20 mặt hàng duy trì trong nhóm xuất khẩu tỷ USD

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD với 20 mặt hàng vẫn tiếp tục duy trì danh sách những mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. 

 

Cà phê xuất khẩu có giá giảm 14,2% khiến kim ngạch giảm 6%
Cà phê xuất khẩu có giá giảm 14,2% khiến kim ngạch giảm 6%
Đó là thông tin được báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm; tìm các giải pháp trong 6 tháng cuối năm do Bộ Công thương tổ chức ngày 9-7, tại Hà Nội.

Những mặt hàng đang dẫn đầu

Theo Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, nông sản và dịch vụ ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 48% kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% (cao hơn cùng kỳ năm 2017); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI - kể cả dầu thô) đạt 80,9 tỷ USD, tăng 14,5% (cùng kỳ năm 2017 tăng 20,7%).

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) Dương Duy Hưng cho biết, tính đến hết tháng 6-2018, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD); hàng dệt, may (13,42 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD).
 
Tuy nhiên, giá xuất khẩu nông sản trong năm 2018 không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng xuất khẩu. Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đã giảm mạnh làm giảm kim ngạch xuất khẩu như cà phê có giá giảm 14,2% khiến kim ngạch giảm 6% dù số lượng tăng 9,6%. Chẳng hạn như giá hạt tiêu giảm 39,3% làm kim ngạch giảm 35,7% dù số lượng tăng 5,9%; giá cao su giảm 21,3% làm kim ngạch giảm 8,3% dù số lượng tăng 16,6%. Nhóm nông sản, thủy sản (không kể 2 mặt hàng không thống kê về lượng xuất khẩu) lẽ ra với giá xuất khẩu giảm thì kim ngạch giảm 431 triệu USD, nhưng bù lại do số lượng xuất khẩu tăng nên kim ngạch vẫn tăng 860 triệu USD. Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cũng giảm 10,8% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017.

Nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm ước đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 46 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65,21 tỷ USD, tăng 8,1%.
Tính toán cán cân xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 14,6 tỷ USD còn nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu 15,7 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 12,9 tỷ USD.

Tháo gỡ khó khăn

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, những nhiệm vụ cần tập trung trong 6 tháng cuối năm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp; tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Bám sát diễn biến của thị trường để có điều hành linh hoạt, kịp thời và hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai phương án sản xuất kinh doanh tối ưu... Kiên trì thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu. Đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp, thay đổi căn bản hơn công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định cần phải thực sự cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp như đã cam kết. Đây là nhiệm vụ đặc biệt ưu tiên, xuyên suốt của Bộ Công thương trong 3 năm qua. Đề cập vị trí xếp hạng đối với cải cách hành chính, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn bày tỏ, Bộ Công thương không đấu tranh “đòi” vị trí cao mà muốn làm thực chất, phải có tác dụng thực sự đối với người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, phải rà soát lại xem còn gì khúc mắc, tồn đọng để giải quyết ngay. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công thương sẽ bám sát tình hình thị trường trong nước và ngoài nước, hoạt động đầu tư sản xuất, đảm bảo chiến lược hội nhập. Đặc biệt là giám sát thị trường nước ngoài, rà soát tổng thể các hiệp định thương mại, dự báo tình huống phức tạp có thể xảy ra, đồng thời có biện pháp linh hoạt, ứng phó kịp thời với các khó khăn. Sẽ tập trung tháo gỡ, giải quyết tồn đọng đối với 12 dự án thua lỗ, phải có giải pháp quyết liệt hơn.

Tin cùng chuyên mục