Phù phép biến tài sản công thành tư

Phù phép biến tài sản công thành tư

“Ông Nguyễn Hoàng Viễn và vợ của mình là bà Nguyễn Thị Hồng Vân có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong thời gian điều hành hoạt động, đã gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng cho Công ty TNHH MTV 27-7 TPHCM”, lãnh đạo Chi nhánh Khu Du lịch Sinh thái biển Hòn Ngọc Phương Nam (viết tắt KDL Hòn Ngọc Phương Nam, trực thuộc Công ty TNHH MTV 27-7 TPHCM) nêu trong đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng.

Bảo vệ của KDL Hòn Ngọc Phương Nam ngăn cản không cho đại diện Công ty 27-7 vào để niêm phong tài sản của công ty tại nơi này vào ngày 30-10-2015

Tài sản nhà nước bị “sang tay”

Theo trình bày của ông Phan Công Trình, Quyền Giám đốc Chi nhánh KDL Hòn Ngọc Phương Nam, ông Nguyễn Hoàng Viễn nguyên là Giám đốc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV 27-7 TPHCM (viết tắt Công ty 27-7, lúc trước trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, nay trực thuộc UBND TPHCM). Bên cạnh phần đất Công ty 27-7 thực hiện kè lấn biển gần 15.900m² tại xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) là khu đất diện tích hơn 9.400m² của bà Nguyễn Thị Hồng Vân (vợ ông Viễn, công tác tại Ban Quản lý dự án Công ty 27-7 từ năm 2002 đến 2012).

Ngày 15-8-2005, ông Viễn đại diện cho Công ty 27-7 ký hợp đồng liên kết hợp tác kinh doanh với bà Vân về việc hợp tác xây dựng và khai thác KDL Hòn Ngọc Phương Nam tại xã Long Hòa. Thực hiện hợp đồng, bà Vân góp vốn hơn 5,7 tỷ đồng gồm chi phí sử dụng khu đất của bà, trang trí kiến trúc, mua sắm trang thiết bị...; Công ty 27-7 bỏ ra chi phí làm kè lấn biển và đầu tư xây dựng công trình, vật kiến trúc, lắp đặt nội thất bên trong với tổng trị giá hơn 12,5 tỷ đồng. Phần đầu tư xây dựng công trình được thực hiện không chỉ trên phần đất Công ty 27-7 thực hiện kè lấn biển mà còn cả trên phần đất của bà Vân. Dù quy định trong hợp đồng là thời gian kinh doanh ít nhất 20 năm kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động, nhưng mới chỉ đến ngày 31-12-2008 hai bên đã vội vàng thanh lý hợp đồng.

Ngay sau đó, ngày 2-1-2009, ông Nguyễn Hoàng Viễn tiếp tục đại diện Công ty 27-7 ký với bà Nguyễn Thị Hồng Vân hợp đồng thuê mặt bằng. Theo đó, bà Vân cho Công ty 27-7 sử dụng mặt bằng và công trình xây dựng trên khu đất gần 10.800m² trong thời gian 5 năm. Điều bất ngờ là hợp đồng quy định sau khi hết hạn hợp đồng, Công ty 27-7 để lại những khoản đầu tư ban đầu (phần đất gần 15.000m² và chi phí đầu tư hơn 12,5 tỷ đồng - PV) cho bà Vân, và ông Viễn đã đặt bút ký vào bản hợp đồng đầy bất lợi cho Công ty 27-7.

Cần làm rõ sai phạm

Sau khi kết thúc hợp đồng, Công ty 27-7 nhiều lần có văn bản đề nghị bà Vân giao trả tài sản nhà nước mà công ty đã đầu tư vào KDL Hòn Ngọc Phương Nam. Tuy nhiên, dựa vào điều khoản trên, bà Vân cản trở không cho Công ty 27-7 vào quản lý, khai thác KDL Hòn Ngọc Phương Nam, dẫn đến công ty phải tạm ngưng hoạt động kinh doanh từ đầu tháng 4-2015. Điều này khiến Công ty 27-7 bị thiệt hại doanh thu tạm tính đến tháng 7-2016 là hơn 1,3 tỷ đồng; đồng thời ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người lao động trong công ty, trong đó có những người lao động khuyết tật và con em gia đình diện chính sách.

Bên cạnh bức xúc về việc bà Vân chiếm đoạt tài sản của Công ty 27-7, nhiều người lao động của công ty tố cáo hành vi của ông Viễn có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng (có hiệu lực từ ngày 1-6-2006). Theo đó, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp; cán bộ, công chức, viên chức là thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột...

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Hồng Hậu, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp TPHCM (tổ chức Đảng cấp trên của chi bộ của Công ty 27-7 từ năm 2013, ông Viễn từng là Bí thư của chi bộ này - PV), cho biết: Nội dung dư luận phản ánh là có thật, tuy nhiên sai phạm của ông Viễn như thế nào phải do cơ quan chức năng làm rõ và kết luận. Vì vợ chồng ông Viễn hiện đã xin ra khỏi Đảng nên Đảng ủy Khối doanh nghiệp TPHCM không thể kiểm tra dấu hiệu vi phạm và ra quyết định xử lý kỷ luật trong trường hợp có vi phạm. Theo bà, chi ủy của chi bộ phải có nghị quyết và cùng hội đồng thành viên báo cáo vụ việc nghiêm trọng trên cho UBND TPHCM; bởi tại doanh nghiệp nhà nước đã xảy ra tình trạng cá nhân lợi dụng vị trí lãnh đạo để chiếm đoạt, biến tài sản nhà nước thành tài sản của mình.

Ngày 30-8-2016, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản gửi TAND TPHCM, UBND huyện Cần Giờ, TAND huyện Cần Giờ, Công ty 27-7 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm như sau: Đề nghị Chánh án TAND TPHCM chỉ đạo TAND huyện Cần Giờ khẩn trương giải quyết vụ án tranh chấp tài sản tại KDL Hòn Ngọc Phương Nam theo đúng quy định; giao UBND huyện Cần Giờ theo dõi, giám sát, đôn đốc các bên liên quan khẩn trương giải quyết tranh chấp tại KDL Hòn Ngọc Phương Nam theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả cho UBND TPHCM. Tuy nhiên, đến nay vụ việc tranh chấp vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Trước đó, lãnh đạo UBND TPHCM cũng đã giao Thanh tra TPHCM chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Cần Giờ, TAND huyện Cần Giờ, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Công ty 27-7 và các đơn vị liên quan thực hiện việc thanh tra toàn diện việc tranh chấp về tài sản tại KDL Hòn Ngọc Phương Nam của Công ty 27-7.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục