Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, UVBCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau: “Dân yên, Đảng ổn”

Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, UVBCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau: “Dân yên, Đảng ổn”

Nhân dịp Báo SGGP phối hợp với tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị tăng cường phối hợp thông tin và phát hành Báo SGGP vào ngày 17-6-2009, PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.

* PV: Sau 8 tháng nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đánh giá như thế nào về công tác xây dựng Đảng ở Cà Mau?


* Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Khanh:
Tuy không là tiêu chí chung để đánh giá, nhưng chúng tôi nhận thức rằng, vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng được thể hiện gói gọn trong 4 chữ “Dân yên, Đảng ổn”, đó là làm sao để kinh tế xã hội phát triển; thu ngân sách tăng - hộ nghèo giảm; đối tượng chính sách được chăm lo; sự đoàn kết thống nhất ý chí, tư tưởng trong nội bộ tăng và lan tỏa ra ngoài đã tạo sự đồng thuận xã hội tăng cao. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường và phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực.

Công tác cán bộ ở Cà Mau thực hiện tuy có chậm hơn so với cả nước, đến nay tỉnh cũng đã quy hoạch xong cán bộ giai đoạn 2010 -2015. Tổ chức bộ máy và cán bộ đang ổn định và nhìn chung là khá êm đẹp và có sinh khí mới trong làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tuấn Khanh (thứ 2 từ trái sang) thăm các hộ nông dân làm kinh tế giỏi.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tuấn Khanh (thứ 2 từ trái sang) thăm các hộ nông dân làm kinh tế giỏi.

* Niềm vui và mối ưu tư của đồng chí bây giờ là gì?

* Mặc dù năm 2009, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy giảm, tình hình ấy tác động tiêu cực đến kinh tế cả nước, trong đó Cà Mau cũng không tránh khỏi, nhưng do thực hiện tốt chủ trương cùng nhiều giải pháp của Bộ Chính trị và Chính phủ nên sản xuất của tỉnh vẫn tiếp tục ổn định và phát triển khá. Kết quả 5 tháng đầu năm 2009, sản lượng thủy hải sản đạt 139.000 tấn, tăng 13,6% (trong đó con tôm đạt 53.500 tấn, đạt 45% kế hoạch năm và tương đương cùng kỳ); cây lúa đạt 500.000 tấn, tăng 70.000 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp là 4.858 tỷ đồng tăng 8,7% so với cùng kỳ… Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đang nỗ lực từng ngày để năm 2011 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt đến con số ấn tượng là 1 tỷ USD. Một tín hiệu đáng mừng khác đó là từ đầu năm 2009 đến nay, tại Cà Mau đã có 251 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn là 1.204 tỷ đồng.

Có những mối ưu tư không chỉ của riêng tôi như: Làm sao để hoàn chỉnh hạ tầng và nâng chất nguồn nhân lực của xã hội trong hệ thống chính trị để Cà Mau thoát khỏi cái bóng cũ của chính mình? Làm gì để Cà Mau phát triển đúng tầm với tiềm năng của vùng đất “rừng vàng, biển bạc”? Sức ỳ của bộ máy và của một số cán bộ ở đây là có thật; một bộ phận cán bộ còn vô cảm với những khó khăn, bức xúc của nhân dân, còn ngại khó, còn xa dân; làm sao thay đổi? Chúng tôi đang nỗ lực xóa đi những ưu tư ấy bằng nhiều phương cách.

* Đồng chí nói, vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện việc làm tốt 4 chữ “Dân yên, Đảng ổn”, nghe có vẻ đơn giản, nhưng xem ra không dễ thực hiện?

* Để thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện 4 chữ “Dân yên, Đảng ổn” đó là chúng tôi đang “làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng nhiều cách. Ngoài những điều tôi đã giải thích ở trên như: thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển; thu ngân sách tăng - hộ nghèo giảm;… thì các đồng chí trong “bộ tứ” (Tỉnh ủy, HĐND, UBND và MTTQ tỉnh) phải dành 1 ngày/tuần để đi thực tế và giải quyết nhanh tại chỗ những bức xúc của dân ở cơ sở, tăng cường cải cách hành chính từ cơ sở giúp dân yên tâm với sự minh bạch của chính sách, tránh cho dân phải khiếu kiện vượt cấp. Cuộc họp giao ban hàng tuần của 4 thường trực chiều thứ hai mỗi tuần là điều kiện để các thường trực tiếp cận thêm công việc của nhiều lĩnh vực khác, trong đó có các vụ việc khó, nóng được giải quyết trong tuần. Tỉnh cũng tổ chức giao ban lãnh đạo 3 cấp (xã - huyện - tỉnh) để khắc phục sự gián đoạn trong chỉ đạo các chủ trương từ tỉnh đến xã và để tiếp sức, tỉnh đã đề ra chương trình “phụ trách xã” - mỗi đơn vị của tỉnh sẽ nhận trợ giúp toàn diện một xã nghèo, xã có đông bà con dân tộc, bên cạnh việc kéo ngắn khoảng cách vùng sâu với vùng kinh tế phát triển, cái được hơn cả đó là – cả cán bộ đến trợ giúp lẫn cán bộ nơi được trợ giúp cùng trưởng thành nhanh hơn, thì cán bộ tỉnh gần dân, sát cơ sở hơn.

* Để dân yên, chúng ta sẽ bắt đầu từ công tác cải cách hành chính (CCHC)? CCHC ở Cà Mau được thực hiện thế nào, thưa đồng chí ?

* Thời gian đầu tôi thấy chuyện gì dân ở đây cũng muốn gặp Bí thư Tỉnh ủy. Khi hỏi việc này, việc kia thì tôi phát hiện là ở đây - nhiều mặt công tác, nhiệm vụ của ngành nào, đơn vị nào làm thì chỉ có họ biết! Chưa có tiếng nói chung.

Như đã nói, nhiều vụ khiếu kiện xã, thị xử rồi nhưng họ không phục vì giải quyết chưa minh bạch, nên họ khiếu nại lên tỉnh, thậm chí khiếu kiện ra trung ương khiếu nại đòi quyền sử dụng đất. Họ muốn gặp Bí thư Tỉnh ủy. Tôi và họ trao đổi thẳng thắn trên cơ sở của pháp luật hiện hành và quyền lợi chung của cộng đồng, cuối cùng họ đều thống nhất với hướng giải quyết có lý có tình của tỉnh. Từ nhiều vụ việc bộc lộ sự non yếu về nghiệp vụ, thiếu hiểu biết về pháp luật lại sợ trách nhiệm nên giải quyết công việc theo cảm tính hoặc cứ ngồi chờ ý kiến cấp trên của một bộ phận cán bộ, khiến dân phải chờ đợi quá lâu, mất niềm tin với cán bộ tại chỗ nên bà con khiếu kiện vượt cấp.

Muốn có cải cách hành chính thật sự ở Cà Mau thì cán bộ ở đây phải chuyển biến. Và như thế lại quay về công tác cán bộ, bởi công tác cán bộ là gốc của mọi công việc, làm tốt công tác cán bộ là nhân tố, nền tảng quan trọng quyết định sự phát triển của tỉnh.

* Bà con Cà Mau đang rất phấn khích với quyết định của tỉnh - đầu năm học mới 9.318 học sinh nghèo sẽ được hỗ trợ tiền đi đò đến trường. Những chuyến đò chở chữ đang là giấc mơ đẹp của những người quan tâm đến giáo dục ở Cà Mau, đồng chí có thể nói gì về quyết định này?

* Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Tấn Sang khi đến thăm và làm việc tại Cà Mau đã chỉ đạo – “Bằng mọi giá, chúng ta không để học sinh phải nghỉ học vì không tiền đi đò đến trường”. Đó không chỉ là chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao mà đó là mệnh lệnh trái tim đối với những người cộng sản. 15 tỷ đồng là chi phí dự kiến cho các chuyến đò chở chữ trong một năm học, với sự quan tâm của trung ương, sự đồng cảm của nhiều tấm lòng nhân ái trong và ngoài tỉnh, tôi tin chúng tôi sẽ làm được điều đã hứa với dân. Và, thú thật, tôi không chỉ mơ về những con đò chở chữ mà tôi còn đang mơ đến những cây cầu nối liền những con đường đứt quãng bởi sông nước giăng ngang khắp Cà Mau. Có khoảng 1.500 cây cầu nữa, con đường đến trường của các cháu học sinh sẽ thuận lợi hơn, kinh tế xã hội của vùng đất tận cùng Tổ quốc này sẽ phát triển căn cơ và bền vững trong thời gian không xa.

* Xin cảm ơn đồng chí. 

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục