3,5 tỷ năm nữa sao Hỏa có thể đâm vào trái đất

3,5 tỷ năm nữa sao Hỏa có thể đâm vào trái đất

Đó là cảnh báo của các nhà khoa học Pháp công bố trên tạp chí Nature ngày 11-6. Đây là lần đầu tiên có những tính toán thực sự trả lời rõ câu hỏi về sự ổn định lâu dài của hệ mặt trời chúng ta. Theo nghiên cứu, sự hỗn loạn quỹ đạo các hành tinh có thể làm hệ mặt trời bị mất ổn định, gây ra sự va chạm giữa trái đất với sao Kim hoặc sao Hỏa.

Sao Hỏa xẹt cách trái đất... 794km

Tuy nhiên, các vụ va chạm chỉ có thể xảy ra sau... 3,5 tỷ năm nữa với khả năng chỉ khoảng 1/2.500. Thật ra, 99% khả năng các hành tinh hệ mặt trời tiếp tục ổn định trong 5 tỷ năm nữa. Sau đó, mặt trời có thể giãn nở và dần “nuốt” hết trái đất, sao Thủy, sao Kim và sao Hỏa.

Mô hình va chạm giữa sao Hỏa với trái đất (ảnh trái) và giữa sao Kim với trái đất

Sử dụng các siêu máy tính, nhà khoa học Jacques Laskar thuộc Đài Thiên văn Paris và đồng nghiệp Mickael Gastineau đã tạo các mô hình về sự ổn định quỹ đạo các hành tinh hệ mặt trời trong 5 tỷ năm tới. Khác với các mô hình trước, họ áp dụng thêm thuyết tương đối rộng của Albert Einstein trong nghiên cứu. Tính toán trong thời gian ngắn, các quỹ đạo có sự khác biệt nhỏ nhưng sau một thời gian dài, kết quả khác biệt hẳn. Các nhà nghiên cứu đã xem xét 2.501 kịch bản có thể, trong đó 25 kịch bản kết thúc với cấu trúc hệ mặt trời bị phá vỡ nghiêm trọng.

Hãng AFP dẫn lời Laskar cho biết: Có một kịch bản sao Hỏa xẹt rất gần trái đất, chỉ cách... 794km. Khi đến sát như thế, gần như là một vụ va chạm vì các hành tinh sẽ bị lực hấp dẫn xé toạc ra. Sự sống trên trái đất lúc đó chắc chắn sẽ chấm dứt.

Để hiểu rõ hơn, Laskar và Gastineau tạo thêm 200 mô hình máy tính với sự thay đổi quỹ đạo sao Hỏa từng mức không đáng kể. Có đến 195 mô hình cho thấy sự kết thúc là các vụ va chạm liên quan mặt trời, trái đất, sao Thủy, sao Kim hoặc sao Hỏa. 1/4 số vụ cho thấy trái đất bị vỡ từng mảnh.

Các mô hình cho thấy, “thủ phạm” chính của sự hỗn loạn quỹ đạo tạo nguy cơ lớn nhất cho sự ổn định của hệ mặt trời chính là sao Thủy, hành tinh gần mặt trời nhất và nhỏ nhất.

Trái đất bị mặt trời “đá”

Theo SPACE.com, quỹ đạo các hành tinh hiện nay có vẻ ổn định nhưng sau hàng tỷ năm nữa sẽ khác, cũng như trước đây, các quỹ đạo đó cũng khác hiện nay. Cơ bản, các hành tinh “quấy rối” nhau bằng sự tương tác lực hấp dẫn. Các nghiên cứu trước đây còn chứng tỏ, khi mặt trời già đi, nó phình ra và nhẹ hơn, có thể tác động nghiêm trọng đến các hành tinh trong 7 tỷ năm tới. Trái đất có thể bị bốc hơi, hoặc bị đẩy văng khỏi hệ mặt trời.

Một nghiên cứu trước đây của nhà khoa học Gregory Laughlin thuộc Đại học California, lúc còn làm ở NASA, cùng Fred Adams ở Đại học Michigan, cho thấy khả năng trái đất bị “đá” khỏi hệ mặt trời là 1/100.000.

Khi các hành tinh đi ngang nhau ở khoảng cách gần, nhất là với hành tinh lớn như sao Mộc, có thể tạo những sự hỗn loạn quỹ đạo. Bằng chứng việc này này từng được phát hiện ở các hệ bên ngoài mặt trời, như hành tinh 2M1207B được cho là hình thành từ vụ va chạm và “sáp nhập” của 2 hành tinh khác. Mặt trăng của trái đất cũng được cho là được tạo nên khi một hành tinh cỡ sao Hỏa đâm vào trái đất khoảng 4 tỷ năm trước.

Nhà khoa học Laughlin cho rằng, mô hình mới của các nhà khoa học Pháp là bằng chứng lớn nhất đến nay về tương lai hệ mặt trời. Đây là những tính toán đầu tiên thực sự trả lời rõ ràng câu hỏi về sự ổn định lâu dài của hệ mặt trời. Các mô hình trước đây cho kết quả dự đoán không chính xác vì dựa trên những thông số trung bình về chuyển động của các hành tinh và không ứng dụng thuyết tương đối rộng của Einstein, không tính đến tác động của lực hấp dẫn theo thời gian và không gian, vốn đóng vai trò quan trọng trong các vụ va chạm.

Mô hình của Laskar cho thấy, sao Thủy sẽ là hành tinh đầu tiên bị mất ổn định vì có khối lượng nhỏ nhất. Ở một số nơi trên quỹ đạo, sao Thủy sẽ tương tác với sao Mộc và bị dịch chuyển khỏi quỹ đạo của nó. Khi điều này xảy ra, lực hấp dẫn từ sao Mộc vốn lớn hơn nhiều cũng sẽ tác động đến quỹ đạo sao Kim, sao Thổ và sao Hỏa.

Nhà khoa học Laughlin giải thích: Đầu tiên sao Thủy tương tác lực hấp dẫn với sao Mộc, tiếp theo làm mất ổn định sao Hỏa, đưa sao Hỏa đến rất gần trái đất. Lúc đó quỹ đạo sao Kim cũng mất ổn định và hành tinh này cũng có thể va chạm với trái đất.

THIỆN NGUYỄN (SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục