Bài 4: Đầu ra: Bài toán có khó?

Ở nhiều quận, huyện, do cấp ủy viên ở độ tuổi từ 45 - 50 trở lên khá đông nên khó tìm được “đầu ra” cho cán bộ giữ các chức danh chủ chốt, nhất là cấp trưởng phòng, ban, thậm chí là bí thư cấp ủy. Chưa kể, việc giải quyết chế độ, công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ không đủ tuổi tái cử, không tiếp tục tái cử nhiệm kỳ 2015-2020 (do lớn tuổi, năng lực hạn chế) cũng là bài toán khó cho nhiều cấp ủy hiện nay.
Bài 4: Đầu ra: Bài toán có khó?

Nhân sự đại hội Đảng các cấp - Từ chủ trương đến thực tế

Ở nhiều quận, huyện, do cấp ủy viên ở độ tuổi từ 45 - 50 trở lên khá đông nên khó tìm được “đầu ra” cho cán bộ giữ các chức danh chủ chốt, nhất là cấp trưởng phòng, ban, thậm chí là bí thư cấp ủy. Chưa kể, việc giải quyết chế độ, công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ không đủ tuổi tái cử, không tiếp tục tái cử nhiệm kỳ 2015-2020 (do lớn tuổi, năng lực hạn chế) cũng là bài toán khó cho nhiều cấp ủy hiện nay.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ phường 9, quận 8 diễn ra cuối tháng 2-2015.

Tâm tư

Theo quy định, những đồng chí còn từ 2 năm đến dưới 30 tháng tính đến thời điểm đại hội mới đến tuổi nghỉ hưu, có phẩm chất, năng lực, sức khỏe tốt và có nguyện vọng được tiếp tục công tác thì xem xét bố trí công tác khác trước đại hội. Những đồng chí còn dưới 2 năm mới đến tuổi nghỉ hưu, nếu không bố trí được công tác thích hợp thì có thể nghỉ công tác, giữ nguyên một số chế độ, chính sách, chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu. Những đồng chí có nguyện vọng nghỉ theo chế độ trước tuổi thì giải quyết theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, việc giải quyết đầu ra với nhiều cấp ủy lại không hề đơn giản. Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận Trịnh Xuân Thiều chia sẻ: Không phải công tác nhân sự bị động vì đầu vào phong phú nhưng đầu ra thật sự khó. Đầu vào, đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản khá đông nhưng đầu ra rất khó vì cỡ 50 tuổi thì có phần chững lại nhưng không biết luân chuyển số cán bộ này đi đâu? Những cán bộ này cũng từng có chức vụ, giờ để họ ngồi không cũng không ổn, mà để cán bộ trẻ nhìn vào thấy tương lai mình vậy cũng rất tâm tư. Quận Phú Nhuận chỉ có vài trường hợp. Trong đó có trường hợp chuyển lên trên, có trường hợp ở lại, có cán bộ chủ động xin về trước 1, 2 năm để công tác tổ chức được thuận lợi. Với những trường hợp cán bộ còn từ 24 đến 30 tháng mới nghỉ hưu phải giải quyết bố trí công việc, nếu đồng chí ấy thấy không phù hợp thì tự xin nghỉ chứ không ép được. Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy là làm tốt công tác tư tưởng chứ không được “vắt chanh bỏ vỏ”.

Khi còn làm công tác chuẩn bị công tác nhân sự cho huyện, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ Lê Thị Kim Dung tâm tư: Huyện và cơ sở còn 13 người không đủ tuổi tái cử. Riêng ở xã An thới Đông còn 3 đồng chí, đã vận động được 2 người, chủ yếu do không đáp ứng về trình độ. Nguyện vọng của 2 đồng chí này là muốn xin nghỉ, cán bộ còn lại không đủ tuổi nhưng có uy tín, giờ thôi làm bí thư nhưng vẫn là chủ tịch HĐND xã, huyện đưa 1 cán bộ trẻ về làm bí thư, chờ phương án nhân sự của xã trình thì thay đổi hẳn. Một số đồng chí sắp tới không cơ cấu lại dù đồng chí đó đang có uy tín, năng lực ở Phòng Quản lý đô thị. Chúng tôi dự tính đưa 1 cán bộ trẻ có trình độ thạc sĩ, được đánh giá cao về, đồng chí trưởng phòng rất ủng hộ. Nhưng giờ quan trọng là đưa đồng chí đó đi đâu? Hiện nay cán bộ cứ điện hỏi hoài là sẽ đi đâu, chúng tôi động viên và vẫn đang tìm nơi xứng đáng để bố trí đồng chí ấy. Trong ban thường vụ cũng còn 1 đồng chí mà tới đây chưa biết sắp xếp vào đâu. Bản thân đồng chí ấy cũng chưa phát biểu chính kiến gì nên cũng chưa “đụng” đến trường hợp này.

Phụ thuộc người đứng đầu

“Đụng” đến con người là việc không hề đơn giản. Nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương, đơn vị khi được hỏi đến vấn đề này hầu hết có chung câu trả lời. Một cán bộ lãnh đạo quận 4 chia sẻ thẳng thắn: Bố trí công tác làm sao người ta hài lòng được? Không tham gia cấp ủy, không làm lãnh đạo, từ bí thư phường về làm chuyên viên, làm sao họ chịu? Suy nghĩ của các đồng chí ấy là thà về hưu khi còn hàm phó bí thư, phó chủ tịch vẫn tốt hơn.

Đồng chí Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng tất cả đều phụ thuộc người đứng đầu. Chỉ cần người đứng đầu dám quyết, dám làm thì không có gì khó. Theo đồng chí, những năm qua, đất nước chúng ta đã làm được cuộc cách mạng về nhân sự là trẻ hóa đội ngũ cán bộ và từng bước loại bỏ căn bệnh “sống lâu lên lão làng”, “tham quyền cố vị”. Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách để thực hiện mục tiêu là trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Nếu những cán bộ nằm trong diện không thể cơ cấu được nữa hoặc năng lực giới hạn nhưng tổ chức cứ cả nể, ngại can thiệp, sắp xếp thì lớp trẻ được đào tạo bài bản, có kỹ năng, nhiệt huyết và nghị lực xếp vào đâu? Không thể cứ xếp hàng chờ đến lượt được. Đó là chưa kể thế hệ trên 50 tuổi của Việt Nam hiện nay trên thực tế không được đào tạo đủ để sẵn sàng hòa nhập quốc tế trong thời buổi hội nhập sâu rộng. Vấn đề đặt ra là những người có trình độ cao, giữ cương vị lãnh đạo hoặc cốt cán nên cố gắng đào tạo lớp trẻ để thay thế mình trước khi nghỉ hưu chứ đừng nghĩ mình không thể thay thế được, thậm chí cản trở việc đào tạo.

HỒNG HIỆP - HOÀI NAM

- Bài 3: Chuẩn hóa cán bộ quy hoạch

Tin cùng chuyên mục