50% doanh nghiệp nhỏ và vừa không biết có luật hỗ trợ

ĐB Trần Thị Diệu Thúy cho rằng cần đánh giá trong phối hợp giữa các sở ngành đang vướng như thế nào, hơn 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ còn không biết có luật này chứ chưa nói đến việc áp dụng luật.

Chiều 26-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức khảo sát tình hình thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TPHCM giai đoạn từ 1-1-2018 đến 30-6-2022.

Đây là buổi khảo sát thứ hai của Đoàn ĐBQH TPHCM về chủ đề này. Ảnh: MAI HOA

97,5% doanh nghiệp TPHCM là nhỏ và vừa

Theo Sở KH-ĐT, tính đến ngày 30-6-2022, TPHCM có 264.407 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97,5% số doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới trong giai đoạn này là hơn 184.000, nhưng số tạm ngưng hoạt động, giải thể cũng chiếm tới gần 70% (hơn 128.000 doanh nghiệp). Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất gồm bán buôn, bản lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 37,2%); khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác…

Sở KH-ĐT đánh giá một số chính sách của TPHCM được hoạt động tốt đã tác động đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, như chương trình bình ổn giá, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, kết nối cung – cầu, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Tuy nhiên, Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ phát triển khoa học công nghệ lập tại doanh nghiệp chưa phát huy được tác dụng.

Sở KH-ĐT cũng nêu thực tế doanh nghiệp phản ánh vẫn bị nhiều lần thanh tra, kiểm tra ngoài kế hoạch, dù Thủ tướng đã chỉ thị các cơ quan nhà nước không được thanh tra kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm. Việc này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thanh tra kiểm tra không chỉ về phòng cháy, môi trường, mà còn kiểm tra từ hàng hóa, giấy phép, lao động, hóa đơn chứng từ…, có những cuộc kiểm tra chỉ để thương lượng làm thế nào để khắc phục tình hình kiểm tra doanh nghiệp nhiều lần.

“Cần có cơ quan theo dõi toàn bộ hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để tránh tình trạng kiểm tra chồng chéo, lạm quyền”, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Đào Minh Chánh nêu kiến nghị.

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú nêu khó khăn lớn nhất của Sở trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là Luật giao trách nhiệm cho Bộ tài chính hướng dẫn thủ tục hành chính thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ; bố trí nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ Công thương hướng dẫn doanh nghiệp tham gia chuỗi phân phối sản phẩm. Bộ Khoa học công nghệ hướng dẫn thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, Bộ TN-MT hướng dẫn các địa phương bố trí quỹ đất… Tuy nhiên đến nay các Bộ nêu trên chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện, dẫn đến sự lúng túng khi xây dựng kế hoạch cũng như dự án kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công thương.

Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Hồng cho biết, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM đã tiếp xúc trực tiếp và hỗ trợ tư vấn tài chính, pháp lý, lập hồ sơ vay vốn cho 94 lượt đơn vị với tổng nhu cầu vốn vay hơn 5.900 tỷ đồng, trong đó có 26 đơn vị được vay vốn với hạn mức tín dụng gần 2.400 tỷ đồng.

Sở Tài chính TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan hướng dẫn việc mua bảo hiểm rủi ro hoạt động bảo lãnh tín dụng để đảm bảo an toàn cho Quỹ bảo lãnh tín dụng. Hướng dẫn cụ thể về xây dựng quy chế xếp hạng tín dụng doanh nghiệp để làm cơ sở cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp. Hướng dẫn cụ thể về hạn mức giá trị tối thiểu của tài sản thế chấp của khách hàng cần có tại Quỹ bảo lãnh đối với khoản bảo lãnh vay vốn.

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Văn Thinh cho rằng vừa qua triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chậm, có nguyên nhân từ nhận thức của doanh nghiệp. Theo ông, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần mạnh hơn nữa ở việc triển khai các chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện báo cáo, hệ thống sổ sách để có thể tiếp cận tốt hơn các chính sách hỗ trợ khi được triển khai.

Cần chủ động hơn

Phát biểu tại buổi khảo sát, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh vai trò của lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ rất nhiêu khê và phức tạp. Ông đặt vấn đề TPHCM có nên có một hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không?

50% doanh nghiệp nhỏ và vừa không biết có luật hỗ trợ ảnh 2 ĐB Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: MAI HOA
Trong khi đó, ĐB Trần Thị Diệu Thúy cho rằng cần đánh giá trong phối hợp giữa các sở ngành đang vướng như thế nào, hơn 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ còn không biết có luật này chứ chưa nói đến việc áp dụng luật.
“Rất buồn vì luật đến nay 5 năm rồi, bảo lãnh tín dụng và các nội dung khác trên địa bàn TP quá chậm, trong khi TP luôn mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tiên và trước hết, nhất là sau dịch Covid-19”, ĐB Trần Thị Diệu Thúy nói.

Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, bên cạnh việc chậm hướng dẫn của các bộ ngành, về phần TPHCM cũng có những chậm trễ, thiếu quyết liệt, kịp thời trong việc kiến nghị.

Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong điều kiện khó khăn do thiếu hướng dẫn từ trung ương.

ĐB Hà Phước Thắng đề nghị các sở ngành tham mưu UBND góp ý các dự thảo, kiến nghị với Trung ương để các bộ ngành sớm có hướng dẫn. Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cũng cần củng cố mối quan hệ với các bộ ngành và các cơ quan của Thành phố, để thông tin đến các doanh nghiệp về chính sách hỗ trợ đầy đủ hơn. Đồng thời ghi nhận khó khăn của các doanh nghiệp để sớm kiến nghị tháo gỡ.

Tin cùng chuyên mục