gần đây có phần sôi động với nhiều sự kiện nóng. Đó là phiên đấu giá tranh nghệ thuật lần đầu tiên được tổ chức, đồng thời đánh dấu sự ra đời của sàn đấu giá mỹ thuật đầu tiên tại Việt Nam - Lythi Auction; cùng với Festival Mỹ thuật trẻ 2017, cuộc thi họa sĩ trẻ chuyên nghiệp (V.Art) cũng đang vào giai đoạn nước rút, với giá trị đầu tư và giải thưởng lên đến hơn 2,5 tỷ đồng… Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với họa sĩ, NGND Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM xung quanh vấn đề này.

Họa sĩ - NGND Uyên Huy

* PHÓNG VIÊN: Ông nhận định thế nào về cuộc thi họa sĩ trẻ chuyên nghiệp lần đầu tiên tổ chức đang được dư luận quan tâm?

- Họa sĩ, NGND UYÊN HUY: Cuộc vận động tác mỹ thuật dành cho các tác giả trẻ toàn quốc là sự kiện mà Hội Mỹ thuật TP rất hoan nghênh và chỉ đạo Câu lạc bộ (CLB) Mỹ thuật trẻ phối hợp với Nguyên Gallery thực hiện. Đã có 161 hồ sơ của các tác giả trẻ nộp về và hội đồng đã tuyển chọn được 20 tác giả. Sau tháng 1-2017, các tác giả sẽ nộp tác phẩm để V.Art tổ chức trưng bày tại TPHCM. Dự kiến, trong cuộc triển lãm vào tháng 2, nếu kết quả tốt, 3 tác giả sẽ được chọn trao giải nhất, nhì và ba. Mức đầu tư, nuôi dưỡng, kích thích sức sáng tạo của từng tác giả đoạt giải rất đáng hoan nghênh. Tác giả đoạt giải nhất sẽ được mua tác phẩm, có một chuyến tham quan Singapore, hỗ trợ sáng tác trong 5 năm và thương lượng mua tác phẩm… với trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Tác giả đoạt giải nhì cũng được động viên như thế với mức đầu tư là 1,5 tỷ đồng. Tác giả đoạt giải ba được đầu tư 1 tỷ đồng.

Về mặt chuyên môn, chúng tôi coi đây là tín hiệu tốt, cho thấy sự trân trọng tài năng thực sự và quan tâm đến thương hiệu Việt Nam trong các sáng tác trẻ.

* Vì sao giới nghệ thuật các nước khu vực đánh giá cao giá trị nghệ thuật các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam, trong khi tranh Việt lại quá ít cơ hội quảng bá ra nước ngoài, thưa ông? 

- Khả năng sáng tạo thực sự của nghệ sĩ Việt Nam rất lớn. Lịch sử đã minh chứng điều này gần một thế kỷ qua. Giới mỹ thuật chúng ta chỉ bị mất uy tín sau năm 1986 do nạn sao chép tranh và tranh giả. Di hại này vẫn còn kéo dài làm ảnh hưởng đến những nghệ sĩ chân chính. Nghệ sĩ và nghệ sĩ giả muốn làm giàu nhanh bằng con đường bất chính thì khó mà tồn tại. Nó cũng là di chứng của sự mất lòng tự trọng và tính trung thực. Bản thân hội chuyên ngành và nhà quản lý chưa có cách nào ngăn chặn chuyện này. Cơ quan quản lý nhà nước gần như “thả nổi”. Công ước Berne vào Việt Nam nhưng sự phối hợp giữa chúng ta và quốc tế còn khá mờ nhạt.

