Suốt 23 năm qua, Chi hội từ thiện Bảo Hòa (thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM) đã tận tình trợ giúp nơi ăn chốn ở cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện Gia Định, Ung bướu, Chợ Rẫy và 115 (TPHCM).
Căn nhà thứ hai của người bệnh nghèo
Chỉ tay về phía căn nhà trên đường Trần Văn Kỷ (phường 14, quận Bình Thạnh), chị Dương Thị Trinh (ngụ tại Bình Định) cho biết chị đã ở đó 3 năm nay, hoàn toàn miễn phí. Theo chân chị Trinh rẽ vào con hẻm nhỏ, trước mắt chúng tôi là căn nhà 3 lầu khang trang, đây là nơi tạm trú của hơn 30 bệnh nhân nghèo ở khắp các tỉnh về Bệnh viện Ung bướu TPHCM chữa bệnh. Không giống như những căn phòng trọ cho thuê xung quanh bệnh viện, bên trong căn nhà này rất sạch sẽ, ngăn nắp và rộng rãi, những người ở tại đây cũng sống chung như gia đình.
Thấy có người lạ, bà Hồ Thị Muội (67 tuổi, quê Đồng Tháp) tưởng là người bệnh mới đến ở, liền vẫy tới và nói: “Chỗ bà còn rộng nè con, gần cửa sổ nên thoáng, con đưa người nhà vào đây ở cho dễ chịu”. Khi biết chúng tôi tới để thăm hỏi, bà cảm động cho biết: “Tôi ở đây có các cô chú bên chi hội và những người bệnh cùng cảnh ngộ chăm nom nhau, nên gia đình cũng yên tâm. Kể ra được ở đây cũng may, chứ mình bệnh lây lất bao năm trời mà người nhà phải đi theo thì cực quá, lại tốn kém gấp đôi”. Rưng rưng nước mắt, chị Võ Thị Luân (34 tuổi, quê Quảng Ngãi) tâm sự: “3 năm nay, tôi không mất khoản tiền ăn ở nào nên cũng đỡ gánh nặng cho chồng con. Thời gian đầu chưa được ở miễn phí, đứa con lớn nằng nặc đòi nghỉ học để đi làm phụ cha chữa bệnh cho mẹ. Từ khi biết tôi được Chi hội từ thiện Bảo Hòa hỗ trợ nơi ăn ở, thỉnh thoảng về quê còn được giúp tiền tàu xe hay giúp tiền mua thuốc điều trị, cháu mới chịu đi học tiếp, năm nay cũng sắp ra trường rồi”.
Nghe những người bệnh kể về ân tình mà Chi hội từ thiện Bảo Hòa đã chăm lo cho họ, thật xúc động. Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Sáu, người điều hành chính của chi hội. Ông Sáu cho biết, cách đây tròn 10 năm, trong một chuyến cùng chi hội đi thăm bệnh nhân ung thư, ông Ba Chúng (ngụ đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5) tận mắt chứng kiến người bệnh nghèo phải sống lây lất ở hành lang bệnh viện hay trong các nhà trọ chật hẹp với giá cao nên đã quyết định mua căn nhà ở địa chỉ 109 Trần Văn Kỷ rồi cho chi hội mượn để trợ giúp miễn phí nơi tạm trú cho người bệnh. Kể từ đó, nơi đây đã trở thành căn nhà thứ hai của người bệnh, có người gắn bó với căn nhà này gần chục năm với bao thăng trầm của cuộc đời đi trị bệnh.
Dì Bảy Sữa có thâm niên 20 năm nấu cơm từ thiện ở Chi hội từ thiện Bảo Hòa
Lo cùng nỗi lo của người bệnh
Văn phòng của Chi hội từ thiện Bảo Hòa (số 51 Nguyễn Văn Giai, phường Đa Kao, quận 1) chỉ là căn nhà đơn sơ, chứa lủ khủ vật dụng nấu ăn cùng các thùng đồ từ thiện. Nhưng từ nơi đây đã trải biết bao tình thương, sự sẻ chia cho bệnh nhân ở các bệnh viện lớn tại TPHCM. Người thành lập ra chi hội này - bà Lê Thị Thủy (78 tuổi, ngụ tại quận 2) - vì lớn tuổi và sức khỏe đã yếu nên không thể tiếp tục điều hành, nhưng kể về những việc làm của bà để gầy dựng lên Chi hội từ thiện Bảo Hòa ngày nay thì ai cũng biết ơn và nể phục. Từng chăm mẹ bị bệnh ung thư, tận mắt chứng kiến cảnh túng quẫn của người bệnh khi hóa đơn điều trị cứ tăng lên vùn vụt mà tiền ăn chẳng có, nên năm 1992, bà Thủy đã thành lập Chi hội từ thiện Bảo Hòa, kêu gọi người thân, bạn bè hỗ trợ người bệnh, nhất là bệnh nhân ung thư.
Chi hội có 12 nhóm tình nguyện viên (15 người/nhóm), luân phiên mỗi nhóm trực một tháng. Khi chúng tôi hỏi động lực nào để các dì, các chú lặn lội từ các tỉnh miền Tây lên nấu cơm tặng bệnh nhân nghèo, hầu hết đều trả lời vỏn vẹn rằng: “Vì thương!”. Đơn giản là vậy mà có bao tấm lòng đã gắn bó với công việc nấu cơm cho người bệnh tại chi hội từ những ngày đầu, như dì Bảy Sữa (52 tuổi, quê An Giang) suốt 20 năm qua đều đặn chẳng bỏ kỳ trực nào. Hàng ngày, đến 7 giờ tối là các dì trong nhóm nấu cơm hoàn tất phần sơ chế thực phẩm để tủ lạnh, 1 giờ sáng hôm sau dậy nấu để 7 giờ đem tới bệnh viện, 8 giờ gửi đến tay bệnh nhân; trưa lại nấu mẻ khác để 14 giờ lại gửi phần cơm chiều. Cứ thế, hàng ngày hơn 2.000 suất ăn đều đặn đến với bệnh nhân nghèo ở 4 bệnh viện. Ông Sáu cho biết, mỗi tháng chi hội chi từ 200 - 300 triệu đồng lo cho bệnh nhân. Ngoài việc giúp phần cơm, giúp nơi ở miễn phí, hàng ngày ông còn sang điểm phát cơm ở Bệnh viện Ung bướu để xét hồ sơ tặng đơn thuốc. Mỗi người có sổ hộ nghèo sẽ được tặng tiền ứng với 1 đơn thuốc có giá trị 2 - 3 triệu đồng. Ngoài ra, những người có nhu cầu về quê thăm gia đình, chi hội cũng sẽ xét để giúp tiền đi lại. Chính những việc làm thiết thực như vậy nên chi hội được đông đảo mạnh thường quân ghi nhận và đồng hành trong suốt 23 năm qua để giúp đỡ người bệnh nghèo.
PHƯƠNG UYÊN