Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch vào 3 tỉnh Trung Lào

TPHCM luôn hướng đến các địa phương của Lào và xem đây là thị trường chiến lược, tiềm năng để phát triển đầu tư, thương mại. Hiện có hơn 30 doanh nghiệp của TP đang đầu tư tại Lào với tổng số vốn hơn 250 triệu USD. 
Đại diện một doanh nghiệp hỏi về chính sách ưu đãi đầu tư tại Lào. Ảnh: Chí Kan
Đại diện một doanh nghiệp hỏi về chính sách ưu đãi đầu tư tại Lào. Ảnh: Chí Kan

Ngày 19-7, tại TPHCM diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch vào 3 tỉnh Trung Lào gồm Savannakhet, Khammoun và Bolykhamsay.

Tham dự sự kiện có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Thanh Liêm, Ủy ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; lãnh đạo 3 tỉnh Savannakhet, Khammoun và Bolykhamsay; Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Lào, Tổng lãnh sự Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại TPHCM, các sở ngành doanh nghiệp của Việt Nam và Lào...

Năm 2017 là năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng khi hai nước cùng nhau chào mừng hai mốc lịch sử: kỷ niệm 55 năm ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 -  5-9-2017) và 40 năm ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (18-7-1977 - 18-7-2017). Hội nghị lần này tiếp tục góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, hai dân tộc

Rót vốn đầu tư hơn 250 triệu USD

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. TPHCM luôn hướng đến các địa phương của Lào và xem đây là thị trường chiến lược, tiềm năng để phát triển đầu tư, thương mại. Hiện có hơn 30 doanh nghiệp của TP đang đầu tư tại Lào với tổng số vốn hơn 250 triệu USD.

Trong những năm qua, TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến tại Lào như: Hội nghị xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch vào thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Champasak (2012), Triển lãm và hội thảo xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch tại Champasak (2013), Hội thảo xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch TPHCM vào Lào (2015), Tọa đàm xúc tiến đầu tư - thương mại vào tỉnh Champasak năm 2016… Các hoạt động này được đông đảo doanh nghiệp hai bên quan tâm và đã góp phần tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Trong tháng 7 này, Đoàn lãnh đạo cấp cao của TPHCM sẽ có chuyến thăm kết hợp tổ chức hội chợ, triển lãm và hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch tại Viêng Chăn, Champasak và Savannakhet.

Đồng chí Lê Thanh Liêm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CHÍ KAN

Trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành mở ra triển vọng hợp tác đầu tư to lớn cho cả hai nước và khu vực, với tinh thần hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, TPHCM đã tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch vào 3 tỉnh Savannakhet, Khammoun và Bolykhamsay với mong muốn thúc đẩy hơn nữa đầu tư vào Lào, góp phần phát triển kinh tế của các địa phương nước Lào.

Khuyến khích đầu tư công nghệ cao

Cả 3 tỉnh miền Trung nước bạn đều có vị trí chiến lược về kinh tế giữa hành lang kinh tế Đông - Tây. Theo ông Santiphap Phomvihane, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet, Việt Nam hiện có 24 dự án với vốn đầu tư trên 170 triệu USD.

Tỉnh Savannakhet đang ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực hoạt động công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và năng lượng; nông nghiệp sạch, hữu cơ; công nghiệp chế biến nông sản thân thiện môi trường; công nghiệp chế biến thủ công truyền thống và đặc thù của quốc gia; phát triển du lịch bền vững... Về đầu tư theo ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên, nhà đầu tư phải có vốn đầu tư ít nhất 150.000 USD, sử dụng chuyên viên Lào từ 30 người trở lên, sử dụng lao động Lào từ 50 người trở lên với hợp đồng lao động có thời hạn ít nhất 1 năm. Chính sách khuyến khích theo vùng chia thành: vùng 1 là vùng nghèo, vùng sâu xa, các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa thuận lợi cho đầu tư; vùng 2 có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuận lợi; vùng 3 là khu kinh tế đặc biệt.

Đối với tỉnh Khammoun, hiện đang giới thiệu 13 dự án mời gọi đầu tư trong năm 2017 gồm: Xây dựng và phát triển khu kinh tế Lẳng-khằng; chế biến sản phẩm từ lúa gạo; xây dựng công trình, phục vụ vận chuyển hàng hóa (logistics); xây dựng hệ thống thủy lợi ở cửa xả số 1 thủy điện Nặm-Thơn 2; xây dựng nhà máy xay xát gạo hiện đại; xây dựng nhà máy sản xuất phân vi sinh; xây dựng nhà máy sản xuất bao bì  (ở khu kinh tế đặc thù Thà-khẹc); phát triển khu kinh tế đặc thù Phu-khiểu; phát triển và quản lý khu du lịch Thặm-nặm-lót Xê-bặng-phay; dịch vụ khu du lịch Khún-cang-leng; dịch vụ du lịch Tường thành cổ; phát triển du lịch cao nguyên Na-cai Nặm-thơn 2; phát triển công viên Nỏng-bua.

Tỉnh Bolykhamsay mời các doanh nghiệp Việt Nam và các nước đầu tư vào các dự án: khu công nghiệp cầu Hữu nghị số 5 tại huyện Pạc-săn; khu kinh tế biên giới Nặm-ngảng tại bản Thồng-bè, huyện Khăm-cợt; khu kinh tế Viêng-khăm – Thà-sạ-ạt tại huyện Pạc-cạ-đing; nhà máy xi măng tại huyện Pạc-cạ-đing; nhà máy chế biến dứa tại huyện Pạc-săn; nhà máy chế biến ngô ngọt tại huyện Pạc-săn; Pạc-săn Resort thuộc bản Huội-siệt, huyện Pạc-săn; phát triển khu thương mại – dịch vụ khép kín Đon-lin tại bản Phôn-xay, huyện Pạc-săn; khu du lịch văn hóa tại huyện Thà-phạ-bạt; khu du lịch thiên nhiên tại huyện Thà-phạ-bạt; cải tạo và nhân rộng giống bò nuôi thương phẩm…

Tin cùng chuyên mục