Năm 2006, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm (2006-2010) với cột mốc năm 2010 Việt Nam (VN) thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển sắp kết thúc. Kết quả đạt được hết sức khả quan: Kinh tế VN tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt tốc độ tăng trưởng 8,2%.
Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đều thừa nhận kết quả này. Trên cái nền phát triển chung ấy nổi bật lên hai lĩnh vực tăng trưởng ngoạn mục là xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Xuất khẩu năm 2006 đạt 39,5 tỷ USD vượt chỉ tiêu 2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2005. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 10,2 tỷ USD (tính đến 18-12-2006, vượt xa mức dự báo của năm 2006 là 6,5 tỷ USD). Dù lạc quan đến mấy khi vạch kế hoạch chúng ta cũng không thể hình dung mức phát triển ngoạn mục này. Vậy đâu là nguyên nhân?
Trong lĩnh vực xuất khẩu đạt được kết quả trên là do chúng ta bằng hàng loạt chính sách thông thoáng, hấp dẫn khai thác được thế mạnh vốn có, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia sản xuất hàng xuất khẩu. Câu lạc bộ 1 tỷ USD giờ có đến 8 thành viên. Bên cạnh những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, truyền thống: dầu thô, thủy sản, giày dép, may mặc bây giờ có thêm gỗ mỹ nghệ, gạo, cao su, điện tử và linh kiện máy tính.
Thành công trong xuất khẩu năm 2006 còn do ta linh hoạt trong điều hành, đa dạng hóa thị trường, không tập trung vào một thị trường nào dù đó là thị trường truyền thống và độ lớn đến đâu. Bài học về mặt hàng tôm, cá ba sa bị Hoa Kỳ áp đặt thuế chống bán phá giá là hết sức quý giá. Bởi vậy khi bị EU áp đặt thuế bán phá giá đối với giày mũ da ta đã nhanh chóng chuyển sang thị trường khác. Nhờ vậy giá trị mặt hàng giày dép xuất khẩu vẫn tăng 15% so với năm 2005.
Còn trong lĩnh vực thu hút vốn FDI sự tăng tốc ngoạn mục do đâu? Do sự nỗ lực cải thiện làm cho môi trường đầu tư của ta thông thoáng, hấp dẫn hơn. Do thành tựu mở cửa đổi mới của ta sau 20 năm, tạo được sự tín nhiệm đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kết nạp VN làm thành viên thứ 150 là sự xác nhận có giá trị cao nhất về uy tín của VN, về nền kinh tế thị trường của VN.
Chính sự xác nhận này làm yên lòng các nhà đầu tư đổ một lượng vốn lớn vào VN. Điều này đã lý giải vì sao các dự án đầu tư mới đây đều lớn, trị giá từ vài trăm triệu đến vài tỷ USD và tốc độ giải ngân cũng khá nhanh.
Kết quả đạt được năm 2006 là cơ sở để ta tin tưởng kinh tế VN tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2007.
M.TH.