TP Hồ Chí Minh: Khiếp đảm “công nghệ” trồng rau muống

TP Hồ Chí Minh: Khiếp đảm “công nghệ” trồng rau muống

Với gần chục loại thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, các lão nông trồng rau muống khu vực phường Thạnh Xuân, quận 12 và phường Tam Bình, quận Thủ Đức TPHCM coi như “bảo bối” để gặt hái rau quanh năm. Chưa hết, dầu nhớt thải cũng được xem như một vị “thần dược” để tiêu diệt rầy và giúp rau muống không ngừng đâm chồi, vươn cành, xanh lá. Ở TPHCM, hiện có hơn 100ha ruộng rau muống được trồng bằng một loại “công nghệ” như vậy.

Cứ dầu nhớt, thuốc trừ sâu là tốt cành, xanh lá

Mặc dù đã gần đứng bóng trưa, nhưng trên những đám ruộng rau muống thuộc tổ 29 khu phố 2 phường Thạnh Xuân, quận 12 vẫn còn nhiều nông dân đang chăm bón cho rau. Hàng chục hécta ruộng rau muống san sát nhau và đều được tưới tắm chung một nguồn nước đen ngòm, luôn bốc mùi hôi thối được dẫn về từ kênh Tham Lương.

TP Hồ Chí Minh: Khiếp đảm “công nghệ” trồng rau muống ảnh 1

Những người trồng rau phun tưới hàng chục loại hóa chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Tg.L

Vừa bốc từng nắm phân đạm 3 màu vung đều trên đám ruộng rau muống, anh Ba X. vừa mau miệng: “Đây là bón phân dặm, còn chăm bón chính vẫn là thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng thì rau mới sớm thu hoạch và trông bắt mắt”.

Anh X. giới thiệu cho chúng tôi với Nguyễn Văn T., một lão nông có tiếng trồng rau “mát tay”, với 8 công ruộng cho thu hoạch đều đều mỗi lứa 20 ngày. Theo ông T., khi rau muống lên 8-9 ngày là phải phun ngay thuốc trừ sâu Reasgant 1.8EC để ngăn ngừa mầm móng sâu phát sinh. Nếu biện pháp này không mấy hiệu quả thì khi rau được 10-12 ngày phun thêm Visher, một loại thuốc trừ sâu nồng độ cao hơn để tiêu diệt sâu bệnh.

Thế nhưng, đó chỉ mới là thuốc trừ sâu, còn nếu rau muống bị bệnh thì phải liên tục phun các hóa chất khác để chữa trị. Không dừng lại ở đó, để có thể cho một lứa rau thu hoạch mà cọng thì mập, lá xanh nhờn và thân mềm mại thì phải phun xịt thêm các hóa chất dưỡng cây khi cận ngày thu hoạch như HVP 301.N Super, TUMA và hàng loạt hóa chất không tên khác xuất xứ từ Trung Quốc.

Một điều đáng nói nữa là những người trồng rau muống còn sử dụng cả dầu nhớt thải ra từ xe máy để tạt lên ruộng rau. Theo một số nông dân trồng rau muống ở tổ 29 khu phố 2 phường Thạnh Xuân, rau muống thường bị rầy phá nên sau mỗi lần thu hoạch, khi rau trơ lại còn gốc thì phải hòa dầu nhớt với nước lã để tưới lên cho rầy bị dính cánh mà chết (!). Trên đây là những điều thực tế mà chúng tôi ghi nhận được ngày hôm qua 12-10, tại phường Thạnh Xuân quận 12, TPHCM.

Kiểm soát: bó tay!

Không chỉ phường Thạnh Xuân quận 12 mà một số khu vực khác ở các phường Tam Bình, Tam Phú, Linh Đông quận Thủ Đức, một số khu vực huyện Bình Chánh, Hóc Môn cũng bạt ngàn ruộng rau muống được trồng với “công nghệ” tương tự.

Tại buổi giám sát của HĐND TPHCM với Sở NN-PTNT mới đây, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM Nguyễn Văn Đức Tiến thừa nhận, hiện TP còn cả trăm hécta rau muống được trồng không đảm bảo vệ sinh. Kết quả phân tích từ một số cơ quan chức năng cũng cảnh báo dư lượng thuốc trừ sâu trên rau muống đã đến mức báo động. Một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể gần đây theo ghi nhận của Sở Y tế cũng xuất phát từ việc ăn rau muống không đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, việc kiểm soát hiện vẫn là bài toán nan giải.

Bà Lê Thị Hồng Nga, Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân quận 12, thừa nhận, hiện toàn phường có 135ha trồng rau thì rau muống đã hơn 100ha, tập trung chủ yếu ở khu phố 1 và 2. Dân trồng rau phun xịt thuốc gì, lúc nào cũng chẳng…biết đâu mà lần.

Tại cuộc họp với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP hồi cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo UBND quận Thủ Đức cũng “ngán ngẩm” vì vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với rau muống chưa được kiểm soát. Thủ Đức hiện có 136ha rau muống, chủ yếu tập trung ở phường Tam Bình, Tam Phú, Bình Chiểu.

Qua kiểm tra của Chi cục Bảo vệ thực vật thì hầu hết những đám ruộng rau muống trên các địa bàn này đều nhiễm Ecoli (vi khuẩn gây tiêu chảy), một số mẫu rau muống có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép và cả nhiễm chì.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP, biện pháp cơ bản hiện nay vẫn là tuyên truyền, mở lớp tập huấn về VSATTP cho người trồng rau muống. Tuy nhiên, về lâu dài cần có biện pháp chế tài để chấn chỉnh, thậm chí cần phải cấm trồng rau muống ở những khu vực ô nhiễm, có nồng độ hóa chất, thuốc trừ sâu, kim loại nặng cao và cải tạo chuyển đổi cây trồng. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục