Một chuyện khá hy hữu ở Nghệ An. Là công dân của xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu), nhưng sống trên đất của xã Nhân Thành (huyện Yên Thành); kéo điện về từ xã Diễn Minh (huyện Diễn Châu), còn làm ruộng, giao thương, chợ búa lại ở xã Diễn Bình, Vĩnh Thành thuộc hai huyện trên. Vì chưa được công nhận là một đơn vị hành chính nên làng không có tổ chức thanh niên, phụ nữ,… mà chỉ tập hợp được hội… phụ lão! Chuyện có vẻ hơi khó tin nhưng có thật đang diễn ra ở cái làng mang tên Tân Thủy (còn gọi là Vọng Nhi, Ba Đình) thuộc… “không biết nên gọi làng mình theo bên mô: huyện Diễn Châu hay Yên Thành” - như lời một người dân làng Tân Thủy.
“Lạc lõng” giữa hai huyện
“Cũng may khi làm khai sinh không phải ghi tên xóm, chỉ ghi tên xã thôi nên con bé nhà tui vẫn được ghi ở Diễn Nguyên”. - Chị Nguyễn Thị Thuận - một người dân Tân Thủy tâm sự. Sự “thở phào” của chị Thuận cũng dễ hiểu, vì hiện tại về mặt địa giới thì làng đang thuộc xã Nhân Thành (huyện Yên Thành), trong khi lại là công dân của xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu).
Ông Nguyễn Đức Quang - người từng được bầu “trưởng thôn” giai đoạn 1999-2004 cho biết, làng Tân Thủy có từ hàng trăm năm nay. Người dân trước đây chỉ sống bằng nghề sông nước theo sông Bùng, sông Kênh Nhà Lê… Khoảng thời gian năm 1964-1965, Mỹ tiến hành ném bom trong vùng nên người dân phải lên bờ sống, còn thuyền thì phục vụ công tác vận chuyển lương thực, đất đá lấp đường ở huyện Diễn Châu và vào trong cả Hà Tĩnh. Năm 1989 có 50 hộ đã di dân vào Hàm Tân (Bình Thuận) lập nghiệp. Làng hiện còn lại 34 hộ với trên 160 nhân khẩu, đa phần đều nghèo.
“Nhà tui có 10 đứa con, hai vợ chồng nữa là 12 nhưng chỉ có được 10 thước đất (1 sào 500m² bằng 14 thước - PV). Chú hỏi lấy chi mà ăn. Trong khi gần đây nhà máy sắn trên Yên Thành thải chất bẩn ra sông khiến cá tôm chết rạt, thả lưới, đánh bắt một đêm chỉ toàn được cua với ốc, đem chợ bán không quá 20.000 đồng”, ông Quang giãi bày.
Vì không còn nguồn sống từ sông nên phần lớn người dân phải lên bờ kiếm sống, nhưng đất sản xuất lại không có nên họ phải sống “lấp lửng” cả dưới sông lẫn trên bờ. Việc đánh bắt cá vẫn cầm chừng, còn lên bờ thì làm đủ thứ nghề hoặc thuê lại đất nông nghiệp của xã Nhân Thành, Diễn Minh, Diễn Bình, Diễn Nguyên để sản xuất.
Anh Nguyễn Sỹ Ánh cho hay: “Cũng may nhà tui không thuộc diện nghèo. Tui thuê được 1,2 mẫu đất của Nhân Thành để làm ăn. Nhiều nhà không thuê được nên chả biết làm chi nên lại ngụp lặn dưới sông kiếm tôm cá”.
Ông Quang cho biết, trước đây điện được kéo về từ xã Diễn Nguyên nhưng do đường xa, tốn kém nên khi dây bị hỏng người dân đã xin kéo nhờ điện từ xã Diễn Minh bên kia sông. “Điện kéo nhờ một xã. Đất sống nhờ một xã. Làm ăn ở hai ba xã, chợ búa giao thương ở hai xã khác. Nói tóm lại làng tui chừ đang phải sống phụ thuộc theo 5 xã, gồm: Diễn Nguyên, Diễn Minh, Diễn Bình (huyện Yên Thành) và Nhân Thành và Vĩnh Thành (huyện Yên Thành). Nhiều lúc thấy cảm giác lạc lõng, chả biết mình thuộc nơi mô”.
Trông chờ được công nhận là xóm
Ông Ngô Xuân Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Diễn Nguyên, cho biết: Làng Tân Thủy lâu nay xã “tạm” gọi là xóm 8. Đã qua 3 nhiệm kỳ hội đồng, lần nào cũng đề xuất cấp trên cho thành lập xóm 8 thuộc xã, nhưng chưa thấy cấp huyện cũng như tỉnh hồi đáp. Chính vì vậy lâu nay người dân vẫn sống trong cảnh không tổ chức, đoàn thể. Chỉ có duy nhất một “tập hợp hội” là hội người cao tuổi, nhưng hội này thực chất cũng chỉ để giúp nhau lo… hậu sự.
“Trong làng khi có người mất, người dân cũng tự tổ chức phúng điếu, mai táng vì xóm không có tổ chức đoàn thể nên không giúp được gì. Ngay cả các cháu đến tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo cũng không có chỗ gửi, phải đợi đủ tuổi rồi cho vào lớp 1 luôn. Về đất sản xuất, vì trước đây người dân sống dưới thuyền không mặn mà với ruộng đồng. Từ khi sống không được dưới sông họ mới lên bờ. Nhưng đất cấp theo Nghị định 64 thì họ không có, xã đành cho họ sống dọc đất ven sông để trồng lúa”, ông Minh cho biết.
Ông Trần Mạnh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Diễn Châu cho biết, lãnh đạo huyện rất đồng tình với những đề xuất của xã Diễn Nguyên là chuyển làng Tân Thủy thành xóm 8 của xã. Nhưng vì vướng nhiều thứ, như theo tiêu chí một xóm phải có từ 150 hộ với 300 nhân khẩu trở lên nhưng Tân Thủy lại không đủ. Mặt khác, hiện tỉnh đang có kế hoạch điều chỉnh phân cấp lại các đơn vị hành chính nên yêu cầu các địa phương không thành lập thêm các đơn vị mới. Và điều quan trọng nữa, công dân làng Tân Thủy thuộc huyện Diễn Châu nhưng địa giới lại của huyện Yên Thành, vì vậy phải cần có ý kiến chỉ đạo của tỉnh.
“Hiện chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ, xin tỉnh thành lập Tân Thủy thành một xóm của xã Diễn Nguyên theo cơ chế đặc thù, có như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho người dân. Huyện đã đặt vấn đề làm việc với Sở Nội vụ trong tháng 9 này. Khi thành lập xóm xong mới có thể điều chỉnh đất ở và đất sản xuất cho dân được”, ông Mạnh nói.
DUY CƯỜNG