Thế giới blog : Chênh vênh sáng tối

Thế giới blog : Chênh vênh sáng tối

Nguyên gốc thì blog (hay gọi đúng là weblog) có nghĩa là một tập san cá nhân trực tuyến, một quyển nhật ký dựa trên nền web hay một bản tin trực tuyến nhằm thông báo những sự kiện xảy ra hàng ngày về một vấn đề gì đó. Thế nhưng trên thực tế, sự phát triển blog hiện nay đã vượt xa định nghĩa trên.

  • Thế giới của blog

Ngày 19-11-2006, tại TPHCM đã diễn ra một buổi lễ trao tặng hơn 2.000 cuốn sách cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, những người tham gia buổi lễ còn tổ chức các chương trình như đấu giá sách, bán một số sản phẩm liên quan đến sách để góp quỹ xây dựng các tủ sách cho trẻ em ở những vùng có hoàn cảnh khó khăn với khẩu hiệu “Trẻ em vùng xa có sách, chúng ta có nhau”.

Một chương trình từ thiện lớn và ý nghĩa như vậy có được chính là nhờ những bloggers (những người viết blog) tổ chức. Thông qua các blog, những bạn trẻ này đã làm quen với nhau, qua đó tập hợp những người bạn có cùng suy nghĩ, có điều kiện để tổ chức nên chương trình đầy ý nghĩa như trên.

Thế giới blog : Chênh vênh sáng tối ảnh 1

Ảnh kêu gọi tham gia góp sách cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên một blog. Ảnh: A.V.

Blog xuất hiện tại Việt Nam khá muộn so với một số quốc gia khác do giới hạn bởi công nghệ. Thế nhưng, cùng với sự phát triển vũ bão của CNTT trong nước sau đó, blog cũng nhanh chóng trở thành một hiện tượng phát triển mang tính đột biến nhất là khi việc tạo một blog trở nên cực kỳ đơn giản.

Hiện nay, không ai có thể thống kê được thế giới blog tại Việt Nam có bao nhiêu thành viên, chỉ biết một điều là không có bất kỳ một giới hạn nào cho các bloggers, đó có thể là một học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, Việt kiều, giám đốc, bộ đội, công an, thậm chí có rất nhiều bloggers là người nước ngoài rành tiếng Việt cũng tham dự vào cộng đồng blog Việt Nam như một người Việt. Blog cũng không có biên giới, vào một blog có chút tên tuổi bạn có thể tìm thấy trong danh sách bạn bè những bloggers ở khắp nơi từ Mỹ, Pháp, Anh, Bỉ… đến cả những nơi xa xôi…, Nói tóm lại ở đâu có mạng Internet là ở đó có bloggers!

  • Ranh giới của bóng đêm

Khoảng tháng 9-2006, toàn bộ giới bloggers tại Việt Nam rúng động trước một sự kiện, sự kiện này ngay sau đó còn gây xôn xao dư luận xã hội. Tất cả bắt đầu khi blog của một bloggers tên CuongOZ đăng một loạt 10 bài viết dưới dạng phóng sự nhan đề Dân chơi Hà thành.

Các bài viết đã miêu tả kỹ lưỡng về thể loại cũng như mức độ ăn chơi của giới trẻ Hà Nội hiện nay: từ các kiểu tóc kỳ dị nhất, các kiểu xe ô tô “hot” nhất cho đến các tay đua xe hàng đầu, các cô gái ăn chơi số 1 ở Hà Nội... Điều gây sốc là trong đó có rất nhiều ảnh sex ở các mức độ khác nhau, và đều chú thích rất cụ thể: nhân vật trong ảnh họ tên gì, ở đâu, làm gì... trong đó có cả ảnh nhiều cô gái được ghi chú là nữ sinh trung học Hà Nội đang trong những tư thế khiêu dâm.

Những cái tên trường, tên người có trong các bài viết này trở thành “nổi tiếng” gây những hậu quả xã hội tiêu cực. Mới đây nhất vào dịp cuối năm 2006, giới blog lại chứng kiến một vụ “blog chiến” giữa các bloggers Hà Nội và TPHCM khi một blog của một cô gái có tên “Bé Crys” viết một bài ngắn chê bai khẩu vị và cung cách phục vụ của các quán ăn tại Hà Nội gây bất bình cho các bloggers xứ Hà thành. Cuộc chiến này rầm rộ đến nỗi đài BBC của Anh cũng đã thực hiện một bài phỏng vấn Bé Crys với kết quả cuối cùng là tác giả blog trên đã thể hiện những suy nghĩ quá trẻ con của mình (?!).

Ưu điểm lớn nhất của blog là tính tự do tuyệt đối và đây cũng trở thành nhược điểm biến thế giới blog có nguy cơ trở thành một thế giới đen theo nhiều nghĩa. Bên cạnh nhiều blog mang ý nghĩa tốt xuất hiện nhan nhản những blog xấu kiểu như những blog “khoe hàng” nơi nhiều thanh niên nam, nữ phơi bày những tấm ảnh nóng bỏng của chính mình.

Thậm chí có nhiều blog còn là nơi tập hợp những thành phần cá biệt để tổ chức đua xe, trộm, cướp, bỏ nhà đi hoang, thậm chí có blog dành riêng để bình luận đánh đề!… Và một điều đáng chú ý nhất là tất cả những hoạt động dù tốt hay xấu của thế giới blog trong nước với dân số đã lên đến con số triệu người này hoàn toàn nằm ngoài mọi quản chế của nhà nước hay quy phạm đạo đức của xã hội.

  • Quản lý blog: Không thể chỉ bằng pháp luật

Thế giới blog : Chênh vênh sáng tối ảnh 2

Vào Internet và tạo blog là mốt của giới trẻ hiện nay.

Nhiều người cho rằng blog là một dạng nhật ký cá nhân, nghĩa là chuyện riêng tư không nên quản lý nhưng trên thực tế blog đã trở thành một kênh giao tiếp xã hội.

Blog có vai trò như vậy dĩ nhiên cần phải có quản lý của nhà nước, tuy nhiên, xét về mọi phương diện thì việc quản lý theo các phương thức hành chính hầu như không khả thi. Về kỹ thuật, không có biện pháp nào ngăn chặn, kiểm soát hàng triệu blog của người Việt đang tồn tại nhan nhản trên hệ thống mạng toàn cầu như hiện nay. Ngay chính phủ Mỹ dù được trang bị các công nghệ tiên tiến nhất, kinh phí hàng năm lên đến cả chục tỷ USD cũng không cách nào ngăn chặn các blog ủng hộ khủng bố đang hoạt động.

Thế nhưng, không phải không có cách đưa hoạt động của blog đi theo định hướng tốt đẹp. Lấy ví dụ như việc blog của CuongOZ, nếu trước đó chúng ta đã có hàng trăm blog nói về những hoạt động của thanh niên Hà Nội như blog nêu những tấm gương về học tập, blog kể các câu chuyện về thanh niên giúp dân… thì sự xuất hiện của một blog nêu mặt xấu cũng sẽ mau chóng chìm vào lãng quên.

Tổ chức những cuộc thi blog hay, blog có ích, tôn vinh những trang blog, bloggers đóng góp cho xã hội như trường hợp bloggers tặng sách kể trên… Hỗ trợ và khuyến khích những blog lành mạnh sẽ là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn, giảm thiểu những blog xấu đang có khuynh hướng bùng phát như hiện nay. 

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục