Xét xử “đại án” 6.127 tỷ đồng: Thẩm vấn về nguồn tiền trả nợ cho BIDV

Chiều 11-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt VNCB, nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - viết tắt CBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (SacomBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục làm việc.

Xét xử “đại án” 6.127 tỷ đồng: Thẩm vấn về nguồn tiền trả nợ cho BIDV ảnh 1 Bị cáo Phạm Công Danh (trước) và bị cáo Trầm Bê sau phiên xử vào chiều 11-1

Tiền VNCB trả nợ là tài sản phạm tội

Đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa tham gia thẩm vấn về đường đi của dòng tiền 1.800 tỷ đồng mà bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) vay tại Sacombank thông qua 6 công ty.

Theo cáo trạng, trong ngày 26-4-2013, toàn bộ khoản vay 1.800 tỷ đồng của 6 công ty tại Sacombank, chi nhánh Hưng Đạo và chi nhánh Quận 8 đều được chuyển vào tài khoản số 2144139 của Phạm Công Danh tại ACB, chi nhánh Phú Thọ. Một ngày sau, Phạm Công Danh ký Ủy nhiệm chi số 71 chuyển số tiền 1.176 tỷ đồng từ tài khoản số 2144139 tại ACB, chi nhánh Phú Thọ đến tài khoản số 158859059 của BIDV, chi nhánh Sở giao dịch 2 để trả nợ; ký Ủy nhiệm chi số 72 chuyển 457,7 tỷ đồng từ tài khoản số 2144139 tại ACB, chi nhánh Phú Thọ đến tài khoản số 158859059 của BIDV, chi nhánh Sở giao dịch 2 để trả nợ vay của BIDV, chi nhánh Hải Vân.

Tại phiên tòa, ông Đoàn Ánh Sáng (Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV) cho biết vào thời điểm vay tiền, bên vay là Tập đoàn Thiên Thanh vay chứ không phải cá nhân bị cáo Phạm Công Danh. Khoản vay này đã được tất toán; cụ thể là đến kỳ hạn trả nợ, Ngân hàng BIDV thu tiền từ tài sản đảm bảo là tiền gửi của Tập đoàn Thiên Thanh mở tại BIDV, chi nhánh Sở giao dịch 2.

Công tố viên đặt câu hỏi: - Cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định nguồn tiền do bị cáo Phạm Công Danh trả cho Ngân hàng BIDV là tài sản do phạm tội mà có. Vậy Ngân hàng BIDV suy nghĩ như thế nào về cách khắc phục hậu quả?

Ông Đoàn Ánh Sáng trả lời: - Chúng tôi không biết nguồn gốc tiền trả nợ từ đâu mà có. Tiền về tài khoản của doanh nghiệp đang nợ chúng tôi thì chúng tôi thu nợ thôi.

Công tố viên: - Cơ quan tiến hành tố tụng đã truy nguyên được dòng tiền về đến Ngân hàng BIDV. Chúng tôi chỉ thẩm vấn để làm rõ. Hội đồng xét xử sẽ ra phán quyết về nội dung này.

Tăng vốn điều lệ bằng tiền đi vay

 Trong chiều nay, phần thẩm vấn về hành vi của các bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng SacomBank) cùng đồng phạm liên quan đến gói tín dụng vay tại Ngân hàng Sacombank và hành vi ủy thác đầu tư trái phiếu thông qua Quỹ Lộc Việt đã kết thúc. Hội đồng xét xử chuyển sang phần thẩm vấn về hành vi của các bị cáo trong việc vay tiền, phạm tội đối với Ngân hàng BIDV.

Trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB) thừa nhận hành vi phạm tội như trong cáo trạng quy kết. Theo đó, khi thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank, tiền thân của VNCB), do không có tiền để tăng vốn điều lệ nên tháng 9-2013, bị cáo Phạm Công Danh đến Ngân hàng BIDV tại Hà Nội, gặp lãnh đạo BIDV Hội sở chính đặt vấn đề: Danh giới thiệu sang Ngân hàng BIDV khách hàng doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng. Trường hợp khách hàng do Ngân hàng VNCB giới thiệu không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay.

Sau khi được lãnh đạo Ngân hàng BIDV Hội sở chính đồng ý, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn, để 12 công ty "con" của Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên vay tiền để kinh doanh vật liệu xây dựng theo đề án liên kết 4 nhà. Tài sản đảm bảo gồm 6 lô đất Sân vận động Chi Lăng, TP Đà Nẵng; khu đất tại 209 Trường Chinh, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng; 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV. Do vậy, BIDV chấp thuận cho 12 công ty này vay 4.700 tỷ đồng.

Trình bày về mục đích vay số tiền trên, bị cáo Phan Thành Mai khai: "Giai đoạn trước, vốn điều lệ của Ngân hàng Đại Tín chỉ có 3.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tăng vốn điều lệ lên thành 7.500 tỷ đồng nên cần 4.500 tỷ đồng".

Chủ tọa phiên tòa hỏi: "Vậy vì sao không vay 4.500 tỷ đồng mà lại vay đến 4.700 tỷ đồng?".

Bị cáo Mai trả lời: "Theo suy nghĩ của bị cáo thì có thể anh Danh muốn vay dư 200 tỷ đồng để chi chăm sóc khách hàng".

Theo quy định, nguồn tiền dùng để tăng vốn điều lệ phải là tiền của các cổ đông hoặc của "chủ" ngân hàng, không được lấy từ tiền vay của các tổ chức tín dụng khác.

Bị cáo Phan Thành Mai bộc bạch: "Các bị cáo rất muốn tăng vốn điều lệ theo năng lực thật sự. Bị cáo và anh Danh đã xin được tăng vốn điều lệ chia thành 2, 3 đợt nhưng Ngân hàng Nhà nước không đồng ý, vẫn yêu cầu phải tăng 1 lần. Không còn phương án nào khác nên các bị cáo phải theo cách làm này".

Ngày mai, 12-1, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Tin cùng chuyên mục