Bộ GTVT đã “cởi trói” cho các trường dạy lái xe

Bộ GTVT đã “cởi trói” cho các trường dạy lái xe

Cục Đường bộ Việt Nam vừa ban hành một văn bản theo đó chính thức điều chỉnh một số bất cập liên quan đến việc đào tạo trong hoạt động dạy lái xe ô tô trên địa bàn TPHCM.

Bộ GTVT đã “cởi trói” cho các trường dạy lái xe ảnh 1
Thực hành lái xe tại Trường Đào tạo lái xe Tiến Bộ.

Văn bản số 2540/CĐBVN-QLPT&NL do Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) Nguyễn Văn Quyền ký ngày 26-6 vừa qua tiếng là để trả lời các kiến nghị nêu trong công văn số 216/SGTCC-SHLX của Sở Giao thông Công chính TPHCM (nay đổi tên là Sở Giao thông Vận  tải - SGTVT), nhưng thực chất là để “sửa sai” một số bất cập của quy chế quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ ban hành kèm theo Quyết định 55/2007/QĐ-BGTVT ngày 7-11-2007 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Còn nhớ một trong những điểm gây nhức nhối nhất - không chỉ làm “mệt mỏi” cho các cơ sở đào tạo (CSĐT) lái xe mà còn làm khốn khó cho đông đảo người dân có nhu cầu học lái xe ô tô tại thành phố lớn nhất nước - đó là Cục ĐBVN, đùng một cái khống chế buộc các CSĐT áp dụng quy định mới về lưu lượng đào tạo lái xe.

Theo đó thay vì mỗi xe tập lái bằng B2 được dạy thực hành 10 học viên/khóa học thì chỉ tiêu mới giảm xuống chỉ còn 6,75 học viên/xe/khóa học, tức là mức giảm suýt soát 30%. Hệ quả của sự “đổi mới” này là phát sinh tình trạng người dân phải xếp hàng rồng rắn chỉ để… chờ tới lượt đi thi.

Bức xúc bởi vì đó là tình trạng đã xảy ra ở đều khắp tất cả các CSĐT lái xe trên địa bàn thành phố, dù CSĐT tên tuổi lớn bé cỡ nào cũng bị, thậm chí có không ít CSĐT mà danh sách thi đã vắt dài dày đặc suốt từ giữa năm 2008 đến cuối năm 2009!

Văn bản số 2540 thừa nhận nhu cầu học lái xe ô tô trên địa bàn TPHCM tăng cao nhưng do năng lực đào tạo hiện tại của các CSĐT lái xe tăng chậm vì thế đã khiến cho việc tổ chức thực hiện chỉ tiêu 6,75 học viên/xe/khóa học trở nên… chưa phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Và đó là hoàn cảnh ra đời của văn bản số 2540 nêu trên.

Theo đó, Sở GTVT TPHCM có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn để các CSĐT lái xe ô tô trên địa bàn thực hiện theo như lưu lượng đã được cấp phép trước ngày Quyết định 55 có hiệu lực.

Cách tính cụ thể là lưu lượng đào tạo của các CSĐT khi cấp phép được tính bằng số lượng xe tập lái nhân với định mức số người học thực hành trên một xe và nhân thêm hệ số 2 để các khóa học được học “gối đầu” cả lý thuyết lẫn thực hành.

Tuy nhiên Phó Cục trưởng Cục ĐBVN Nguyễn Văn Quyền không quên nhấn mạnh các CSĐT phải chú ý phân bổ học viên hợp lý để đảm bảo lưu lượng đào tạo thực tế của cả lý thuyết lẫn thực hành tại mỗi thời điểm không vượt quá lưu lượng ghi trên giấy phép đã cấp.

Trong công văn số 265/SGTCC-SHLX do Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Dương Hồng Thanh ký ngày 4-7 giải thích rõ và dễ hiểu hơn những thay đổi nêu trong văn bản 2540. Theo đó, số người học thực hành định mức trên một xe tập lái theo Quyết định 56/2007.QĐ-BGTVT là 5 người đối với hạng bằng lái B1 và B2 nay sẽ được nhân thêm hệ số 2, tức thành 10 học viên thực hành/xe/khóa.

Cả văn bản 2540 của Cục ĐBVN lẫn công văn số 265 của Sở GTVT thành phố đều ghi chú rất rõ yêu cầu các CSĐT phải bố trí kế hoạch dạy tăng thêm so với quỹ thời gian làm việc trong ngày, trong tuần mà biện pháp là cần tăng ca, bố trí học cả vào các ngày thứ bảy, chủ nhật.

Dân trong nghề giải thích cô đọng hơn: nếu theo chỉ tiêu 6,75 học viên thì thời gian làm việc trong ngày chỉ là 8 giờ suốt các ngày trong tuần trừ ngày chủ nhật, nay áp dụng theo tinh thần “cởi trói” nêu trong các văn bản 2540 và 265 thì thời gian làm việc trong ngày sẽ là 10 giờ và suốt 7 ngày trong tuần.

Hầu hết các CSĐT lái xe trên địa bàn TPHCM dĩ nhiên đều đón nhận chỉ đạo mới của ngành trong tâm trạng thở phào như vừa trút được gánh nặng vốn đè nén họ suốt từ tháng 3 đến nay – thời điểm bắt đầu có hiệu lực áp dụng chỉ tiêu 6,75.

Tuy nhiên lãnh đạo nhiều trường dạy lái xe từ chối nêu danh tính cũng nhấn mạnh rằng: Người dân-học viên bây giờ vẫn còn tiếp tục bị ảnh hưởng “tàn dư” của chỉ tiêu 6,75 thêm một thời gian khoảng 6-7 tháng nữa, trước khi guồng quay đào tạo thực sự trở lại nhịp bình thường như trước kia, tức là trước khi thực sự chấm dứt hình ảnh người dân phải rồng rắn xếp hàng chờ lượt thi.

Trên thực tế, nhiều CSĐT cho biết nhờ sự “sửa sai” kịp thời này của Cục ĐBVN, những người lẽ ra nằm trong danh sách thi vào cuối năm 2009 nay đã có thể được đưa vào lịch thi của tháng 1 - 2-2009, tính ra tiết kiệm thời gian chờ đợi tròm trèm 12 tháng.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục