12 ngày ra quân rà soát người nghiện ma túy: Giảm hẳn người nghiện lang thang

12 ngày ra quân rà soát người nghiện ma túy: Giảm hẳn người nghiện lang thang

Sau 12 ngày (từ ngày 5 đến hết ngày 17-12), đồng loạt ra quân rà soát, đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, toàn TPHCM phát hiện 1.566 người nghiện ma túy (xét nghiệm dương tính). Trong đó, 1.115 người được đưa vào 2 cơ sở xã hội. Ghi nhận tại các địa bàn “nóng” về ma túy cho thấy, số người lang thang nghiện ma túy cơ bản đã giảm.

Người dân phấn khởi

Phường 12, quận 8 - một trong những “điểm nóng” về ma túy trên địa bàn TP - đã đưa 39 người lang thang nghiện ma túy vào cơ sở xã hội Nhị Xuân. Ông Lý Thanh Hòa, Chủ tịch UBND phường 12, cho biết, sau ngày đầu tiên phát hiện 23 người nghiện ma túy, số lượng người được phát hiện từ những ngày sau giảm dần. Phần giảm do đã được phát hiện, đưa vào cơ sở xã hội; phần giảm do bị “động”, số người nghiện ma túy không có nơi cư trú đã dịch chuyển, không còn lang thang trên địa bàn nhiều. Tại “điểm nóng” An Sương, bước đầu cũng đã thưa bóng người đến tìm mua, sử dụng ma túy. Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ quận 12) phấn khởi: “Trước đây, người nghiện ma túy vào ra nhộn nhịp lắm. Mấy ngày nay vắng hẳn. Mong TP làm được và giữ được kết quả như thế, tốt hơn thế để người dân chúng tôi yên tâm”. Tuy nhiên, các quận, huyện cũng đối diện với một số khó khăn. “Một số người nghiện ma túy được phát hiện vào buổi chiều, tối nên phải giữ qua đêm ở trụ sở công an phường trước khi giao cho cơ sở xã hội. Nhưng khi đối tượng lên cơn nghiện thường rất manh động, hung hăng còn phường thì thiếu bác sĩ chuyên môn về cắt cơn, giải độc tại chỗ”, ông Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Quận ủy quận 8, lo ngại.

Ông Trương Quang Nam, Giám đốc Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 3 (Lực lượng TNXP TPHCM; bìa phải), thăm hỏi học viên trong giờ lao động trị liệu.

Một khó khăn nữa, theo ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, là tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng phổ biến. Trong khi đó, số người nghiện ma túy tổng hợp được phát hiện, xử lý còn hạn chế; hiện nay vẫn chưa có phác đồ điều trị thống nhất cắt cơn nghiện ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó, tình hình người nghiện mới trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đối tượng sử dụng hàng “đá” nên đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tập trung đối tượng vào cơ sở cai nghiện.

Vận động tham gia cai nghiện

Song song với đưa người lang thang nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh theo đề án của TP, hiện các quận, huyện cũng đang rốt ráo thực hiện giải pháp đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định: áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn. Đồng thời, người nghiện phải đăng ký thực hiện biện pháp cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo quy định. Qua thời gian 6 tháng đồng thực hiện 2 biện pháp trên, nếu vẫn còn nghiện, người bệnh sẽ được lập hồ sơ chuyển tòa án nhân dân xem xét đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

Một thực tế các địa phương đang gặp phải trong tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là sự thiếu mặn mà của người nghiện và thân nhân. “Bản thân người nghiện ma túy và gia đình họ chưa tự nguyện khai báo tình trạng nghiện ma túy và tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 12, phản ánh. Triển khai được 4 năm (theo Nghị định 94/2010), song tính đến ngày 31-11, toàn TP chỉ có 113 trường hợp tham gia cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, dù mỗi quận, huyện đều nắm danh sách cả trăm người có biểu hiện nghiện ma túy. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường 8, quận 8, cho biết, phường có 27 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, đã mời 15 người đi thử phản ứng với ma túy thì có 8 người dương tính. Từ đây đến hết tháng 12-2014, phường sẽ cố gắng hoàn thành việc xét nghiệm ma túy đối với những người còn lại. Song song đó, phường phát huy mô hình 5 + 1 (5 ban ngành đoàn thể cộng với gia đình đồng hành cùng người nghiện ma túy), vận động người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở chữa bệnh. Mục tiêu của phường đến 30-12, phải có người tham gia một trong các biện pháp cai nghiện ma túy trên.

Trong khi bản thân và gia đình người nghiện ma túy vẫn chưa tự nguyện khai báo tình trạng nghiện, tại buổi triển khai các biện pháp tổng hợp đối với người nghiện ma túy mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng yêu cầu MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần phát huy vai trò của mình, kết hợp với cộng đồng và gia đình quan tâm chặt chẽ từng đối tượng cụ thể, tư vấn cho người nghiện tự nguyện đi cai nghiện tại các cơ sở chữa bệnh; tuyên truyền và mở rộng công tác điều trị nghiện bằng thuốc Methadone; nâng cao hiệu quả cai nghiện tại gia đình và cộng đồng… nhằm đa dạng hóa sự lựa chọn, cơ hội cai nghiện cho người nghiện ma túy.

ĐƯỜNG LOAN


Chưa chuyển hồ sơ nào sang tòa án

(SGGP).- Ngày 17-12, trong buổi làm việc của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với Cơ sở xã hội Nhị Xuân (Lực lượng TNXP TPHCM) xung quanh việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, đến thời điểm này, các quận - huyện chưa chuyển hồ sơ nào của người lang thang nghiện ma túy sang tòa án đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đến thời điểm này, 2 cơ sở xã hội (Nhị Xuân và Bình Triệu) đã tiếp nhận 1.115 người lang thang nghiện ma túy (bước 1). Sau quá trình xác minh (bước 2), đến nay, gần 800 hồ sơ đã được cơ sở chuyển về quận, huyện để kiểm tra tính pháp lý trước khi chuyển sang tòa án (bước 3). Theo quy trình lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, 3 bước ban đầu được thực hiện trong 10 ngày. Tuy nhiên, 12 ngày đã trôi qua kể từ khi TP ra quân đưa người lang thang nghiện ma túy vào cơ sở xã hội, đến nay chưa hồ sơ nào được chuyển qua tòa án.

Về sự chậm trễ này, theo ông Trần Trung Dũng, do những ngày đầu, lượng hồ sơ tập trung nhiều; việc xác định tình trạng nghiện, lập bệnh án đối với người nghiện ma túy còn mới mẻ (trước đây chỉ cần test, có kết quả phản ứng dương tính với ma túy là được); việc xác minh khó khăn… Đặc biệt, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm gần 50% tổng số người đưa vào cơ sở xã hội khiến việc xử lý ban đầu còn lúng túng.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, lo ngại, sẽ khó đảm bảo thời gian 15 ngày trong bước 4 - tòa án phán quyết đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hiện 2 cơ sở xã hội có tổng cộng 6 phòng cho tòa án xem xét, tối đa mỗi ngày mở được khoảng 60 phiên họp xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh. Để tòa án xem xét 1.115 hồ sơ như hiện nay, có thể cần tới 20 ngày mới xử lý xong. Cùng với vấn đề tăng số phòng xem xét, tăng thêm thẩm phán, bà Trương Thị Mai đề nghị các ban, ngành TP đề xuất hướng giải pháp đối với người dưới 18 tuổi nghiện ma túy và công tác quản lý sau cai tại các cơ sở chữa bệnh.

Các vấn đề này sẽ được tiếp tục trao đổi vào ngày hôm nay (18-12) trong hội thảo do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức.

ĐƯỜNG LOAN 

Người nghiện dưới 18 tuổi có nơi cư trú ổn định sẽ được giao cho địa phương

Qua 10 ngày, một số vướng mắc đã phát sinh. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Hữu Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM.

* Phóng viên: Người dưới 18 tuổi nghiện ma túy sẽ được xử lý ra sao, cả diện có hộ khẩu TP, diện lang thang?

* Ông NGUYỄN HỮU TÀI: Người có nơi cư trú ổn định sẽ được giao cho địa phương. Tùy theo trường hợp, chủ tịch UBND quận, huyện căn cứ vào Luật Sửa đổi một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 135/2005 sẽ ban hành quyết định để đưa người đó vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc (theo quy trình cũ). Riêng người không cư trú ổn định, vẫn còn vướng mắc trong thực hiện do chưa có quy định. Đây cũng không thuộc diện điều chỉnh theo đề án của TP.

* Trước khi đưa vào cơ sở chữa bệnh tập trung, người có biểu hiện nghiện ma túy được xét nghiệm ma túy 2 lần (lần 1 ban đầu ở địa phường, lần 2 ở cơ sở xã hội - như bệnh án). Vậy, nếu lần 2 cho thấy đối tượng không nghiện thì sao?

*
Theo đề án, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, trước khi đưa vào cơ sở xã hội thì các cơ quan chức năng địa phương sẽ thử phản ứng với chất ma túy. Thời gian đầu, anh em địa phương còn bỡ ngỡ, nên khi vào cơ sở xã hội, người bệnh được xét nghiệm lần 2. Để đảm bảo tính pháp lý và cũng nhằm tiết kiệm, giờ đây, bước xét nghiệm lần 2 ở cơ sở xã hội không còn nữa. Việc lập bệnh án chủ yếu thực hiện dựa trên kết quả xét nghiệm ban đầu của cơ quan lập hồ sơ ở địa phương.

* Bệnh án (xét nghiệm lần 2), theo dõi diễn biến cai hiện chỉ dành cho đối tượng nghiện heroin. Còn hàng “đá”, vẫn chưa có biểu mẫu bệnh án. Vậy hướng lập bệnh án đối với người “đập đá” thế nào để làm cơ sở đưa họ đi cai nghiện?

*
TP đang thực hiện theo biểu mẫu 01 của Thông tư liên tịch số 41/2010 của liên bộ Y tế - Công an - LĐTB-XH, như bệnh án điều trị cắt cơn nghiện ma túy đối với người sử dụng ma túy bán tổng hợp. Hiện nay, được sự hỗ trợ, “cầm tay chỉ việc” của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, đội ngũ y tế của hai cơ sở xã hội và các địa phương cũng có sự theo dõi riêng về công tác chuyên môn đối với đối tượng này, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

* Tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp đang tăng. Các đối sách với người “đập đá” thế nào?

Trong tình hình chung, khi chưa có văn bản chính thức của Bộ Y tế về xác định tình trạng nghiện ma túy đá, song với đặc thù của TP - người nghiện ma túy đá tương đối đông, nên TP đã chỉ đạo Sở Y tế, cụ thể là giao Bệnh viện Tâm thần TP, tiến hành tập huấn tại phường, xã cũng như các cơ sở xã hội, cơ sở chữa bệnh về công tác điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục