18 cán bộ thuế TPHCM cùng hàng chục bị cáo hầu tòa vụ Thuduc House

Sáng 6-6, TAND TPHCM khai mạc phiên tòa xét xử 67 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), Cục Thuế TPHCM và các đơn vị khác. Hàng trăm người đã được triệu tập đến phiên tòa.
18 cán bộ thuế TPHCM cùng hàng chục bị cáo hầu tòa vụ Thuduc House

Cụ thể, 67 bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về nhiều tội danh như: buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nhận hối lộ; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; sản xuất, buôn bán hàng giả; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Lượng người dự phiên tòa quá đông, TAND TPHCM sắp xếp ngồi tại sảnh và hai phòng xét xử. Ảnh: M.H

Lượng người dự phiên tòa quá đông, TAND TPHCM sắp xếp ngồi tại sảnh và hai phòng xét xử. Ảnh: M.H

Trong đó, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, nguyên Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM và 17 cựu cán bộ Cục Thuế TPHCM bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Hạnh bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trong số các cán bộ thuế hầu tòa, có 3 bị cáo là Đào Thị Nga (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 1), Nguyễn Phương Nam (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 3) và Ngô Huỳnh Lũy (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 5) bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội nhận hối lộ. Bị cáo Nam và Lũy bị tạm giam, bị cáo Nga bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ngoài ra, một số cựu cán bộ hải quan cũng bị đưa ra xét xử trong vụ án này.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa hình sự TAND TPHCM, thẩm phán Đoàn Thị Hương Giang và 3 hội thẩm nhân dân. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TPHCM tham gia phiên tòa gồm ông Phạm Văn An, ông Nguyễn Huy Khánh và bà Lê Thị Đông.

Bị hại trong vụ án này được xác định là Cục Thuế TPHCM và Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức. Bên cạnh đó, tòa cũng triệu tập 248 đơn vị, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tính thêm hàng trăm luật sư bào chữa cho các bị cáo, thân nhân và phóng viên báo chí dự đưa tin, phiên tòa có hàng trăm người tham dự.

Theo dõi phiên tòa qua nhiều màn hình. Ảnh: M.H

Theo dõi phiên tòa qua nhiều màn hình. Ảnh: M.H

Theo cáo trạng, từ năm 2016-2020, Trịnh Tiến Dũng (hiện đang bị truy nã quốc tế) đã chỉ đạo thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để lập hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo nhân viên chuẩn bị sẵn một số linh kiện điện tử là hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng, hàng có giá trị thấp, sử dụng các công ty nêu trên lập hồ sơ nhập khẩu để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài. Song song đó, các công ty này cũng xuất khẩu ram, chip, tranh gỗ để chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam với mục đích hoàn thuế giá trị gia tăng thông qua Công ty Nhà Thủ Đức, Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh.

Cơ quan điều tra đã tách vụ án hình sự "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới", "buôn lậu", "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức" và một số sai phạm khác liên quan đến Trịnh Tiến Dũng, tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được Trịnh Tiến Dũng sẽ phục hồi điều tra và xử lý.

Sau khi làm thủ tục xuất khẩu linh kiện điện tử đi Mỹ, Campuchia, Singapore, Hong Kong, Dũng sử dụng các công ty trong nhóm mở tờ khai làm thủ tục nhập khẩu linh kiện điện tử lẫn với các loại hàng hóa khác quay lại Việt Nam.

Dũng và Lưu Thị Ngát (Giám đốc Công ty Khánh Hưng) thành lập và sử dụng 16 công ty "ma", xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống để hợp thức hóa đầu vào cho Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Nhà Thủ Đức, Công ty Hoàng Nam Anh để các công ty này xuất khẩu và hoàn thuế giá trị gia tăng.

Dũng cũng chỉ đạo làm thủ tục kê khai khống hàng hóa đầu vào để các công ty "ma" được khấu trừ, không phải nộp khoảng 9,9% tiền thuế giá trị gia tăng.

Lưu Thị Ngát đã móc nối, đưa hối lộ cho cán bộ Chi cục Thuế quận 1, quận 3 và quận 5 để các công ty "ma" hoạt động bán hóa đơn giá trị gia tăng, kê khai khống hàng hóa đầu vào để được khấu trừ thuế.

Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra đến ngày 10-7. Trong buổi sáng 6-6, Chủ tọa dành thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra lý lịch các bị cáo.

Trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh (SN1969, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM), bị Viện KSND tối cao truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Theo cáo trạng, bà Hạnh đã có hành vi chỉ đạo, ký các quyết định hoàn thuế cho Thuduc House đối với 15 kỳ (từ tháng 4-2018 đến tháng 6-2019) trái quy định, bỏ qua các dấu hiệu rủi ro về thuế, không áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế, gây thất thoát cho Nhà nước 331 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục