Cần luật hóa ngôn ngữ ở Việt Nam

Ngày 26-11, Viện Ngôn ngữ học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo "Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế", với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học và những người quan tâm đến ngôn ngữ trên cả nước.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra 123 bài nghiên cứu, tập trung vào 5 vấn đề chủ yếu gồm: mối quan hệ giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong sự phát triển toàn diện của đất nước; vị thế của tiếng Việt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vấn đề bảo vệ, phát triển và hiện đại hóa tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia; vai trò và chức năng của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; toàn cầu hóa và vấn đề sử dụng, dạy - học ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay.

Là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người, ngôn ngữ không chỉ có chức năng phản ánh xã hội mà còn có chức năng tác động đến xã hội. Vì thế, sự thay đổi của đất nước và những biến động của thế giới trong suốt 20 năm qua đã và đang tác động mạnh mẽ tới hệ thống cấu trúc cũng như chức năng của tiếng Việt, tới các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và các ngôn ngữ khác đang được sử dụng và học tập ở Việt Nam với tư cách là ngoại ngữ. Đồng thời, tiếng Việt và các ngôn ngữ này cũng tác động mạnh mẽ trở lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong 20 năm qua, lý thuyết về ngôn ngữ học nói chung, về chính sách ngôn ngữ nói riêng đã có sự thay đổi, phát triển. Theo cách nhìn truyền thống, chính sách ngôn ngữ chỉ được nhìn nhận là một bộ phận của chính sách dân tộc. Ngày nay, chính sách ngôn ngữ có quan hệ đến hàng loạt các vấn đề như dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng... và trở thành một nội dung mang tầm chiến lược khi đề cập đến chính sách của quốc gia với các vấn đề này. Vấn đề lập pháp ngôn ngữ ở Việt Nam cho đến nay mới chỉ dừng lại ở 2 đầu nút là Hiến pháp thể hiện tại các điều khoản về dân tộc, văn hóa, giáo dục... và cơ quan hành pháp thể hiện ở các nghị định, chỉ thị của Chính phủ, quy định của một số bộ hoặc cơ quan ngang bộ. Có thể vì thế mà các nội dung về lập pháp ngôn ngữ chưa được giải quyết thống nhất.

GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng, chính sách ngôn ngữ của Việt Nam hiện nay cũng như trong 10 năm tới (2011-2020) cần phải là chính sách ngôn ngữ thực tế, hài hòa, phù hợp với cảnh huống ngôn ngữ và những khả năng biến đổi thực tế của nó, tránh rơi vào 2 kiểu chính sách ngôn ngữ cực đoan - hoặc là theo hướng nhất thể hóa hoặc theo hướng biệt lập hóa. Chính sách ngôn ngữ Việt Nam phải theo loại hình đa ngữ với các hình thức song ngữ khác nhau. Đã đến lúc Nhà nước cần sớm nghiên cứu xây dựng ngay bộ luật về ngôn ngữ, trong đó quy định rõ vị thế của mỗi ngôn ngữ trong hệ thống giao tiếp của cộng đồng người Việt Nam theo các cấp bậc chức năng xã hội của từng ngôn ngữ./.

Hoàng Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục