Thực hiện chất vấn trong Đảng: Yếu do “ngại đụng chạm lợi ích”

Cấp trên chưa gương mẫu
Thực hiện chất vấn trong Đảng: Yếu do “ngại đụng chạm lợi ích”

Những ngày cuối tháng 9, Hội nghị lần thứ 13 Thành ủy Đà Nẵng thu hút sự chú ý của không ít đảng viên cả nước bởi nối tiếp Quảng Ngãi và một vài địa phương khác, Đà Nẵng cũng đã thực hiện chất vấn công khai trong Đảng. Đánh giá về việc này, PGS-TS Bùi Đức Kháng (Học viện Hành chính, cơ sở TPHCM) cho rằng việc triển khai thành công Quy chế chất vấn trong Đảng (ban hành năm 2008) chính là cách phát huy dân chủ; nhìn thẳng, nói thẳng sự thật để nhanh chóng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy chất vấn tại kỳ họp HĐND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy chất vấn tại kỳ họp HĐND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cấp trên chưa gương mẫu

Tháng 6-2008, Bộ Chính trị ban hành Quy chế chất vấn trong Đảng nhằm tăng cường dân chủ và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng. Mặc dù quy chế ra đời đã 5 năm, nhưng đến nay số tổ chức Đảng thực hiện vẫn chưa nhiều.

Phân tích về việc ì ạch này, TS Hồ Bá Thâm, Phó Bí thư chi bộ 8 khu phố 2 phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, cho rằng cái khó nhất vẫn là tâm lý e ngại vì sợ đụng chạm lợi ích và nguyên nhân còn do nhận thức trong các cấp ủy chưa thông. Thực tế, nhiều cán bộ, đảng viên đương chức rất ngại phát biểu trong sinh hoạt Đảng, nhất là khi góp ý, phê bình chứ chưa nói đến chất vấn. Còn nếu trong trường hợp phải phát biểu thì thường nói chung chung để không mất lòng ai. Ngoài ra, nhiều nơi coi đây là vấn đề nội bộ, không nên “vạch áo cho người xem lưng” nhưng quan trọng nhất vẫn là do cấp trên chưa gương mẫu, chưa quyết liệt yêu cầu cấp dưới thực hiện.

“Việc đấu tranh chưa thẳng thắn, chưa thật sự vì cái chung; phát biểu còn né tránh; thậm chí có những kiểu phê bình nịnh bợ “cười ra nước mắt” đại khái như “phê bình đồng chí lãnh đạo X, Y, Z làm nhiều quá, không quan tâm đến sức khỏe vẫn còn tồn tại đây đó”, PGS-TS Bùi Đức Kháng nói.

Đánh giá việc thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Tấn Quyên cho rằng, quy chế có đã lâu nhưng chưa thực hiện rộng khắp, một phần do lâu nay chúng ta còn nể nang, quanh co, sợ trách nhiệm, chưa tự phê bình, phê bình đúng nghĩa như Bác Hồ đã nói.

Giúp Đảng gần dân hơn

Nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và một số nơi đã thực hiện thành công thì không có lý do gì các Đảng bộ tỉnh, TP khác lại không làm được việc chất vấn công khai trong Đảng. Vấn đề là làm sao để công tác này được tiến hành có nền nếp, hiệu quả? Đó là trăn trở của không ít đảng viên và quần chúng tâm huyết với Đảng.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nói: “Thực ra trong Đảng luôn phát huy dân chủ, không ai cấm đảng viên được chất vấn, cũng không ai cấm đảng viên không được nói. Nhưng để làm được thì cấp ủy phải chất vấn trước, làm gương cho cấp dưới. Người đứng đầu cấp ủy và các cấp ủy viên phải trong sạch, chủ động và thành tâm thực hiện. Bản thân người chất vấn cũng phải trong sáng, có trình độ, có khả năng thu thập, lắng nghe và tổng hợp thông tin. Nói phải đi đôi với làm - làm phải có kiểm tra, sau đó sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Nếu vì sợ trù dập mà không ai dám chất vấn thì phải xử lý. Nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra các cấp là phải kiểm tra, giám sát nội dung này”.

Theo TS Hồ Bá Thâm, không cần phải e ngại đụng chạm những vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, chất vấn trong Đảng có đặc thù riêng so với chất vấn của cơ quan nhà nước. Ngoài việc chất vấn về chức trách, nhiệm vụ mà Đảng giao phó thì đảng viên có thể chất vấn về tư cách, đạo đức, lối sống, về dư luận quần chúng đối với cán bộ lãnh đạo, về công tác đề bạt nhân sự, kỷ luật cán bộ... Ngoài ra, quần chúng, đảng viên bằng hình thức này, khác cũng có quyền chất vấn lãnh đạo cấp ủy và lãnh đạo cấp ủy phải có trách nhiệm giải trình. “Cán bộ, đảng viên đang chờ đợi những chuyển biến tích cực, những kết quả cụ thể trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực sự “phát huy dân chủ thật sự, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng” như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã đề cập, sẽ giúp Đảng có thêm năng lực, uy tín và sức mạnh, gắn bó mật thiết giữa ý Đảng với lòng dân”, TS Hồ Bá Thâm khẳng định.

* PGS-TS BÙI ĐỨC KHÁNG

"Chất vấn và trả lời chất vấn là cách làm hay để tăng cường tính dân chủ trong Đảng, để đấu tranh tự phê bình và phê bình hiệu quả, giúp Đảng gần dân hơn. Bác Hồ nói dân là gốc. Muốn dựa vào dân thì phải dân chủ, mà trước hết là phải dân chủ trong Đảng, phải công khai minh bạch, phải thực sự nghe dân, nghe đồng chí nhận xét về mình như thế nào. Muốn vậy, không có cách nào khác là phải tăng cường đối thoại, chất vấn"

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục