Vi phạm an toàn thực phẩm vẫn còn nhức nhối

Sáng 26-7 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương phối hợp với Báo Lao động tổ chức hội thảo “Hành động để dân được sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn” trước tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi... diễn ra tràn lan, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
Vi phạm an toàn thực phẩm vẫn còn nhức nhối

(SGGPO).- Sáng 26-7 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương phối hợp với Báo Lao động tổ chức hội thảo “Hành động để dân được sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn” trước tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi... diễn ra tràn lan, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.

Quang cảnh buổi hội thảo

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ “tuyên chiến” với salbutamol (tăng trọng), kết quả sau 6 tháng đầu năm, tình trạng vi phạm về sử dụng chất salbutamol đã giảm xuống chỉ còn khoảng 0,42% nhưng tỷ lệ mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép vẫn chiếm 1,3%; mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh là 5,3%; tình trạng vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả vẫn chưa đạt mong muốn (mặc dù đã có chuyến biến) với 3,98% mẫu vi phạm.

Trao đổi với báo giới bên lề hội thảo, ông Nguyễn Như Tiệp khẳng định Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công thương và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an tổ chức triệt phá các đường dây nhập lậu, vận chuyển và tiêu thụ, sử dụng các chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi để lập lại trật tự về an toàn vệ sinh thực phẩm và nông sản.

Các giải pháp được nhiều tham luận nêu ra là cần thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất nông sản, thực phẩm sạch theo hướng đổi mới công nghệ chế biến, giết mổ. Tạo cơ hội cho người tiêu dùng nói không, tẩy chay sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở làm ăn bất chính, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, ủng hộ các đơn vị làm ăn nghiêm túc. Đặc biệt cần áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng thực phẩm và công khai minh bạch về thông tin, truy xuất “đầu vào” gồm nguồn nguyên liệu, kháng sinh, tạp chất... để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục