Báo cáo cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2025 tăng 0,07% so với tháng 3, tăng 1,37% so với tháng 12-2024 và tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 3,05%.
Trong mức tăng của tháng 4, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng giá ổn định.

Trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng có nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với mức 0,62%, tác động làm tăng CPI chung 0,12 điểm phần trăm.
Nhóm này chủ yếu tăng giá ở một số mặt hàng như: giá thuê nhà tăng 0,57%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,62%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,49%; giá điện sinh hoạt tăng 1,0% chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện ở các địa phương phía Nam tăng khi thời tiết nắng nóng; giá nước sinh hoạt tăng 1,57%.
Bên cạnh đó, dịch vụ điện sinh hoạt tăng 0,27%, dịch vụ về nước sinh hoạt tăng 0,21% do chi phí nguyên vật liệu và nhân công tăng.
Đáng lưu ý, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%, chủ yếu ở một số mặt hàng như: nhóm đồ trang sức tăng 7,32% theo giá vàng trong nước và thế giới; sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0,43%; đồng hồ đeo tay và hàng chăm sóc cơ thể cùng tăng 0,13%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,23%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,12%, gồm: lương thực giảm 0,65%; nhóm thực phẩm tăng 0,17%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,32%; riêng nhóm giáo dục ổn định, trong đó giá văn phòng phẩm tăng 0,07%.
Cũng theo báo cáo, lạm phát cơ bản tháng 4-2025 tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,2%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.