Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Ban tổ chức trân trọng tiếp thu các ý kiến tại hội thảo để chuẩn bị nội dung tốt nhất, tinh thần tốt nhất đánh giá đúng, trúng công cuộc cải cách vừa qua, định hướng những vấn đề quan trọng để đất nước phát triển hơn nữa.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ khẳng định, việc triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nền hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực trong các hoạt động. Song tốc độ cải cách còn chậm, chưa đáp ứng các yêu cầu thực tiễn và mục tiêu đề ra.
Hội thảo khoa học lần này là diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý, các bộ ngành và địa phương về cải cách hành chính, nhằm bổ sung luận cứ khoa học, thực tiễn để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2011-2020, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng đạt kết quả tích cực. Việc tổ chức triển khai theo dõi, đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính, công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính, khảo sát, đo lường, xác định chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là những nét nổi bật trong chỉ đạo, điều hành.
Dù vậy, cải cách thể chế vẫn còn những bất cập, hạn chế. Vẫn còn văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật. Tình trạng nợ đọng văn bản, mặc dù có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững.
Cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp ít cần được giải quyết. Tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực…
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đại diện Sở Nội vụ các địa phương đã phát biểu nhiều ý kiến góp ý cho Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 10 năm qua, và định hướng giai đoạn tới.
Chia sẻ về vấn đề nhân sự công vụ, bà Đỗ Thanh Huyền, đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cho biết, chính bà đã trải nghiệm, nhận thấy tình trạng nhũng nhiễu phiền hà vẫn xảy ra.
Việc tinh giản biên chế chủ yếu thực hiện ở cấp cơ sở, nơi cần thêm biên chế, nhất là những nơi đông dân cư. Theo bà Đỗ Thanh Huyền, cần địa phương hóa nhu cầu biên chế công vụ để tránh tình trạng nơi cần thì thiếu. Yêu cầu tinh giản cần tập trung vào cấp trung gian (cấp huyện) và cấp tỉnh, không nên tinh giản ở cấp xã. Bà Đỗ Thanh Huyền nêu thực tế, nhiều xã phường ở TPHCM có dân số bằng một huyện ở các địa phương khác, cán bộ phải làm tới 21 giờ mới hết việc. Họ đang chịu quá nhiều áp lực phục vụ nhân dân, song chưa được quan tâm đúng mức.
Ý kiến này của đại diện UNDP được nhiều đại biểu đồng tình và góp ý thêm. Ông Tạ Quang Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đồng Nai cho biết, việc cắt giảm nhân sự cấp xã, nhiều xã phường nhỏ, có thể giảm được nhiều cán bộ không chuyên trách nhưng lại không có cơ chế giảm. Trong khi những xã đô thị hóa cần nhiều cán bộ thì cũng không có cơ chế để đảm bảo nhân sự làm việc.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, cải cách là bắt buộc và khát vọng của chúng ta. Ban tổ chức hội thảo trân trọng tiếp thu và sẽ mạnh dạn đưa các ý kiến vào dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.