Dù vậy, tài năng và giá trị nghệ thuật thật sự của nghệ sĩ chân chính không thể phủ định. Vì còn coi văn hóa nghệ thuật là phi sản xuất, là thứ ăn theo, đầu tư kém… nên mỗi nghệ sĩ phải “tự bơi”, cho nên nói tới quảng bá văn học nghệ thuật dường như là chuyện khá mơ hồ. Thực tế nhãn tiền là sau hơn 30 năm đất nước đổi mới, cho đến năm 2017, chúng ta vẫn chưa có, hay nói rõ hơn là không có một thiết chế văn hóa nào chuyên nghiệp, hiện đại. Thử đếm xem qua 30 năm, chúng ta đã có được bao nhiêu cuộc giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế, trong nước và quốc tế được nhà nước đầu tư và gây tiếng vang?

* Ông nhận định thế nào về xu hướng sáng tác của các họa sĩ trẻ hiện nay?

- Giới trẻ ngày nay sáng tác rất tốt. Họ là những người yêu nghề, tài giỏi, đam mê sáng tạo, có thị hiếu thẩm mỹ tốt, có cái riêng thực sự. Những cái mới, cái riêng mà họ có được là do nỗ lực cá nhân, do dám nghĩ, dám làm. Chúng tôi rất tin tưởng, hoan nghênh. Những ai nghi ngờ thế hệ trẻ là không tin tưởng vào tài năng của người Việt. Có thể kể đến nhiều bạn trẻ có uy tín như Lê Kinh Tài, Lê Thiết Cương, Mai Anh Dũng, Lim Khim Katy, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Hoài Huyền Vũ, Bùi Hải Sơn, Hoàng Tường Minh, Nguyễn Hoàng Ánh… Nghệ thuật của họ luôn gắn với cái mới, với cộng đồng. Ở họ không hề có sự bảo thủ, tự kiêu và độc tôn. Đấy là những nghệ sĩ trẻ đương đại đáng trân trọng. Chính họ đang góp phần kích thích cho sức sáng tạo trẻ của thế hệ 8X, 9X… Hơn 10 năm qua, Hội Mỹ thuật TPHCM luôn động viên và trân trọng những con người này.

* Mới đây, phiên đấu giá tranh nghệ thuật đầu tiên được tổ chức và Lythi Auction - sàn đấu giá mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam đã ra mắt tại TPHCM. Những người yêu mỹ thuật hy vọng thị trường mỹ thuật tại Việt Nam sẽ thực sự hình thành và khởi sắc.

- Nỗi buồn của mỹ thuật TP nói riêng, của Việt Nam nói chung chính là sự kiện ông Vũ Xuân Chung, một Việt kiều Pháp đem tranh giả về trưng bày công khai ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Báo chí cả nước lên án. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), Sở VH-TT TP, Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức họp báo, nhưng rốt cục chủ nhân cuộc triển lãm vẫn ngang nhiên mang tranh giả, gây mất uy tín cho nền mỹ thuật Việt Nam ra đi trước sự bất lực của luật pháp. Chỉ với sự kiện nhỏ như thế mà chúng ta bó tay, làm ngơ thì nói tới “Chiến lược công nghiệp văn hóa Việt Nam từ nay đến 2020, tầm nhìn 2030” quả là mơ hồ! Chúng ta thực hiện chiến lược này bằng cái gì, bằng cách nào khi mà Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM thì vá víu, không hiện đại lẫn chuyên nghiệp, người quản lý không có, không hề hiểu gì về chuyên môn. Chúng ta quy hoạch gì khi không hề nói tới nhà trưng bày, không gian triển lãm, không gian tổ chức hội chợ, nhà đấu giá tác phẩm mỹ thuật chuyên nghiệp?

Cuối năm 2016, TPHCM xuất hiện vài cuộc đấu giá tác phẩm mỹ thuật (vì nghệ thuật đơn thuần và gây quỹ từ thiện) do Lythi Auction tổ chức là tín hiệu vui. Mặc dù giới chuyên nghiệp cho rằng giá tranh còn “ảo” nhưng đây là việc làm rất tốt của chủ nhân Lythi Auction. Hy vọng những năm tới, TP sẽ tiếp tục xuất hiện thêm những tổ chức hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, hiện đại như vậy.

MINH AN thực hiện

Tin cùng chuyên mục